(ĐSPL) - Sự việc đã đi đến hồi kết, C. được thả về sau những ngày tạm giam vì dính nghi án giết cha. Cơ quan chức năng đã có kết luận cụ thể, dập tắt những mối nghi ngờ trong dư luận. Bà Phạm Thị Tâm (SN 1959) như trút được gánh nặng tâm lý...
Đầu giờ chiều ngày 13/11, sau khi nghe tiếng ông Nguyễn Anh Đào (SN 1954) nạt nộ con chó vì cắn chết 2 con gà, người dân làng Phong Mỹ, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tiếp tục nghe thấy tiếng cãi cọ qua lại và cuối cùng là tiếng bà Tâm gào thét, hô hoán. Khi đến nơi, mọi người đã thấy ông Đào nằm dưới đất, trên đầu bê bết máu. Riêng Nguyễn Anh C. (SN 1991, con trai ông Đào) đứng cạnh run rẩy, mặt mày tái mét, dưới chân là thanh gỗ gài chuồng bò.
Ngay sau đó, những người có mặt tại hiện trường đã nhanh chóng đưa ông Đào đi băng bó, chữa trị vết thương. Tối cùng ngày, ông Đào được đưa về nhà nhưng sáng ngày hôm sau ông phải nhập viện vì bị nôn ói liên tục. 3 ngày sau khi sự việc xảy ra, ông Đào đã trút hơi thở cuối cùng. Lúc này, dư luận bắt đầu bàn tán xôn xao, cho rằng C. chính là hung thủ giết cha đẻ.
Sự việc càng trở nên rối ren khi trong thời gian ông Đào nằm viện, C. nhận được giấy triệu tập của công an xã rồi bị công an huyện tạm giam để làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Đào.
Mọi người bắt đầu kháo nhau, đồn thổi về sự việc nhưng không một ai dám hỏi thẳng bà Tâm việc gì đã xảy ra giữa hai cha con C.. Mặc dù tất cả chỉ là dư luận nhưng cùng một lúc bà Tâm phải gánh chịu nỗi đau mất chồng, nỗi lo lắng khi người con trai đang bị tình nghi giết cha rồi những dị nghị, bàn tán của xóm làng càng khiến bà quặn từng khúc ruột. “Chỉ mấy ngày thôi mà nhìn bà ấy hốc hác, tiều tuỵ quá các cô ạ”, một người hàng xóm chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Tâm 3 ngày sau khi Nguyễn Anh C. được thả về. Căn nhà lặng lẽ, khói hương vẫn nghi ngút. Sau đúng 2 tuần, kể từ ngày sự việc xảy ra, bà Tâm như tàu lá rũ, không chỉ đau xót khi mất đi một nửa cuộc đời mà những ngày qua bà còn phải chịu áp lực khi dư luận bàn tán, nghi ngờ chuyện cậu con trai là hung thủ giết cha.
Trong dòng nước mắt tuôn trào, bà Tâm kể về cuộc đời của mình: Bà và ông Đào đến với nhau khi cả 2 đã có một cuộc hôn nhân trước đó. Dù đã có một đời chồng nhưng bà không có con, còn ông Đào qua 1 đời vợ và đã có 2 đứa con nhỏ. Mặc cho gia đình phản đối, ông bà vẫn đến với nhau và có thêm 3 người con chung, trong đó C. là con trai út. Theo bà Tâm, C. vốn ngoan ngoãn, hiền lành và hiện đang theo học tại một trường cao đẳng gần nhà.
|
Bà Phạm Thị Tâm thở phào nhẹ nhõm khi con trai được thả tự do |
Sự việc xảy ra ngày 13/11 với gia đình là ngoài sức tưởng tượng của bà Tâm. Những ngày C. chưa được thả, ruột gan bà rối bời, nhưng khi được gặp con trai tại cơ quan điều công an bà vẫn ân cần căn dặn con trai: “Con ơi, việc con làm thì nhận còn không làm con không phải sợ. Sai đúng đã có pháp luật phân xử. Mẹ mong con không làm điều gì trái đạo làm con”.
Dù biết công lý đã có pháp luật nhưng những ngày con bị tạm giam, bà Tâm vẫn lòng dạ không yên, lo lắng đủ bề. Chia sẻ với chúng tôi, bà Tâm nói, bà không bênh vực con nhưng con do bà sinh ra, tính nết từng đứa bà hiểu rất rõ. Bà tin C. không làm những việc trái đạo lý đó. Ngày 25/11, C. được trở về nhà sau những ngày bị tạm giam lấy lời khai. “Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai nhưng dù sao tâm lý gia đình tôi cũng được giải toả bởi những nghi kỵ, bàn tán của dư luận đã không còn. Con trai tôi vô tội”, bà Chung nói trong sự thanh thản, nhẹ nhõm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Uông Văn Thọ, Xóm trưởng xóm Phong Mỹ cho biết: “Cái chết đột ngột của ông Đào khiến chúng tôi không khỏi nghi ngờ nhưng bây giờ cháu C. đã được thả về, cơ quan chức năng đã có kết luận, đây chính là thông tin chính xác nhất dập tắt mọi dư luận những ngày qua”.