Chiều 3/4, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Như thường lệ, mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung vào hai vấn đề lớn là xây dựng cơ chế chính sách và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2017.
Thứ nhất, về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, kinh tế trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta diễn biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều điểm nổi bật, cụ thể là:
Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%), chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng. Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%.
Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2016.
Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% là thấp, khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng khá nhưng sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012. Nguyên nhân chính là công nghiệp khai khoáng như khai thác dầu sụt giảm mạnh; sản lượng dầu mỏ thô khai thác trong nước giảm 14% so với cùng kỳ; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%. Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vì nhiều lý do khác nhau chưa đạt kế hoạch để ra.
Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 32% GDP, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (32,2%).
Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống người dân.
Chính phủ yêu cầu phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ hai về xây dựng thể chế, tại phiên họp này, Chính phủ nghe, thảo luận về một số nội dung như Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2017; Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn chuyển đổi văn phòng công chứng…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng thể chế, các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác này, kịp thời xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ. Tinh thần là tập trung tháo gỡ vướng mắc cho phát triển bằng thể chế, những vướng mắc thể chế được coi là vòng kim cô với sự phát triển, không thể vì những ràng buộc lạc hậu trong nền kinh tế thị trường mà kìm hãm sự phát triển. Trong tháng 4, các bộ phải trình Chính phủ xem xét hết các nghị định phải ban hành, tinh thần là không để nợ đọng văn bản.
Chính phủ đã thống nhất chủ trương đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung giải phóng mặt bằng trong dự án sân bay Long Thành thành dự án riêng để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình này phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương và kết quả kiểm tra của Tổ công tác trong tháng 3. Từ 1/1/2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 17.803 nhiệm vụ, đã hoàn thành 9.672 nhiệm vụ (trong đó hoàn thành đúng hạn 8.040 nhiệm vụ, hoàn thành nhưng quá hạn 1.632 nhiệm vụ). Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Tổ công tác, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, giúp kéo giảm mạnh số nhiệm vụ quá hạn, nợ đọng, tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ khi các bộ ngành, địa phương đều thành lập tổ công tác giúp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh Tổ công tác vừa qua đã có buổi kiểm tra chuyên đề về tình hình xây dựng pháp luật để thúc đẩy các bộ ngành xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, với tinh thần không để Chính phủ nợ đọng văn bản. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ ngành, địa phương trong thời gian tới.
Nhân dịp buổi họp báo hôm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng thông báo Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. Tiếp theo hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đã được vận hành từ cuối năm 2016, đây là kênh thông tin tương tác mới giữa Chính phủ với người dân do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.
Người dân dễ dàng truy cập Hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp; về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thông qua Hệ thống, cơ quan hành chính nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý; nghiên cứu tiếp thu những đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển. Đặc biệt, thông qua hệ thống, người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá, chấm điểm việc trả lời của các cơ quan chức năng.
Với tinh thần cầu thị, mọi phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Chính phủ lắng nghe, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân. Rất mong các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi tới người dân về kênh thông tin này, tôi xin nhắc lại địa chỉ là nguoidan.chinhphu.vn để người dân có thể đồng hành với Chính phủ trong xây dựng hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính vì sự thịnh vượng của đất nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Công Khanh (báo điện tử Zing.vn): Xin được hỏi Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã diễn ra được hơn 2 tháng tại TPHCM, Hà Nội và một số địa phương, bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực, đường phố thông thoáng, người dân cơ bản ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số hình ảnh phản cảm như việc phá bậc tam cấp khiến sinh hoạt đi lại của người dân gặp khó khăn, một số cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ, thậm chí chặt phá cây xanh hàng loạt. Xin Người phát ngôn của Chính phủ cho biết quan điểm về việc dung hòa giữa thiết lập kỉ cương với việc bảo đảm sinh kế của một bộ phận người dân như thế nào? Chính phủ có tổ chức đoàn giám sát, dọn dẹp vỉa hè để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” không? Cá nhân Bộ trưởng thấy thế nào khi các địa phương mức độ dọn dẹp rất khác nhau, một số người dân đã nghĩ ra cách để đối phó với việc này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Báo chí đang rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt ở Quận 1 TPHCM đang quyết liệt giải tỏa lòng, lề đường, vỉa hè để cho người đi bộ. Chúng tôi cho rằng việc quản lý hè đường là trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Chủ trương này không phải bây giờ mới làm. Chúng ta đã làm nhiều năm nhưng khi giải tỏa vỉa hè xong thì lại tái lấn chiếm. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Công an đã có Công điện gửi cơ quan các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương, cần thực hiện đồng bộ chiến dịch. Có thể nói rằng chiến dịch được tập trung cao độ không những ở Quận 1 (TPHCM) mà còn lan tỏa ra các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh. Trong thời gian ngắn, gần 2 tháng thôi nhưng kết quả mang lại được người dân đánh giá cao. Các băng rôn, áp phích quảng cáo, việc xây dựng cơi nới vỉa hè, lòng đường, bán hàng rong, hàng ăn, hàng nước dưới lòng lề đường được đưa về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại lòng đường để lưu thông.
