Theo nhận định của luật sư, ở từng mức độ mà người thực hiện hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người khác sẽ phải chịu những chế tài tương ứng.
Tùy thuộc vào từng mức độ mà người thực hiện hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người khác sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Ảnh minh họa |
Hiện nay Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 về Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc đang được toàn dân ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề phát sinh từ việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội này. Khi nhiều người ở nhà, không ra ngoài thì tâm lý nghĩ ra các cách thức giải trí tại nhà là điều dễ hiểu, trong số đó có ca hát tại nhà, thậm chí có những hộ dân hát karaoke tại nhà gây tiếng ồn quá lớn, gây ảnh hưởng đến hàng xóm, khu dân cư.
Nhiều độc giả thắc mắc, liệu pháp luật có chế tài gì đối với những người người hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến người khác?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội trả lời dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Cụ thể, theo khoản 8 Điều 7 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường, ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (bao gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (từ 21h đến 6h sáng hôm sau).
Luật sự Đặng Văn Cường nhận định, pháp luật hiện hành đã quy định khá chặt chẽ về chế tài đối với hành vi gây ra ô nhiễm tiếng ồn cho người khác, tuỳ vào mức độ vi phạm mà có mức xử phạt tương ứng.
Nếu hành vi ca hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, thì có thể bị xử phạt số tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.
Đây là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. |
Nếu hành vi này diễn ra không thuộc khoảng thời gian nêu trên, gây tiếng ồn lớn, có thể bị xử phạt do vi phạm quy định tiếng ồn, theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lúc này tùy vào mức ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật mà hành vi này có thể bị xử phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng, cụ thể:
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Mức phạt tiền này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.
Theo luật sư Cường, biện pháp khắc phục hậu quả cho nhưng người thực hiện hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn là buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
Có thể nói việc người dân không ra ngoài mà cách ly tại nhà, chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là tốt nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật khác, không được làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của những người xung quanh.
Thủy Tiên