Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nữ giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam Tạ Thị Hoài An: Đến với Toán như một lẽ tự nhiên

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Tính từ đợt phong giáo sư đầu tiên năm 1956, bà Tạ Thị Hoài An là nữ giáo sư Toán học thứ ba ở Việt Nam, sau GS Hoàng Xuân Sính (năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (năm 2015).

Đến với Toán học như một lẽ tự nhiên

Ngày 20/11 vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 630 giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Đặc biệt ở ngành Toán học, bà Tạ Thị Hoài An (sinh năm 1972, quê Nghệ An), công tác tại Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trở thành nữ Giáo sư Toán học thứ 3 trong gần 70 năm qua, sau GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính được công nhận năm 1980 và GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn vào năm 2015.

GS Toán học Tạ Thị Hoài An.

Bà An có bố là giảng viên Toán, mẹ làm bác sĩ. Theo truyền thống gia đình, cô nữ sinh 17 tuổi chọn theo đuổi ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh.

"Tôi đến với Toán, với sư phạm như một lẽ tự nhiên", bà An nói với VnExpress.

Tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán, bà Hoài An trở thành giảng viên tập sự tại Đại học Vinh ở tuổi 21. Bà sau đó tiếp tục học thạc sĩ, rồi bảo vệ tiến sĩ vào năm 2001 dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học. Với bà An, thầy Khoái là người đầu tiên gợi mở về con đường nghiên cứu khoa học.

Sau khi bảo vệ tiến sĩ, bà An được học bổng sang Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan, làm thực tập sinh dưới sự bảo trợ của GS Julie Wang. Được GS Julie truyền cảm ứng, bà An quyết định chuyển từ giảng viên sang làm nhà nghiên cứu.

Bà được phong học hàm Phó giáo sư năm 2009 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học (Habilitation) năm 2014 tại Đại học Clermont - Ferrand (Pháp). Bà An là người phụ nữ thứ 2 (sau GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính) ngành Toán học ở Việt Nam nhận bằng Tiến sĩ Khoa học.

Bà Hoài An trình bày báo cáo tại hội thảo của Đại học Clermont Ferrand, Pháp, năm 2008.

Trong thời gian học tập và làm việc, bà được nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới mời đến làm việc như trường Đại học Paul-Sabatier (Pháp, năm 1998), Đại học Grenoble (Pháp, năm 2000), Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan (làm thực tập sinh sau tiến sĩ từ 2001-2004), Trường Đại học Essen (năm 2008), Đại học Clermont - Ferrand (Pháp, năm 2005, 2007, 2008, 2014), Viện Field (Canada, 2008),… Bà được mời báo cáo tại nhiều hội nghị trong nước và quốc tế.

Nhờ thành tích nghiên cứu của mình, GS An từng nhận nhiều tài trợ, danh hiệu danh giá như Giải thưởng Viện Toán học cho nhà toán học trẻ xuất sắc (2009, giải thưởng được xét 2 năm một lần cho tất cả những nhà toán học dưới 40 tuổi, làm việc tại Việt nam); tài trợ Humboldt (Humboldt Research Fellowship for Experienced Researcher), Junior Associate Member tại ICTP Italy (2004-2010)… Các nghiên cứu của GS An được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và được trích dẫn nhiều lần.

Thấu hiểu nỗi vất vả của phụ nữ làm khoa học

Quá trình nghiên cứu của bà An gặp khá nhiều trở ngại vì vợ chồng bà mất hơn 10 năm điều trị hiếm muộn. Trong khoảng thời gian đó, bà liên tục phải đến bệnh viện để tiêm thuốc điều trị. Hình ảnh người phụ nữ với chồng sách, ngồi ở góc hành lang, chăm chú đọc và ghi chép trở nên đặc biệt và thân thuộc với y bác sĩ bệnh viện.

Năm 2011, bà sinh bé và dành thời gian để chăm sóc con. Chia sẻ trên báo Dân Việt, bà An cho biết, khi con được 22 tháng tuổi, bà đã đem con theo sang Đức làm việc, rồi sang Pháp để bảo vệ Tiến sĩ Khoa học. Trong thời gian đó, bà vừa chăm con vừa viết luận án Tiến sĩ Khoa học nên hầu như mỗi đêm chỉ được ngủ vài tiếng. Vì thế, bà càng hiểu hơn về sự vất vả của phụ nữ làm khoa học.

GS An cùng con trai 22 tháng tuổi ở Đức.

Trên trang cá nhân của mình, GS An cho biết: "Phụ nữ luôn thiệt thòi hơn đàn ông. Về cơ chế sinh học, phụ nữ đã chịu mỗi tháng một tuần mệt mỏi, tức là họ mất ¼ thời gian trong cuộc đời học tập và làm việc. Về định kiến xã hội, phụ nữ ngoài 30 tuổi chưa có gia đình đi đâu cũng sẽ có người thắc mắc và lâu dần cũng sẽ gây áp lực. Về bản năng thiên phú, bản năng làm mẹ, làm vợ là rào cản cho phụ nữ tập trung 100% tâm trí vào công việc. Trong gia đình, phụ nữ chấp nhận lùi lại phía sau để chăm lo cha mẹ già, con nhỏ. Đối với các nhà khoa học, thời gian ở nước ngoài là làm việc hiệu quả nhất. Nhưng phụ nữ thường phải từ chối cơ hội hoặc phải mang con theo…".

"Tôi rất hiếm khi thấy các tuyển dụng, tài trợ có câu "ưu tiên đối tượng nữ" trừ khi công việc đó phù hợp với nữ hơn. Tuy nhiên, một tín hiệu khá lạc quan là mọi người bắt đầu quan tâm thực sự đến điều này. Trong một số hội đồng tuyển chọn cán bộ của Viện Toán, nếu hai ứng viên có thành tích ngang nhau, họ đã "ưu tiên phụ nữ". Vì vậy, là phụ nữ, hãy tự hào đón nhận và đấu tranh "quyền ưu tiên" để có cơ hội được bình đẳng trong học tập và làm việc", nữ Giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam chia sẻ.

Sau khi được công nhận chức danh giáo sư, GS An tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu Toán học tại Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. GS Tạ Thị Hoài An cũng thường xuyên chia sẻ câu chuyện tích cực về công việc, cuộc sống của mình trên trang cá nhân.

Thủy Tiên

Tin nổi bật