Song song với việc thực hiện kỉ cương thì quan tâm đến người dân thế nào? Chúng ta nhất quán thực hiện kỉ cương và duy trì không để tái diễn. Tuy nhiên các địa phương có cách làm linh hoạt khác nhau. Có những địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có nơi quy định một số tuyến đường, phố để người dân tiếp tục bán những sản phẩm hoặc tạo những chợ để người dân vào chợ bán sản phẩm từ mớ rau, quả trứng, con gà; có nơi quy định giờ bán ăn sáng, giờ bán ăn tối trên một số tuyến đường… Như vậy việc duy trì kỉ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn bảo đảm cuộc sống cho người dân vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, báo chí vừa đặt vấn đề phá các công trình làm ảnh hưởng cảnh quan. Tôi cho rằng không có gì là ảnh hưởng cảnh quan cả. Lòng lề đường công cộng là do chính quyền quản lý, các hộ, tổ chức cá nhân xây lấn chiếm lòng, lề đường đều bị phá bỏ và không loại trừ cơ quan, tổ chức nào. Như vậy người dân mới đồng tình. Việc xây bậc tam cấp trước đây không phá bỏ được nhưng bây giờ các tỉnh, thành phố đã ra quân đồng loạt và thực hiện rất nghiêm, từ đó có thể đồng thuận và bây giờ việc này đã lan tỏa ra người dân và người dân đã tự giác dọn dẹp để chuyển lòng, lề đường cho chính quyền quản lý. Vì vậy, chúng ta không đặt vấn đề cưỡng chế, chỉ giáo dục cho người dân và thành lập những tổ kiểm tra. Rất mong cơ quan báo chí ủng hộ chủ trương này và chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại lòng đường, tạo cảnh quan đô thị, thành phố đẹp hơn, văn minh hơn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ có bàn đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Xin hỏi Chính phủ có chỉ đạo hay bàn giải pháp nào để Việt Nam thích ứng, đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này? Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP về vai trò của mô hình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 quan trọng như thế nào?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Như chúng ta biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ và đây là cuộc cách mạng kết hợp công nghiệp trong các lĩnh vực như vật lý, số hóa, sinh học và vốn để tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong cuộc cách mạng này, cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ. Bộ Chính trị và Chính phủ rất quan tâm đến việc này bởi hiện nay tất cả thế giới đang quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù tên gọi này hay tên gọi khác nhưng người ta đều quan tâm tới những nội dung cụ thể. Ở Việt Nam, trong các nghị quyết của Đảng cũng ở mức độ này mức độ khác đề cập đến tất cả lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Hôm nay, họp Chính phủ, Thủ tướng đã cho các thành viên Chính phủ nghe báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiệm vụ đặt ra là phải tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch kế hoạch trong các lĩnh vực, trong đó phải ưu tiên công nghệ thông tin và truyền thông, coi đây là hạ tầng trong sự phát triển, trong cuộc cách mạng công nghiệp này. Làm thế nào đó để kết hợp với những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ ba, phát triển công nghiệp CNTT-truyền thông có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Thứ tư, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu CNTT hiện đại hóa trong phạm vi cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, sự kết nối liên ngành và liên vùng.
Thứ năm, xây dựng các chính sách cơ chế và các giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi.
Thứ sáu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.
Thứ bảy, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế-xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.
Thứ tám, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và phát triển năng lực CNTT quốc gia để làm chủ, đáp ứng yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
Cuối cùng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền. Hôm nay Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan báo chí phải tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho người dân biết về vai trò tầm quan trọng là chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Vì vậy, Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này tại Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, sẽ có báo cáo đánh giá việc triển khai từ tháng 4 đến hết năm 2017. Đây là những nội dung cụ thể, hiện nay Bộ KH&CN sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT xung quanh việc đào tạo nguồn lực xây dựng, xây dựng kết cấu hạ tầng để bảo đảm chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, không bị bỏ lỡ con tàu. Khi chúng ta bước lên tàu là chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển.
