Theo Reuters, bà Madeleine Albright, nữ ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, biểu tượng của nữ quyền trong văn hóa đại chúng, qua đời vì ung thư ở tuổi 84.
"Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin tiến sĩ Madeleine K. Albright, ngoại trưởng thứ 64 của Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, đã qua đời sáng sớm nay do ung thư", gia đình bà Albright thông báo hôm 23/3 (giờ địa phương).
Bà Madeleine Albright, nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước Mỹ. Ảnh: AP
Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về sự ra đi của bà Albright.
Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự tôn kính đối với bà Albright trong một tuyên bố dài hôm 23/3.
Tổng thống đương nhiệm gọi bà Albright là một "thế lực" và nói rằng được làm việc với bà trong suốt những năm 1990 khi ông Biden ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là một trong những điểm nổi bật trong sự nghiệp ở Thượng viện của ông.
"Khi tôi nghĩ về Madeleine, tôi sẽ luôn nhớ đến niềm tin nhiệt thành của bà rằng 'Mỹ là quốc gia không thể thiếu'", ông Biden nhấn mạnh. Vị tổng thống đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và tất cả tòa nhà liên bang để vinh danh nữ cựu ngoại trưởng.
Bà Albright sinh ra ở Tiệp Khắc ngày 15/5/1937. Gia đình bà năm 1939 chạy trốn tới London (Anh) khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc. Bà đi học ở Thụy Sĩ năm 10 tuổi và lấy tên là Madeleine.
Bố của bà là một nhà ngoại giao và đưa cả gia đình tới Mỹ, nơi ông giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Denver. Một trong những học trò cưng của ông là Condoleezza Rice, người sau này trở thành nữ ngoại trưởng thứ hai của Mỹ năm 2005 dưới thời cựu tổng thống George W.Bush.
Bà Albright làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ năm 1993 tới 1997, làm ngoại trưởng Mỹ từ năm 1997 tới 2001 dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Bà Albright trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ vào ngày 23/1/1997 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Trong nhiệm kỳ của mình, bà Albright thúc đẩy Mỹ trở thành siêu cường sử dụng sức mạnh vũ trang. "Bà ấy muốn thúc đẩy "chủ nghĩa quốc tế cơ bắp", James O'Brien, cố vấn cấp cao của Albright dưới thời Chiến tranh Bosnia, cho hay.
Bà Albright từng khiến người đứng đầu Lầu Năm Góc bối rối khi hỏi tại sao quân đội lại duy trì quân số hơn một triệu quân mà không bao giờ sử dụng. Trong thời kỳ đầu của chính quyền Clinton, bà đã ủng hộ Liên Hợp Quốc thành lập tòa án tội ác chiến tranh để đưa những người gây ra cuộc chiến ở Bosnia vào tù, bao gồm cựu tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và các nhà lãnh đạo người Serb ở Bosnia.
Bà cũng ủng hộ việc mở rộng NATO, thúc đẩy liên minh can thiệp vào vùng Balkan để ngăn chặn nạn diệt chủng và thanh lọc sắc tộc, tìm cách giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời ủng hộ nhân quyền và dân chủ trên toàn cầu.
Trong nỗ lực gây sức ép với chương trình hạt nhân Triều Tiên, Albright tới Bình Nhưỡng năm 2000 để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm đất nước này vào thời điểm đó.
"Rất ít nhà lãnh đạo hoàn toàn phù hợp với thời đại mà họ phụng sự", cựu Tổng thống Clinton nói trong một tuyên bố.
"Khi còn là một đứa trẻ ở châu Âu bị chiến tranh tàn phá, Madeleine và gia đình bà đã hai lần buộc phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mở ra một kỷ nguyên mới của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu, bà ấy đã trở thành tiếng nói của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, sau đó nắm quyền lãnh đạo tại bộ Ngoại giao, nơi bà là một tiếng nói nhiệt thành cho tự do, dân chủ và nhân quyền", ông Clinton khẳng định.
Hoa Vũ (T/h)