Past lives (Muôn kiếp nhân duyên) được các nhà phê bình điện ảnh quốc tế nhận định là "một trong những phim hay nhất năm 2023" ngay từ khi công chiếu tại Liên hoan phim Sundance và Liên hoan phim Quốc tế Berlin. Là phim dài tập của đạo diễn không mấy tên tuổi - Celine Song, Past lives có lẽ đã vượt qua sự kỳ vọng của khán giả về một tác phẩm được gắn mác phim tình cảm. Điều gì đã tạo nên sức hút của bộ phim này khi 3 diễn viên chính cũng không thuộc hàng ngôi sao?
Past lives là tác phẩm "debut" của nữ đạo diễn Celine Song.
Past lives diễn tả những ngã rẽ trên cuộc đời mà chúng ta đều sẽ trải qua. Tưởng chừng như được khoác lên mình lớp áo lãng mạn về câu chuyện tình tay ba giữa Nora, Hae Sung và Arthur nhưng bộ phim chất chứa rất nhiều câu hỏi về hiện thức cuộc sống bằng 2 từ "nếu như".
Na Young hay Nora (Greta Lee) và Hae Sung (Yoo Teo) là bạn thanh mai trúc mã. Cả hai đã như hình với bóng, cảm mến nhau với thứ tình cảm trong sáng, chân thành nhất từ khi còn là những đứa trẻ. Nhưng rồi định mệnh chớ trêu đã chia cắt họ khi Nora phải định cư đến Mỹ cũng gia đình. Cặp đôi cũng từng "nối lại tình xưa" ở độ đôi mươi nhưng do cách trở về mặt địa lý lẫn lý tưởng sống, mối quan hệ nhanh chóng tan vỡ khi chưa kịp định danh. 20 năm sau, như một mối duyên tiền định, họ gặp lại nhau tại Mỹ nhưng lúc này Nora đã trở thành vợ của Arthur (John Magaro).
"Tình cũ không rủ cũng tới" hay "tình tay ba" là những cụm từ có thể sử dụng để nôm na miêu tả về câu chuyện này, nhưng Past lives không đơn thuần như vậy. Bởi mối giao tình giữa các nhân vật trong phim, những tình huống mà biên kịch/đạo diễn đặt để còn mang đến cho người xem những chiêm nghiệm tuyệt vời tình yêu và nhân thế, trong sự chi phối éo le nhưng cũng không kém phần màu nhiệm của hai chữ "nhân duyên".
Tình yêu thanh mai trúc mã chỉ còn là ký ức đẹp với cả Nora và Haesung.
Trong lần đầu gặp gỡ, Nora đã giải thích cho Arthur nghe về ý niệm này. "Ngay cả khi hai người lạ đi lướt ngang qua nhau trên một con phố, và quần áo họ vô tình va chạm nhẹ vào nhau, điều đó có nghĩa là đã có 8.000 lớp nhân duyên ở giữa họ". Toàn bộ tình tiết, lời thoại của Past lives đều bám rất sát với chủ đề nhân duyên.
Bộ phim của đạo diễn Celine Song mang đến cho người xem những thổn thức, bồi hồi của tình yêu đôi lứa trong nhiều giai đoạn. Cùng lúc đó, cô cũng khéo léo dùng chuyện tình yêu phản ánh sự thay đổi của con người như một lẽ tất yếu hay sự bất khả thỏa hiệp giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, nó mang đến cho người xem những suy ngẫm sâu sắc về ký ức và thời gian.
Tình yêu đầy ắp kỷ niệm giữa Nora và Haesung đẹp tuyệt vời nhưng khán giả cũng không thể không xúc động trước tình yêu bình dị giữa Nora và chồng mình - Arthur. Hợp tan là lẽ thường tình ở đời, dẫu cho sự "trở về" của một người cũ đủ làm cho lòng người xáo động khôn nguôi. Xuyên suốt bộ phim, 3 nhân vật liên tục tự hỏi và trao cho nhau những câu hỏi "nếu như" nhưng họ lại không hề hạch sách hay chất vấn tình yêu và sự lựa chọn của nhau. Họ đối xử với nhau rất văn minh và tràn đầy sự tôn trọng.
Cho đến khi bộ phim khép lại, Hae Sung bước lên uber ra sân bay trở về Hàn Quốc, anh vẫn cố dành cho Nora thêm một câu hỏi "nếu như": "Nếu như đây cũng là kiếp trước, và hai ta sẽ trở thành cái gì đó khác của nhau ở kiếp sau? Lúc đó, em nghĩ chúng mình sẽ là ai?". Past Lives đã mượn quan niệm về "in-yun" (nhân duyên) của người Hàn Quốc để tạo nên kết nối cho tổng thể tác phẩm: mối quan hệ của Hae Sung và Na Young là duyên số, Nora kết hôn với Arthur cũng phải trải qua 8000 lớp nhân duyên, và ngay cả cuộc gặp ngượng ngùng giữa hai người đàn ông yêu chung một người phụ nữ còn được Hae Sung và Arthur định nghĩa là nhân duyên.
