Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NSƯT Trịnh Kim Chi: Nhiều nghệ sĩ thất vọng vì sản phẩm bị cắt ghép

(DS&PL) -

Họ có tiền nên có quyền mời ai họ muốn. Vấn đề là người nghệ sĩ tham gia thi game show nếu cảm thấy như vậy là sai, là phản cảm thì đừng nhận lời.

"Họ có tiền nên có quyền mời ai họ muốn. Vấn đề là người nghệ sĩ tham gia thi game show nếu cảm thấy như vậy là sai, là phản cảm thì đừng nhận lời", NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ.

Làn sóng phản đối gameshow nhảm đang diễn ra mạnh mẽ suốt nhiều tháng nay từ khán giả và từ chính những người làm nghề. NSƯT Trịnh Kim Chi đã có những chia sẻ, góp ý thẳng thắn về tình hình game show hiện nay.

Diễn viên Trịnh Kim Chi.

"Một số game show cố tình tạo scandal để gây hot"

Thưa nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi, chị cũng như NSND Hồng Vân có khá nhiều học trò tham gia thi game show. Vậy chị có lời khuyên gì cho học trò của mình không?

Tất nhiên, tôi cũng khuyên các bạn như những gì tôi đúc tỉa ra từ thực tế nhìn thấy ở các game show nhưng các bạn có ý thức được hay không, tiếp thu được hay không, làm được tới đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Tôi nói các bạn nên chọn những game show có format nghiêm túc nhưng thật ra các bạn còn nhỏ nên chưa ý thức được phải chọn game show nào. Tôi cũng dặn các bạn cố gắng đừng để vướng vào trường hợp lên đó rồi người ta kêu gì làm nấy. Và khi biểu diễn thì không được lạm dụng hài nhảm.

Thật ra, ngay các bạn khi tham gia game show cũng khó có thể kiểm soát được mình. Bởi vì, các bạn cũng chịu sự áp đặt từ những người làm chương trình và bị ràng buộc bởi hợp đồng.

Ví dụ, lúc lên sân khấu các bạn diễn thế này nhưng khi phát sóng nội dung lại thành ra một tác phẩm khác vì bị cắt ghép. Nghĩa là nội dung đó đã theo ý của nhà sản xuất chứ không đúng với những gì các bạn đã thi, đã thể hiện. Vì một chương trình quay 2, 3 tiếng nhưng khi phát sóng chỉ còn 30, 45 phút.

Bản thân tôi cũng thấy nhiều trường hợp của các anh chị em nghệ sĩ đi thi game show. Họ thất vọng về điều đó rất nhiều. Khi diễn, họ cảm thấy ưng ý nhưng lúc phát trên truyền hình, tác phẩm đó làm họ thất vọng do bị cắt ghép vì ảnh hưởng từ thời lượng chương trình.

NSƯT Trịnh Kim Chi trong hàng ghế nóng game show "Kịch cùng Bolero".

Với những trường hợp như thế, các bạn thí sinh nhỏ tuổi thì khó lên tiếng còn với những nghệ sĩ đã có chút tên tuổi, họ có thể bày tỏ quan điểm của mình với nhà sản xuất không thưa chị?

Theo tôi được biết, mỗi thí sinh thi game show đều có hợp đồng với nhà sản xuất. Hợp đồng ràng buộc người chơi nhiều thứ nên khó có thể bày tỏ ý kiến. Có lẽ hợp đồng luôn có điều khoản là người chơi phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của nhà sản xuất đưa ra, nếu thật như vậy thì khó có thể đưa ra chính kiến của mình.

Nếu muốn bày tỏ thái độ không hài lòng của mình thì chỉ có cách là không chơi nữa. Nhưng điều này không phải ai cũng dũng cảm làm được. Giờ họ chỉ cần nói, format như thế các anh chị phải làm theo thì nghệ sĩ buộc phải chấp nhận. Đã chấp nhận tham gia thì phải chịu sự ràng buộc của hợp đồng đã thỏa thuận.

Bản thân chị cũng tham gia game show ở vai trò ban giám khảo. Chị có thể chia sẻ thêm về quyết định này của mình khi game show đang nhận khá nhiều chỉ trích từ công chúng và những người trong nghề?

Tôi tham gia ít và đều ở vị trí giám khảo như chương trình "Hoán đổi" và mới đây là "Kịch cùng Bolero"... Những chương trình đó giống như cuộc thi của các bạn trẻ về diễn xuất chứ không phải game show hài.

Khi nhà sản xuất mời, họ cũng phải cân nhắc tìm người phù hợp với game show đó. Game show hài thì mời diễn viên hài. Còn tôi thường được mời làm giám khảo những cuộc thi sắc đẹp và biểu diễn sân khấu, thi thố tài năng diễn xuất...

Tôi thấy những game show đó nghiêm túc và có tính giáo dục cao. Tôi nghĩ là mình may mắn khi được mời tham gia những game show như vậy. Còn thật ra, nếu game show hài mời chưa chắc tôi dám nhận vì tôi không chuyên về hài.

Khi nhận một chương trình nào đó, tôi phải cân nhắc xem mình có phù hợp hay không. Mình không thể ngồi một game show mà không có hiểu biết gì về lĩnh vực đó, nói nhăng nói cuội để mất uy tín của bản thân.

Lúc nhận làm giám khảo, tôi cũng hỏi kỹ lắm. Tôi yêu cầu xem format chương trình, họ chỉ tôi tìm trên youtube xem trước coi có phù hợp hay không.

Chị có suy nghĩ gì khi hễ một game show nào đó bị chê dở thì chắc chắn người chịu sóng gió đầu tiên luôn là nghệ sĩ chứ không phải nhà đài hay nhà sản?

