Sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm khu trình diễn, xử lý phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O bằng công nghệ nano-bioreactor Nhật Bản, độ dày của bùn trong khu quây xử lý đã giảm mạnh.
Tại vị trí 30 m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong Khu trình diễn xử lý bùn, hướng phía ngoài sát tôn quây độ dày bùn giảm từ 73 cm xuống còn 35 cm (giảm 38 cm/sau hơn 2 tuần xử lý).
Để người dân có thể nhìn rõ sự phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O, chuyên gia Nhật Bản và công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), các đơn vị liên quan của Hà Nội đã tổ chức khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ.
Khu vực trình diễn xử lý bùn trước khi áp dụng công nghệ nano Nhật Bản. Ảnh: Vietnamnet |
Tại khu vực này được lắp đặt vách quây tôn bãi nổi và hệ thống phun mưa nano, nước thải từ bên ngoài vào bên trong khu nổi, tạo dòng chảy lưu thông bên trong khu vực quây tôn.
Sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm khu trình diễn, độ dày bùn trong khu quây xử lý giảm mạnh, đồng thời hàm lượng oxy hòa tan bên trong khu vực xử lý tăng mạnh, là môi trường rất tốt cho cá, thủy sinh phát triển.
Bằng cảm quan, cũng có thể thấy rõ được độ trong của nước, có thể nhìn thấy tận đáy bùn đang bị phân hủy nhờ xử lý bằng công nghệ nano-bioreactor..
Đáy bùn đang bị phân hủy nhờ xử lý bằng công nghệ nano-bioreactor. Ảnh: Báo Tin Tức |
Các dự án đã thực hiện tại các con sông ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... từ năm 1994 nhưng chất lượng nước vẫn được duy trì và các dòng sông, hồ có khả năng “tự làm sạch”, phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy mà không cần phải nạo vét cơ học.
Theo TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, công nghệ này không chỉ có khả năng xử lý làm sạch chất lượng nước, mà còn có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững chu kỳ trong 25 năm.
Kiều Trang (T/h)