Bộ phim tâm lý hình sự Người phán xử đang “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh nhỏ. Trong phim Người phán xử, NSƯT Trung Anh vào vai Lương Bổng - nhân vật đóng vai trò cánh tay phải đắc lực của ông trùm Phan Quân, nắm giữ vị trí quan trọng, chỉ đứng sau ông trùm trong tập đoàn Phan Thị. NSƯT Trung Anh đã chia sẻ với PV về những câu chuyện hậu trường của bộ phim ăn khách này bên cạnh những câu chuyện đời, chuyện nghề...
Thích thú với vai diễn “ngoài vòng an toàn”
- Rất lâu rồi khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam mới được “chiêu đãi” một món ăn tinh thần thú vị và khác biệt như bộ phim Người phán xử. Theo anh, điều gì đã làm nên thành công này cho bộ phim?
Theo tôi nghĩ thì có rất nhiều yếu tố để tạo nên sự thành công của bộ phim. Đó là sự nỗ lực của cả một ê – kíp. Nhưng điều cốt lõi hơn cả là Người phán xử có một kịch bản rất hay, với những tình tiết hấp dẫn.
Bên cạnh đó là dàn diễn viên được lựa chọn khá kỹ, những diễn viên trẻ như Việt Anh, Bảo Anh, Hồng Đăng là ba bạn trẻ với ba màu sắc có tính cách riêng biệt và họ đều tạo được dấu ấn trong vai diễn của mình. Việt Anh có được cái “ngông” của Phan Hải, Hồng Đăng lại đẹp với dáng vẻ thư sinh, Bảo “Ngậu” lại rất phong trần... Các bạn diễn viên nữ cũng diễn rất đạt vai của mình. Tôi nghĩ chọn diễn viên đúng đã tạo nên 50% thành công của bộ phim.
NSƯT Trung Anh trong "Người phán xử". |
- Nhân vật Lương Bổng trong Người phán xử khác hẳn so với những vai diễn trước kia anh từng thể hiện. Vậy anh có gặp áp lực gì khi nhận vai diễn này không?
Tôi rất bất ngờ khi được chọn vào vai Lương Bổng là một vai diễn hoàn toàn khác so với những vai diễn trước kia của tôi. Nhưng vì đây là một nhân vật xã hội đen với những diễn biến về tâm lý cũng như hành động rất hay khiến tôi không thể từ chối vì quá thích.
Mặc dù có áp lực để làm sao thể hiện cho tròn vai và lột tả được hết tính cách Lương Bổng nhưng nó cũng là động lực để tôi nghiền ngẫm nhân vật và sáng tạo hơn trong quá trình diễn xuất. Đây có lẽ là bộ phim khiến cho tôi mong đợi nhất sau khi đóng máy, cảm giác đó tôi chưa hề có ở những bộ phim với những vai diễn “an toàn” trước kia.
- Bộ phim Người phán xử là một trong số ít những bộ phim truyền hình Việt Nam thu tiếng trực tiếp, điều này có gây khó khăn cho dàn diễn viên thể hiện trong phim?
Những diễn viên gạo cội đều có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên cũng không gặp khó khăn gì nhiều khi thực hiện diễn xuất thu tiếng trực tiếp. Cá nhân tôi xuất thân là diễn viên sân khấu nên khi tham gia phim truyền hình thì đó lại trở thành thế mạnh. Hay như đài từ được anh Hoàng Dũng nhấn nhá khiến khán giả nhớ tới đó chính là tài năng của diễn viên. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi các diễn viên phải điều tiết được giữa tiếng nói sân khấu để đưa vào phim cho thật mềm mại, không bị kịch, hay khô cứng.
- NSƯT Trung Anh có cảm thấy may mắn không khi gần đây, anh được mời vào vai trong nhiều phim truyền hình “ăn khách” như: Ngự lâm không kiếm, Nơi ẩn nấp bình yên, Người phán xử...?
Bản thân tôi cho rằng, gương mặt của mình không phải vào dạng “ăn khách”, có lẽ các đạo diễn thấy phù hợp thì mời vào phim truyền hình thôi. Khi làm phim tôi cũng có nguyên tắc riêng: Đó là thích làm với những đoàn làm phim chuyên nghiệp. Bởi có người quan niệm, làm phim càng nhanh, kiếm tiền càng nhanh càng tốt. Tôi nghĩ rằng, làm chuyên nghiệp mới ra được sản phẩm tốt.
Lương "Bổng" của "Người phán xử" đã cho thấy một hình ảnh khác biệt của Trung Anh. |
Vẫn coi sân khấu là “thánh đường”
- Lần đầu tiên cầm kịch bản phim Người phán xử, anh có cảm nghĩ gì?
Tôi thấy rất bất ngờ khi đọc kịch bản này, bởi vì kịch bản rất hay. Tôi nghĩ là mình không thể từ chối được vai diễn này, chỉ có điều là nghĩ, mình phải làm thế nào để có vai diễn đặc biệt. Trong phim Người phán xử, Lương Bổng là một nhân vật ít nói, không nhiều đất diễn nhưng các tay anh chị trong giới giang hồ mỗi khi nói hay nghe nhắc tới tên ông ta đều có thái độ sợ hãi và tôn trọng. Điều này khiến cho Lương Bổng trở nên rất bí ẩn và cuốn hút đối với khán giả. Họ luôn phải tò mò về ông ta và chăm chú theo dõi mỗi khi ông ta xuất hiện. Phim tâm lý hình sự trên VTV cũng ít nên khán giả quan tâm và theo dõi rất nhiều.
- Trong phim này, khán giả thấy NSƯT Trung Anh có nhiều mâu thuẫn, đụng độ với diễn viên Việt Anh. Đóng phim với một Việt Anh – Phan Hải lấc cấc như trong phim, chắc hẳn anh cũng rất kiên nhẫn?
Vì có mối quan hệ thân tình, đặc biệt với ông trùm Phan Quân nên Lương Bổng coi Phan Hải như con, là một đứa con hư. Tất cả những việc Phan Hải làm, thậm chí có cả những hành động rất láo nhưng trong thâm tâm, Lương Bổng vẫn coi nó là một đứa trẻ nên bao dung kiểu bố và con. Việt Anh là một diễn viên trẻ, tuy nhiên, cũng có cách diễn xuất rất tốt, vì thế so với cả dàn diễn viên gạo cội, cậu ấy diễn không bị “đuối”. Trong phim, Việt Anh có vẻ lấc cấc, sốc nổi, giải quyết mọi vấn đề bằng bản năng nhưng ngoài đời, cậu ấy làm việc rất chuyên nghiệp, quy củ.
- Cơ duyên nào đã đưa diễn viên Trung Anh đến với nghiệp diễn và theo đuổi nó đến tận bây giờ?
Tôi đến với nghề diễn như một sự tình cờ. Hồi đó nhà hát Kịch Việt Nam có đợt tuyển diễn viên, tôi đã âm thầm giấu gia đình nộp hồ sơ, qua các vòng xét tuyển tôi đã đỗ và theo học. Tôi may mắn vì tôi vào trường đúng lúc “thế hệ vàng” những diễn viên gạo cội như: NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh dạy... họ là lứa nghệ sĩ rất giỏi và yêu nghề. Chính họ đã tiếp lửa đam mê và càng làm càng khiến tôi say nghề, theo đuổi đến tận bây giờ. Lứa diễn viên hồi đó có: Tôi, NSND Lan Hương “bông”, Quốc Khánh, Quế Hằng, đạo diễn Trọng Trinh... hầu như ai cũng yêu nghề và sống cùng nghề đến nay.
- Có một thực tế là bây giờ diễn viên trẻ không còn mặn mà với sân khấu kịch nữa, họ thích đi đóng phim “mì ăn liền” hơn là lên diễn trên sân khấu, anh có thấy thế không?
Chuyện này là có đấy. Mới đây có một diễn viên trẻ nói với tôi rằng, có một phim truyện nhựa, một phim truyền hình mời tham gia và bạn ấy đã chọn phim truyền hình để đóng. Khi tôi hỏi vì sao em lại không làm phim nhựa, phim nghệ thuật? Bạn ấy trả lời rằng, phim truyền hình dễ nổi tiếng hơn... Đúng là bây giờ sân khấu kịch khác quá rồi, không như những năm 90 của thế kỷ trước, bởi thị hiếu của khán giả đã thay đổi. Nhưng chúng tôi – lứa diễn viên cũ, vẫn coi sân khấu kịch là “thánh đường” của mình.
- Sân khấu nước nhà có những giai đoạn rất khó khăn, là diễn viên nhà hát Kịch Việt Nam, có bao giờ anh có suy nghĩ sẽ từ bỏ nghề diễn xuất và chuyển nghề không?
Năm 1982, sau khi kết thúc khóa học tôi được gọi đi bộ đội, 2 năm tôi trở về. Trong khoảng thời gian đó, các bạn cùng khóa với tôi đã phát triển rất nhiều, họ được thử sức với các vai diễn, được rèn giũa trong một môi trường làm việc tốt. Vì vậy giai đoạn đầu khi quay trở lại đoàn tôi rất hoang mang vì thấy mình đuối hơn so với mọi người, khi ấy tôi đã suy nghĩ đến việc đi tiếp với nghề hay không? Nhưng sau đó được gia đình động viên nên tôi đã quyết định ở lại tiếp tục theo đuổi nghệ thuật. Sau lần đó tôi chưa từng có ý định sẽ chuyển mình đi theo một lĩnh vực nào khác.
- Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!
Lạc Thành