Theo The Guardian, ngày 15/2, các nhà nghiên cứu ở Denver, Colorado (Mỹ) cho biết bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc mới, các nhà khoa học dường như đã chữa khỏi cho người thứ 3 nhiễm HIV, là một người phụ nữ ở New York (Mỹ).
Đây cũng là nữ bệnh nhân HIV đầu tiên trên thế giới được điều trị khỏi căn bệnh thế kỷ. Trước đó, từng có hai trường hợp được chữa khỏi HIV sau khi nhận tế bào gốc trưởng thành được cấy ghép tủy xương nhưng cả hai người này đều là nam giới.
Một nữ bệnh nhân HIV ở Mỹ dường như đã được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc mới. Ảnh minh họa: Getty Images
New York Times cho biết, bệnh nhân thứ 3 là một người phụ nữ lai, được điều trị bằng phương pháp mới có liên quan đến máu cuống rốn, sẵn có hơn tế bào gốc trưởng thành thường được dùng trong cấy ghép tủy xương. Tế bào gốc máu cuống rốn cũng không cần liên hệ huyết thống gần với người nhận.
“Chúng tôi ước tính mỗi năm có khoảng 50 bệnh nhân ở Mỹ có thể được hưởng lợi từ phương pháp này. Khả năng áp dụng ghép máu dây rốn phù hợp một phần làm tăng đáng kể khả năng tìm được nười hiến tặng phù hợp cho các bệnh nhân như vậy”, tiến sĩ Koen van Besien – một trong những bác sĩ tham gia điều trị cho biết.
Trường hợp của người phụ nữ nói trên đã được báo cáo tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội ở Denver, mở ra một phương pháp điều trị mới đối với HIV. Các nhà khoa học gọi cô là “bệnh nhân New York” vì cô được điều trị tại Trung tâm Y tế Weill Cornell (New York, Mỹ).
Vào năm 2013, nữ bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV. Bốn năm sau đó, cô tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Bệnh nhân này sau đó đã được nhận máu cuống rốn phù hợp một phần từ người hiến tặng để điều trị bệnh ung thư. Bên cạnh đó, một người thân cũng cung cấp tế bào gốc tạo máu cho nữ bệnh nhân để giúp tăng cường hệ miễn dịch sau ca cấy ghép.
Được biết, tuy máu cuống rốn dễ thích nghi hơn tế bào gốc trưởng thành nhưng không đủ hiệu suất để đáp ứng quá trình điều trị ung thư hiệu quả ở người lớn. Do đó, trong các ca cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn, việc cấy ghép thêm tế bào gốc được thực hiện nhằm bù đắp cho sự khan hiếm tế bào máu cuống rốn. Các tế bào gốc phát triển nhanh chóng nhưng cuối cùng bị thay thế bởi các tế bào máu cuống rốn.
Kể từ khi nữ bệnh nhân trải qua ca cấy ghép vào tháng 8/2017, căn bệnh ung thư máu của cô đã thuyên giảm. Ba năm sau ca cấy ghép, cô và các bác sĩ đã ngừng điều trị HIV. 14 tháng kể từ đó, cô vẫn chưa găp phải bất cứ vấn đề nào.
Thành công nói trên mở ra hy vọng về việc phát triển phương pháp điều trị cho những bệnh nhân mắc cả HIV và ung thư, cũng như những đối tượng có nguồn gốc chủng tộc đa dạng. Nhiễm HIV được cho là tiến triển ở phụ nữ khác với nam giới. Tuy phụ nữ chiếm hơn một nửa trong số 35 triệu ca nhiễm HIV được ghi nhận trên thế giới, chỉ có 11% tham gia thử nghiệm chữa bệnh.
Đinh Kim (Theo The Guardian)