PV Nguyễn Mạnh (Diễn đàn đầu tư Bizlive.vn): Tôi vừa thấy Cổng TTĐT Chính phủ có giới thiệu website tiếp nhận phản ánh ý kiến của người dân. Tôi muốn hỏi web site này có khác và có điểm gì nổi bật hơn so với mục Trả lời công dân hiện nay trên Cổng TTĐT Chính phủ? Và chậm nhất sau bao lâu người dân nhận được câu trả lời từ phía Cổng TTĐT Chính phủ?
Xin hỏi đại diện Bộ GTVT liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, cụ thể đề xuất này như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng việc áp giá sàn như thế là không phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Quan điểm của Bộ GTVT cũng như người phát ngôn Chính phủ về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Các báo quan tâm đến website của Chính phủ với người dân. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng. Chính phủ với DN là kết quả ban đầu nhưng Chính phủ với người dân thì muốn nói là Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến của người dân, từ tâm tư, vấn đề bức xúc, đến vấn đề thực hiện cơ chế, thể chế ở địa phương. Và coi việc huy động sức mạnh của toàn dân trong vấn đề thực thi, trong vấn đề tổ chức thực hiện các nhiệm vụ là cực kỳ quan trọng. Đó có thể nói chính là xây dựng một hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương lành manh, hiện đại và hiệu quả.
Thứ hai, qua việc này cũng nhằm giúp cho Chính phủ, cơ quan hành chính Trung ương chấn chỉnh việc thực thi pháp luật ở mức độ nào đó, cấp độ nào đó. Ví dụ như việc tạo những rào cản, tạo những khó khăn trong thực thi, phiền nhiễu, sách nhiễu trong thực thi thì thông qua cái này sẽ nắm được thông tin để kịp thời chấn chỉnh kỷ cương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Vấn đề thời hạn giải quyết thế nào và nếu không trả lời thì sao? Chúng ta không đặt vấn đề là không trả lời. Chúng ta phải trả lời. Văn phòng Chính phủ là cơ quan tổng hợp chung, trên cơ sở đó phân nhiệm vụ, giao cho các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ coi là một việc giao cho bộ, ngành, địa phương. Qua đó Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, báo cáo với Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ. Là một nhiệm vụ thì các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm trả lời. Và nếu như ở dưới xã, quận, huyện tổ chức không tốt thì đương nhiên chính quyền cấp tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Chúng ta đặt vấn đề như vậy còn thời hạn trả lời thì trên cơ sở website hôm nay công bố, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng quy chế hoạt động của website này nhưng chủ trương là tạo sự minh bạch, công khai và gắn kết gần hơn giữa Chính phủ với người dân và lấy mục tiêu Chính phủ hoạt động phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người Việt tăng, mới đây các hãng đồng loạt tăng giá vé máy bay đang trở thành vấn đề được nhiều người dân, DN quan tâm. Bộ GTVT xin có mấy giải thích thế này. Thứ nhất, trong thực hiện Luật Hàng không dân dụng liên quan đến giá cước và vận chuyển hàng không nội địa thì các hãng hàng không kê khai và áp giá vé trong khung giá của Nhà nước quy định. Cũng theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ GTVT về quản lý giá vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ riêng ngành hàng không ngày 24/7/2015, thì hãng hàng không có quyền điều chỉnh tăng giá dịch vụ hàng không, kê khai bổ sung trong phạm vi 5% và không được vượt mức tối đa theo quy định của Nhà nước. Đồng thời việc điều chỉnh tăng giá vé phải thực hiện theo đúng Nghị định 116 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Việc mới đây các hãng hàng không điều chỉnh giá vé, các khoản thu phí vẫn nằm trong mức cho phép của Bộ GTVT quy định cho nên đó là điều hợp lý. Tuy nhiên tất cả những việc tăng này hiện nay các hãng hàng không đang gửi về Bộ GTVT xin ý kiến. Và hiện nay Bộ đang thụ lý và trước khi quyết định, Bộ sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và sau đó sẽ có thông báo với báo chí sau.
PV Phương Thảo (báo Dân trí): Về việc bổ nhiệm thần tốc 'hotgirl' Thanh Hóa Trần Vũ Quỳnh Anh mà dư luận đã đề cập, mới đây, Thanh Hóa đã ra kết luận về vụ việc và khẳng định sai phạm từ phía Sở Xây dựng. Tuy nhiên những cán bộ liên quan trực tiếp đến việc bổ nhiệm nữ Trưởng phòng này giờ đã đảm nhiệm những chức vụ cao hơn thuộc UBND tỉnh. Vậy từ góc độ Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo gì về vấn đề này, làm rõ trách nhiệm của những cán bộ liên quan?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Về việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh của Sở Xây dựng thì trong thời gian vừa qua, tỉnh ủy, UBND tỉnh thanh Hóa đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra tổng thể công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của Sở Xây dựng giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc quy hoạch bổ nhiệm bà Quỳnh Anh. Đối với việc này, chúng tôi thấy rằng việc lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo kiểm tra, thanh tra công tác cán bộ tại Sở Xây dựng là hoàn toàn đúng với chức trách, chức năng của lãnh đạo UBND tỉnh, bởi vì việc phân cấp, bổ nhiệm cấp phòng thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra thì tỉnh có thể giao cho thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra xem có bảo đảm đúng quy định đề ra và đúng quy định của pháp luật trong công tác tiến hành bổ nhiệm hay không.
