Mới đây, mức ô nhiễm môi trường tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đạt mức kỷ lục, buộc chính phủ dừng các hoạt động công cộng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố New Delhi Arvind Kejriwal cho biết cả thành phố như một "buồng kín đầy khí ga". Các trường mẫu giáo và tiểu học cho trẻ nhỏ buộc phải đóng cửa và hoãn toàn bộ các hoạt động xã hội ngoài trời. Người dân cảm thấy khá lo sợ về màn sương mù dày đặc che tầm nhìn khi tham giao giao thông và một số triệu chứng như khó thở, rát họng.
Người dân tại thủ đô New Delhi - Ảnh: Reuters |
Hội đồng kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ công khai chỉ số chất lượng không khí đo nồng độ các chất độc hại đạt mức 451/500, khẳng định đây là mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây. Ở một số nơi tại Delhi, chất lượng không khí thấp hơn mức cho phép rất nhiều, tương đương với việc hút 50 điếu thuốc lá mỗi ngày.
Bác sĩ Arvind Kumar, Trưởng khoa Hô hấp của bệnh viện Sir Ganga Ram, nói: "Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Mức độ ô nhiễm này giết người nhanh hơn so với bom đạn hay thiên tai".
Hiệp hội Y khoa Ấn Độ đã kêu gọi chính phú tạm hoãn giải chạy marathon lớn nhất New Delhi vào ngày 19/11 nhằm bảo vệ sức khỏe các vận động viên và tình nguyện viên do chất lượng không khí chưa có biện pháp cải thiện triệt để.
Nguyên nhân gây ra ô nhiễm được cho là khói đốt nương của các khu vực lân cận như Punjab và Haryana, nhiều công trình xây dựng và nhà máy… Phó thị trưởng thành phố New Delhi Manish Sisodia cho biết chính quyền đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp như cấm các phương tiện ô tô hạng nặng vào nội thành, đóng cửa các công trường và sử dụng xe chuyên dụng tưới nước muối khử trùng trên các tuyến phố chính.
Sương mù ô nhiễm tại thủ đô New Delhi 2016 - Ảnh: Indiatoday |
Tháng 11/2016, New Delhi từng gặp phải vấn đề tương tự khi mức ô nhiễm đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm, khiến một triệu trẻ em phải nghỉ học, hàng trăm nghìn công nhân nhiễm bệnh về hô hấp và chính phủ buộc các cửa hàng thiết bị y tế phải bán mặt nạ phòng độc.
Thu Phương (Theo Reuters)