Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Núi sạt lở đè sập nhà dân, bé trai 11 tuổi tử vong

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Núi Bà Hỏa (Bình Định) sạt lở khiến nhiều tấn đất đá tràn xuống, đè sập một nhà dân. Bé trai 11 tuổi không chạy kịp đã bị vùi lấp trong đống đổ nát, tử vong.

(ĐSPL) - Núi Bà Hỏa (Bình Định) sạt lở khiến nhiều tấn đất đá tràn xuống, đè sập một nhà dân. Bé trai 11 tuổi không chạy kịp đã bị vùi lấp trong đống đổ nát, tử vong.

Theo nguồn tin trên báo VnExpress, chiều ngày 15/12, mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Định đã khiến núi Bà Hỏa, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn bị sạt lở.

Nhiều tấn đất đá đã tràn xuống, đè sập nhà Nguyễn Minh Vũ. Anh Vũ và bố mình ở phía trước chạy thoát kịp thời, còn bé Nguyễn Tuấn K. (11 tuổi, con trai anh Vũ) kẹt lại, bị vùi lấp trong đống đổ nát, tử vong.

Sau sự việc, nhiều người dân đã đến hỗ trợ ứng cứu, dùng xà beng đào bới tìm bé K. nhưng bất thành do lượng đất đá quá cao.

Thi thể nạn nhân được đưa khỏi đống đổ nát. Ảnh: VnExpress.

Theo báo Giao thông, anh Ung Ngọc Mẫn, một trong những người dân đến hiện trường đầu tiên cho hay: "Tôi cùng với ông nội và ba của cháu cố gắng bê đất, đá từ nhà vệ sinh ra ngoài để cứu cháu nhưng cứ dọn đến đâu thì nước mưa cùng với đất đá trên núi trôi xuống tới đó.

Chúng tôi làm trong 30 phút nhưng thấy không có kết quả nên gọi lực lượng cảnh sát PC&CC".

Nhận tin báo, cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Định đã huy động lực lượng đến ngay hiện trường. Lực lượng chức năng phải dùng máy cắt bê tông để cắt tường, dùng các thiết bị chuyên dụng để chặn đất, đá trên núi không trôi xuống để đưa nạn nhân ra ngoài.

Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, đưa được nạn nhân ra ngoài thì bé K. đã tử vong.

Báo Thanh niên đưa tin, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều tối 15/12, nhiều khu vực ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát... tiếp tục bị ngập lũ. Đây là đợt lũ thứ 4 ở Bình Định từ đầu tháng 12 đến nay.

Huyện Tuy Phước (Bình Định) bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: Thanh niên.

Mực nước tại sông Kôn và sông Lại Giang đã vượt mức báo động 3, sông An Lão trên báo động 2, sông Hà Thanh tại Diêu Trì cũng vượt mức báo động 2. Đến 16h ngày 15/12, mực nước hồ Định Bình có lưu lượng đến 2375m3/s, qua tràn 2.118m3/s.

Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy Phước đã có cuộc họp khẩn và yêu cầu các địa phương trên triển khai ngay phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm ngay trong đêm 15/12.

Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 1.400 hộ dân, với gần 7.000 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm cần phải di dời.

Trong ngày 15/12, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng đã có công văn cho học sinh nghỉ học, đề phòng học sinh bị lũ cuốn trên đường đi học, đi học về.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với lũ lụt.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương xuất khẩn cấp nguồn kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc phòng bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lụt, vùng bị nước lũ cô lập...

Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

"1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật