Chiều 3/10, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Cùng tham dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành ở Trung ương.
Thông báo vắn tắt về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 diễn ra cùng ngày 3/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá:
Về tình hình kinh tế-xã hội, có 3 điểm nổi bật nhất: Tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.
Các thành viên Chính phủ thống nhất với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng rất tích cực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cải thiện rõ nét. GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.
Xin nhấn mạnh là tăng trưởng GDP mà chúng ta có được tới thời điểm này là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng. Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng cải thiện rõ rệt nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn ngành đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù sản lượng dầu thô giảm nhưng máy tính, điện thoại tăng mạnh. Nhà máy Formosa sản xuất đạt 1,5 triệu tấn thép. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 7,9%, đã cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (7,1%), đáng chú ý là ngành khai khoáng đã giảm chậm lại và ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng kỷ lục (12,8%).
Khu vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất, 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Nhập siêu ở mức thấp, chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng mừng là tăng trưởng GDP cải thiện, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%). Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các cân đối lớn được bảo đảm. Dự trữ ngoại hối đạt 44 tỷ USD.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các Bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như Bộ Công Thương vừa qua tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Nhờ nỗ lực chung này, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đều có bước cải thiện vượt bậc. Mới đây nhất, theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 (tăng 5 bậc, cao nhất từ trước tới nay) và tính chung trong 5 năm qua đã tăng tới 20 bậc. Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902,68 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, vốn FDI đăng ký khoảng 21,32 tỷ USD, tăng 29,7%; vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 64%; giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.
Không chỉ về kinh tế, chúng ta còn đạt những kết quả toàn diện trên các mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu, mới đạt gần 55%. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11,8 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng).
Do đó, Chính phủ yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan. Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển mạnh mẽ từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời.
Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình các bộ ngành, địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao. Trong tháng 9 vừa qua, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng và kiểm tra Bộ Y tế, Bộ Công Thương về thực hiện các nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thực tiễn kiểm tra cho thấy việc kiểm tra chuyên ngành đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Tính chung mỗi năm doanh nghiệp mất tới 30 triệu ngày công và hơn 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác tiếp tục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, đẩy mạnh công khai, minh bạch với dư luận, người dân, doanh nghiệp.
Nội dung hỏi-đáp tại buổi họp báo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Kiều Minh (báo Nông thôn ngày nay): Vừa qua có hàng loạt vụ án lớn như PVC, Ocean Bank, Phạm Công Danh… nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý. Mới đây nhất, trả lời báo chí, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có nói rằng qua những vụ việc đó, chúng ta mất những cán bộ thì việc đó rất là đau, đau nhưng phải làm… Với vai trò là Người phát ngôn Chính phủ, ông vui lòng cho biết quan điểm của Chính phủ sau khi nhiều cán bộ cấp cao, có năng lực vướng vào những hệ lụy. Ông đánh giá có phải do sự nơi lỏng, lỏng lẻo trong cơ chế giám sát cán bộ của chúng ta hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Như các đồng chí biết, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị chúng ta đều quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là chúng ta thực hiện nghiêm, chấp hành nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Như vậy, chúng ta thấy quyết tâm cao nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Xử lý các vụ việc, ngay cả vấn đề về sử dụng bằng cấp, sử dụng ô tô, đặc biệt liên quan đến các vụ án nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước, đều được xem xét điều tra kết luận rất kỹ của các cơ quan điều tra, các cơ quan thanh tra Nhà nước. Tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ là xem xét thanh tra, kiểm tra, kết luận rất minh bạch công khai, và xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm. Không phải riêng những vụ án nghiêm trọng mà ngay cả những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, báo chí phản ánh, có thể ở các vùng sâu xa hẻo lánh, đều được xử lý, như vụ quán cà phê Xin Chào, vụ đánh nhân viên tại sân bay, hay vấn đề cấp giấy chứng tử, vấn đề tăng thu học phí của các trường… đều được xem xét rất kỹ, và xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch.
Đây là bài học mà các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thấy rằng công tác quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ trong một thời điểm nào đấy có thể chưa quản lý hết được, chưa đánh giá kỹ được. Chúng ta đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều hành ở chỗ này chỗ khác, nếu phát hiện vấn đề, vụ việc thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm, ngay cả các cán bộ đã được nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm, kỷ luật. Tất cả các nội dung này đều công bố công khai.
Như vậy, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với Nhà nước sẽ rất tốt, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Về vụ việc cụ thể, tôi không nêu, vì các nhà báo biết hết rồi. Tôi chỉ nói quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, và Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giao các cơ quan điều tra, thanh tra Nhà nước tiếp tục xử lý các vụ việc, các dự án thua lỗ kéo dài, đầu tư kém hiệu quả, để công khai cho công luận.
PV Hoài Thu (báo Giao thông): Liên quan đến vụ việc công bố kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc việc thanh tra từ tháng 7/2017 nhưng cho đến nay đã gần 3 tháng đơn vị này vẫn chưa công bố kết luận thanh tra khiến dư luận hoài nghi về tính công khai và minh bạch. Xin hỏi Thanh tra Chính phủ đến nay đã quá hạn công bố kết luận thanh tra vụ việc này chưa và nếu quá hạn rồi thì tại sao không công bố?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Việc công khai kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái có chậm nhưng nó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quan điểm của chúng tôi việc chậm đã được khẳng định nhưng vụ việc phải được kết luận thận trọng, chính xác, khách quan. Và khi vụ việc làm sáng tỏ rồi, kết luận được rồi thì chúng tôi sẽ tổ chức công bố công khai. Hôm nay tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ có nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là các cuộc thanh tra đã có kết luận rồi phải tiến hành chỉ đạo công bố công khai cho dư luận biết.
