Đầu tháng 5 vừa qua, Nguyên đã xuất sắc chinh phục học bổng toàn phần danh giá từ Đại học Oxford, ngôi trường 9 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới. Suất học bổng trị giá gần 60.000 bảng Anh (hơn 2,1 tỷ đồng) sẽ chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho chương trình thạc sĩ ngành Giáo dục, chuyên ngành Đổi mới công nghệ và xã hội.
Với Hạnh Nguyên, đây không chỉ là niềm tự hào to lớn mà còn là "quả ngọt" của một hành trình dài đầy nỗ lực, dám nghĩ lớn và vượt qua những giới hạn của chính bản thân.
Phí Hạnh Nguyên giành học bổng 2,1 tỷ đồng của Đại học Oxford. Ảnh: Giáo dục & Thời đại
Ý định du học thạc sĩ nhen nhóm trong Nguyên từ tháng 3/2024, khi cô đang ở cuối năm học thứ ba. Với tình yêu văn hóa Anh được nuôi dưỡng từ những năm tháng là học sinh chuyên Anh tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nữ sinh sớm xác định "xứ sở sương mù" chính là điểm đến mơ ước.
Ban đầu, trong suốt nửa năm tìm hiểu, Nguyên đã xem xét nhiều ngôi trường danh tiếng nhưng chưa từng dám đưa Oxford vào danh sách. "Ngôi trường top 1 thế giới" dường như là một đỉnh cao quá tầm với. Cho đến một ngày, cô tình cờ đọc được bài chia sẻ của một cựu sinh viên Việt Nam tại Oxford. Câu chuyện về hành trình vượt qua rào cản, phá bỏ định kiến về năng lực bản thân để chinh phục ngôi trường danh giá đã truyền cho Nguyên một nguồn cảm hứng mãnh liệt.
"Tại sao mình không thử?", một câu hỏi bật ra trong đầu đã thay đổi tất cả. Nguyên tự động viên mình phải nắm lấy cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Chia trẻ trên Giáo dục & Thời đại, Nguyên cho biết, trong bài luận cá nhân, cô đã kể một câu chuyện chân thành và xuyên suốt. Cô chia sẻ về niềm yêu thích giảng dạy nảy mầm từ những ngày còn học mẫu giáo, khi cô bé Nguyên thường xếp búp bê làm học sinh và tự mình sắm vai cô giáo đứng lớp. Ước mơ trong trẻo ấy đã dẫn lối cô đến với ngành Sư phạm.
Tuy nhiên, quá trình tham gia các hoạt động xã hội ở trường và địa phương đã giúp Nguyên nhận ra một thực tế nhức nhối: có quá nhiều trẻ em ham học nhưng lại chịu thiệt thòi, không được tiếp cận một nền giáo dục đầy đủ. Điều đó thôi thúc cô tìm một hướng đi mới.
Hạnh Nguyên tại Hội nghị cấp cao ASEAN với vai trò phiên dịch viên, năm 2025. Ảnh: VnExpress
"Mình chọn chuyên ngành Đổi mới công nghệ và xã hội không chỉ vì đó là xu hướng," Nguyên lý giải, "mà vì mình thực sự tin rằng công nghệ chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách và mang giáo dục tiên tiến đến với những học sinh ở vùng khó khăn".
Để chứng minh cho mục tiêu của mình, Hạnh Nguyên đã xây dựng một bộ hồ sơ có sự liên kết chặt chẽ giữa động lực, thành tích và các nghiên cứu khoa học.
Theo VnExpress, về thành tích ngoại khóa, điểm nhấn đắt giá nhất là việc Nguyên trở thành sinh viên duy nhất trong Hội đồng trường Đại học Ngoại ngữ, được ngồi cùng bàn và thảo luận với lãnh đạo thành phố và ban giám hiệu. Cùng với danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương và cấp thành phố, những thành tích này đã giúp Nguyên thể hiện một cách thuyết phục không chỉ năng lực học tập xuất sắc, kỹ năng lãnh đạo mà còn cả sự tín nhiệm lớn lao mà thầy cô dành cho mình.
Về học thuật, hồ sơ yêu cầu hai bài viết khoa học khoảng 2.000 từ. Nhờ đam mê và tham gia nghiên cứu khoa học từ năm nhất, Nguyên đã có sẵn các công trình chất lượng. Cô đã nộp hai đề tài từng đạt giải cấp trường và cấp Bộ GD&ĐT một nghiên cứu về việc giúp sinh viên tận dụng nguồn học liệu mở, và một đề tài về ứng dụng ChatGPT để nâng cao kỹ năng viết. Ngoài ra, hồ sơ của cô còn được bổ sung bởi hai nghiên cứu khác về tác động của học trực tuyến và ảnh hưởng của AI đến tư duy bậc cao.
Theo Nguyên, dù quy mô các nghiên cứu chỉ dừng ở phạm vi Đà Nẵng, chúng đều rất thiết thực, sâu sát và thể hiện rõ định hướng nhất quán của cô: dùng công nghệ để cải tiến giáo dục. Chính từ những nghiên cứu này, trong vai trò thành viên Hội đồng trường, cô đã có nhiều đề xuất giá trị, tiêu biểu là việc cải tiến hệ thống tài liệu số trên thư viện.
Hạnh Nguyên nhận bằng khen Sinh viên 5 tốt cấp trung ương, năm 2025. Ảnh: VnExpress
Một trong những lo lắng lớn nhất của Nguyên là hồ sơ thiếu "yếu tố quốc tế" do cô học chương trình trong nước và chưa từng tham gia trao đổi ở nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì tự ti, Nguyên đã nhìn lại và nhận ra mình hoàn toàn có thể "quốc tế hóa" hồ sơ ngay tại Việt Nam. Cô làm nổi bật kinh nghiệm giao lưu với sinh viên quốc tế, tham gia các hội thảo quốc tế và đặc biệt là vai trò phiên dịch viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN. "Vẫn có cơ hội hội nhập mà không nhất thiết phải ra nước ngoài", Nguyên khẳng định.
Sau khi nộp hồ sơ vào cuối năm 2024, Nguyên hồi hộp chờ đợi hai tháng trước khi nhận được tin vào vòng phỏng vấn. Biết Oxford rất mạnh về nghiên cứu, cô đã dành phần lớn thời gian để luyện tập nói về các đề tài mình đã thực hiện. Bất ngờ, ban phỏng vấn đã hỏi về một đề tài mà cô dự định sẽ làm khi học thạc sĩ. Dù chưa chuẩn bị trước, câu hỏi này lại "trúng tủ" với những ấp ủ về một nghiên cứu chuyên sâu về AI và tác động của nó tới giáo viên mà cô hằng suy nghĩ.
Tháng 3 vừa qua, khoảnh khắc định mệnh đã đến. Khi đang trong tiết dạy thực tập tại chính ngôi trường cấp ba của mình, THPT chuyên Lê Quý Đôn, Nguyên nhận được email thông báo trúng tuyển.
"Mình đã vỡ òa ngay lúc đó. Cả lớp thấy cô giáo cứ cười mãi liền hỏi thăm, rồi tất cả cùng chúc mừng cô", Nguyên hạnh phúc nhớ lại.
Niềm vui còn được nhân lên gấp bội. Với một hồ sơ xuất sắc, Nguyên không chỉ được nhận vào Oxford - một điều đã vượt ngoài mong đợi, mà còn được trường tự động xét và trao tặng học bổng toàn phần danh giá. Giấc mơ không chỉ thành hiện thực, mà còn rực rỡ hơn cả những gì cô từng dám nghĩ tới.