Nói về cảnh phim cuối của Past Lives, đạo diễn Celine Song từng chia sẻ: "Khi bạn vẽ một đường thời gian, nó luôn luôn đi từ trái sang phải. Nora đưa Hae Sung đến điểm chờ Uber, bằng cách đi từ phải sang trái, tức là cả hai đang đi vào quá khứ. Sau đó, Hae Sung lên xe, chiếc Uber tiếp tục chạy sang trái khung hình, thì nó vẫn được lái về quá khứ. Tiếp đến, Nora quay trở lại nhà theo hướng mà cô ấy đã đến điểm chờ xe. Nora đi từ trái sang phải và mỗi bước đi ấy sẽ là một bước đi vào tương lai từ quá khứ".
Quãng đường trở về nhà của Nora chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, không ai biết chính xác rốt cuộc cô ấy đã nghĩ những gì để rồi bật khóc nức nở ngay khi bắt gặp Arthur đang chờ mình trước cửa. Không một câu thoại, nhưng chắc chắn, điều Nora đã bỏ lại phía sau không đơn giản là Hae Sung - chàng trai mà cô dành những tình cảm đặc biệt. Nỗi đau buồn, cảm xúc lẫn lộn đủ sức làm những giọt nước mắt của một người phụ nữ mạnh mẽ, tham vọng đã trải qua 2 lần nhập cư như Nora phải rơi xuống hàm chứa những sâu sắc hơn thế.
Đó là giọt nước mắt tiếc nuối cho một cuộc đời mà từ lâu, cô chấp nhận rời bỏ và không cho phép bản thân chủ động nhớ đến: cô bé năm 12 tuổi, cái tên Na Young, ngôn ngữ mẹ đẻ, những người bạn thời thơ ấu và cả gốc rễ Hàn Quốc vẫn tồn tại bên trong mình. Sự hiện diện của Hae Sung tại New York giúp cô được làm Na Young một lần nữa sau nhiều năm, bởi như Nora từng nói với Hae Sung: "Đến mẹ của em cũng không còn gọi em là Na Young nữa". Từ đầu đến cuối, chỉ có duy nhất Hae Sung "trung thành" gọi cô là Na Young ngay tại thời điểm tìm thấy nhau trên mạng xã hội sau 12 năm và cho đến khi gặp mặt trực tiếp vào 12 năm tiếp theo. Hae Sung rời đi, rất có thể sẽ không còn ai gọi cô 2 tiếng "Na Young" nữa. Chuyến xe uber đi về bên trái tựa như Hae Sung đem theo "Na Young" về Hàn Quốc - một quá khứ xa xăm, mờ ảo trong tâm trí Nora.
Có lẽ, bên cạnh sự kiên định chỉ biết lao về phía trước để "nhận được một điều gì đó khi ta chọn hy sinh một điều khác", thì Nora cũng có lúc bối rối đi tìm ý nghĩa cho những lựa chọn trong đời. Sự bối rối của Nora không nằm ở câu hỏi "nếu như" lưng chừng giống Hae Sung và Arthur, mà nằm ở cơn òa khóc nức nở cuối phim. Khi lần lượt lướt qua những cột mốc trong cuộc đời Nora: năm 12 tuổi di cư đến Canada và chia tay Hae Sung lần đầu tiên, năm 24 tuổi di cư đến Mỹ và chia tay Hae Sung lần thứ hai, năm 36 tuổi đã kết hôn và chia tay Hae Sung lần thứ ba, cô đã luôn dứt khoát đưa ra lựa chọn và chỉ chính cô mới biết, lựa chọn của mình có thực sự ý nghĩa hay không. Nora đã khóc, có thể là cho những điều cũng ý nghĩa mà cô đã không chọn và buộc phải chấp nhận chúng như một phần mất mát trong đời.
Past lives có thể sẽ không khiến người xem nức nở, bàng hoàng, vui say ngay lập tức khi ngồi trước màn chiếu nhưng thứ dư âm khắc khoải và sự chiêm nghiệm mà nó mang lại sau đó thực sự là một trải nghiệm điện ảnh rất khác lạ và đáng quý. Và cái kết của phim có lẽ là một trong những cái kết gây thổn thức và thấu cảm nhất trong số những bộ phim tình cảm - lãng mạn đã được ra mắt trong năm vừa qua.
Nhật Minh (T/h)