Trong thời buổi nghệ sĩ đi lên bằng truyền thông như hiện nay thì việc dùng scandal để đánh bóng tên tuổi không phải là điều gì xa lạ. Thậm chí có thể nói là tràn lan.

Thậm chí có một số game show cố tình tạo scandal để gây hot. Game show chưa xuất hiện nhưng họ đã tạo scandal rồi. Điều này tất cả mọi người đều biết chứ không riêng gì tôi, ngay cả khán giả cũng nhận ra.

Tôi không đánh đồng các nghệ sĩ nhưng có một số người tham gia game show nằm trong khu vực đó. Bởi vì nếu gọi chung là nghệ sĩ thì tội cho những người nghệ sĩ thực sự. Gọi là người tham gia game show thì chính xác hơn.

Tôi không tin những người đồng ý tham gia chương trình mà không biết trước nội dung. Và khi biết trước như vậy thì đương nhiên họ cũng đã phải chuẩn bị tinh thần rồi.

Vấn đề là trong quá trình làm việc họ có chấp nhận đi đến cuối con đường đầy chiêu trò hay không. Nếu không chịu được, họ có quyền bỏ cuộc.

Tuy nhiên tôi cũng biết không ít nghệ sĩ không chấp nhận điều này, họ bảo vệ tiếng tăm và danh dự của mình và tôi trân trọng điều đó...

Việc ca sĩ Siu Black tham gia với vai trò thí sinh trong game show "Sinh ra để tỏa sáng" đã gây nên những phản ứng trái chiều từ công chúng và người trong nghề.

"Nhiều nghệ sĩ đánh đổi để duy trì cái tên của mình"

Giới nghệ sĩ gần như có một điều cấm kỵ là đàn em không được "ăn trên ngồi trước" đàn anh đàn chị. Người đi sau phải kính trọng tiền bối. Nhưng khá nhiều game show hiện nay đang đi ngược điều này bằng cách để người nhỏ chỉ dạy, chấm điểm người lớn. Ở khía cạnh một người trong nghề, từng ngồi ghế nóng chị nghĩ thế nào?

Nếu nghệ sĩ thấy format chương trình không ổn thì đừng tham gia. Mình phải biết vị trí mình ở đâu. Mình nên chắt lọc những gì được mời và xem xét kỹ lưỡng.

Còn nhà đài, nhà sản xuất họ cần những tên tuổi để mang về rating, tài trợ. Họ có tiền nên có quyền mời ai họ muốn. Vấn đề là người nghệ sĩ tham gia thi game show, nếu cảm thấy như vậy là sai là phản cảm thì đừng nhận lời.

Nhưng có những người muốn tồn tại, muốn khán giả nhớ mình nên nhẫn nhục làm. Họ đánh đổi để duy trì cái tên của mình. Để đánh đổi, họ cũng phải cân đong đo đếm rất nhiều xem có đáng hay không.

Hiện tại có nhiều game show nên người chơi cũng có nhiều sự lựa chọn. Cho nên ý thức của người chơi rất quan trọng, không nên đổ hết trách nhiệm và tội lỗi cho người tổ chức hay giám khảo.

Về phía người tổ chức, nếu họ am hiểu, có lương tâm làm nghề thì họ không nên để những chuyện như vậy xảy ra. Họ phải làm sao để giám khảo và thí sinh không rơi vào thế kẹt.

Nhà sản xuất cần tên để có rating nhưng vấn đề là làm như thế nào để đảm bảo lợi nhuận và chừng mực, nghiêm túc, tử tế chứ không bầy hầy. Bởi vậy phải cần rất nhiều yếu tố chứ không riêng gì nghệ sĩ.

Với tình hình game show hiện nay, theo chị nên làm gì để bức tranh game show đẹp và chỉn chu?

Ngày xưa các game show của mình thường mua format của nước ngoài nhưng sau này để khỏi tốn tiền bản quyền, họ nghĩ ra đủ kiểu game show, theo bất cứ xu hướng nào họ cảm thấy ăn khách và kiếm được lợi nhuận. Chính vì thế game show hiện nay quá ồ ạt và nhiều chương trình nhảm nhí.

Nhiều người cho rằng format của game show "Sinh ra để tỏa sáng" có rất nhiều vấn đề.

Theo tôi thì đã đến lúc các nhà đài và các nhà quản lý cần quan tâm hơn đến chất lượng của game show. Khi truyền thông lên tiếng thì những hệ lụy của game show cũng đã giảm đi nhiều nhưng vẫn cần phải kỹ lưỡng hơn, trách nhiệm hơn không thể thả nổi như thời gian qua.

Nếu cứ buông thả mãi thì không những văn hóa xem của khán giả bị sai lệch mà văn hóa diễn sân khấu cũng bị ảnh hưởng. Lúc đó nghệ thuật sẽ ra sao?

Để làm được điều này không khó. Chỉ cần xem xét kỹ nội dung chương trình, kiểm duyệt nghiêm túc và có người trực tiếp giám sát nội dung, tránh nhảm nhí.

Các bạn trẻ tham gia các cuộc thi game show cũng phải được hướng dẫn và chỉ bảo một cách nghiêm túc. Bởi trong suốt quá trình thi là các bạn đang lớn dần và đang học hỏi. Nên chọn cho chính mình một chương trình tốt và phù hợp nếu các bạn muốn dấn thân với nghề lâu dài.

Và cuối cùng là khán giả. Khán giả sẽ là người quyết định những chương trình nhảm nhí nào phải ra đi.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!


Tin nổi bật