PV Lê Kiên (báo Tuổi trẻ TPHCM): Việc chậm trễ công bố kết luận về tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái là vụ việc rất nóng. Dư luận rất trông đợi và thấy rằng sự chậm trễ này rất là khó hiểu. Ông Bùi Ngọc Lam nói rằng việc chậm trễ này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vậy xin ông cho biết rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc chậm trễ này.
Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận về các vi phạm của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Vậy việc xử lý kỷ luật các vị này có ảnh hưởng đến quá trình tổ chức hội nghị APEC không?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Nguyên nhân chủ quan chúng tôi đã khẳng định với các nhà báo là có chậm còn nguyên nhân khách quan thì xin phép đến lúc có kết luận chính thức sẽ công khai. Chúng tôi thấy có trách nhiệm trong việc này nhưng việc chậm đó cũng không có mục tiêu, mục đích nào khác ngoài việc xem xét một cách khách quan, chính xác, thận trọng nhất là với cán bộ quản lý và chưa chịu một sức ép nào. Chúng tôi xác định đây là một trong những cuộc thanh tra phải sớm công khai kết luận. Khi có kết luận chúng tôi sẽ sớm công khai đến các nhà báo cụ thể. Đến thời điểm này, với tư cách của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tôi chưa nhận được thông tin nào nói rằng việc thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái tiến hành lại từ đầu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư và quyết tâm của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ là tất cả những vụ việc liên quan đến bức xúc của người dân, liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đều được xem xét, xử lý rất nghiêm túc. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp phiên họp thứ 17 và báo cáo Bộ Chính trị và có những kết luận ban đầu liên quan đến Bí thư thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Chúng tôi khẳng định việc kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng không ảnh hưởng gì đến việc diễn ra sự kiện APEC tháng 11 tới đây. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng rất lớn, niềm vinh dự rất lớn của chúng ta. Ủy ban quốc gia về hội nghị này do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Chủ tịch Ủy ban, có sự tham gia của đại diện tất cả các bộ, các cơ quan. Hiện nay đang diễn ra hội nghị cấp bộ trưởng, cấp SOM và cao điểm là sẽ diễn ra tuần lễ cấp cao từ ngày 6-11/11. Các hội nghị, công tác trù bị, công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra rất bình thường. Không khí của người dân và an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt công tác chuẩn bị, các điều kiện cơ sở vật chất, các phương án tổ chức hội nghị. Đây là hội nghị quan trọng, có sự hiện diện của nguyên thủ nhiều nền kinh tế thành viên. Trách nhiệm chúng ta là phải lo bảo đảm tốt, hiệu quả, thiết thực với vị thế, vai trò là nước chủ nhà đăng cai.
Việc điều tra, xem xét và công bố kết luận kỷ luật Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thì các cơ quan chức năng đã công bố và tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo. Tất nhiên phương án bố trí làm sao để bảo đảm điều kiện hoạt động bình thường cho các sự kiện APEC thì các cơ quan chức năng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tính toán tất cả các phương án. Chúng ta yên tâm tất cả mọi việc sẽ được bảo đảm rất trình tự, suôn sẻ, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm tốt an ninh quốc phòng và trật tự nơi diễn ra sự kiện.
PV Minh Ngọc (báo Petrotimes): Gần đây, có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra. Theo Khoản 2, Điều 30 Nghị định 86 của Chính phủ, Khoản 3 Điều 50 Luật Thanh tra quy định “trước khi ra kết luận thanh tra, các đối tượng thanh tra được xem trước kết luận. Dự thảo Kết luận thanh tra phải lấy ý kiến của đối tượng thanh tra". Xin hỏi với các dự án quan trọng, Chính phủ vẫn lấy ý kiến hay không lấy ý kiến theo quy trình này?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Theo quy định của pháp luật, có trường hợp không nhất thiết phải lấy ý kiến của đối tượng thanh tra vào nội dung kết luận thanh tra. Tuy nhiên đối với vụ việc phức tạp, có liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên sâu, để bảo đảm kết luận chính xác, khách quan, cần thiết phải lấy ý kiến giải trình của các bên liên quan nhằm hiểu rõ hơn bối cảnh của vấn đề. Thứ hai, có những cơ chế, chính sách giữa quy định pháp luật và quá trình thực hiện còn nhiều khi chưa được rõ, do đó cần phải có sự giải trình, trao đổi để làm rõ bảo đảm kết luận thanh tra là chính xác, khách quan.
PV Lan Anh (báo Pháp luật và Xã hội): Dự án Norred được tài trợ 150 triệu đô la của tỉnh Hòa Bình hiện có rất nhiều máy móc không sử dụng được, đắp chiếu với lý do thiếu thiết bị đồng bộ đi kèm. Ban Quản lý dự án xác nhận máy móc này là tiền dự án chuyển về cho Sở Y tế tỉnh Hòa Bình mua, tuy nhiên bây giờ chưa có cách giải quyết. Xin hỏi Bộ Y tế với số lượng máy móc lớn như vậy, số tiền lớn, bệnh nhân không có thiết bị dùng thì Bộ Y tế thanh kiểm tra như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Về dự án Norred có mua trang thiếu bị nhưng thiếu phụ kiện. Dự án này việc mua sắm thiết bị chuẩn bị không những có sự tham gia của các chuyên gia mà còn có sự thẩm định của World Bank. Vừa rồi WB có cuộc kiểm tra, đánh giá các trang thiết bị đã mua và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Thông tin nhà báo đưa ra chúng tôi cũng mới nhận được và sẽ cho kiểm tra, có kết quả sẽ thông báo.