Theo quy định của Pháp luật về Thanh tra, các vụ việc đã có kết luận thanh tra của UBND tỉnh có thể sẽ được Thanh tra Chính phủ hoặc thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra lại nếu như trong quá trình tiến hành hoặc thông qua báo cáo của Chính phủ gửi về hoặc thông qua Bộ Nội vụ, chúng tôi phát hiện có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành thanh tra. Khi đó Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thanh tra theo thẩm quyền của mình. Vì vậy có thể thấy, việc tiến hành thanh tra tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa do lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo trong thời gian vừa qua là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, đúng với phân cấp và đúng với chức trách của UBND, của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Chúng tôi và Thanh tra Chính phủ sẽ thường xuyên theo dõi, bám sát để thực hiện nhiệm vụ này theo chức trách nhiệm vụ của mình liên quan đến vụ việc báo chí đã nêu về Sở Xây dựng Thanh Hóa.
PV Bích Diệp (báo Dân trí): Được biết lãnh đạo Sabeco, trên các báo nước ngoài, có cho biết trong tháng 4, Sabeco sẽ khởi động thương vụ thoái vốn nhưng đến bây giờ thông tin chính thức chưa thấy có. Vậy Bộ Công Thương có thể thông báo về việc đã tìm ra nhà tư vấn cho thương vụ này chưa và những kế hoạch trước đấy có thay đổi so với những thông tin mà anh Hải đã đưa ra trước đấy hay không?
Thời gian gần đây lượng xe nhập khẩu tăng rất mạnh. Chỉ còn khoảng 10 tháng nữa sẽ đến lộ trình giảm thuế một số dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% thì nhu cầu của người dân đối với ô tô tăng rất mạnh. Vậy Bộ GTVT đánh giá thế nào về tình hình này và sẽ có những biện pháp như thế nào để vừa có thể bảo đảm sản xuất ô tô trong nước, và bảo đảm được lộ trình hội nhập. Và Bộ GTVT có những chuẩn bị nào trong bối cảnh sắp tới lượng ô tô tăng mạnh trong khi hệ thống giao thông, đường xá đi lại còn rất khó khăn và nạn tắc đường vẫn rất là nhiều?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Vấn đề thoái vốn của Sabeco, kể cả Habeco, như chúng ta đã biết, đều được dư luận rất quan tâm. Về phía Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với tất cả các bộ ngành có liên quan thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2016, đã đưa Sabeco lên sàn chứng khoán. Vấn đề hiện nay là chúng ta thực hiện bán như thế nào. Trước hết là phải theo đúng các quy định hiện hành về các luật liên quan, đặc biệt là về chứng khoán, và chúng ta cũng phải thực hiện đúng các chỉ dạo của Thủ tướng Chính phủ, tức là mọi công việc, bất kể lớn hay nhỏ, bán ít hay nhiều thì phải công khai, minh bạch. Và điều nữa là không làm thất thoát, làm mất tiền vốn của Nhà nước tại đây. Thực sự đây cũng là một vấn đề. Như chúng ta đã biết, khi đã lên sàn thì có giá rất rõ rồi nhưng nhiều khi đây là giá kỳ vọng, để có thể trở thành giá thực và mua bán thực thì DN hiện nay cũng đã có đề xuất với cơ quan chủ quản. Bộ Công Thương cũng đã tham khảo các bộ, ngành như là Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan sẽ trình các cấp có thẩm quyền để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi xin nhắc lại trước hết là phải công khai minh bạch và thứ hai là không để thất thoát phần vốn của Nhà nước tại DN này.
Liên quan đến việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, đặc biệt là loại dưới 9 chỗ ngồi, chúng ta cũng đã biết trong thời gian gần đây, theo lộ trình về thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN thì đến ngày 1/1/2018 thuế sẽ trở về 0. Còn riêng năm 2016 thuế từ 40% đã giảm xuống 30%, như vậy chỉ có chênh nhau 10%. Và tôi cũng xin đưa ra con số của Tổng cục Hải quan, tính hết ngày 15/3/2017, tức là trong quý I/2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy chúng ta thấy một con số nói lên rất nhiều điều.
Về phía người tiêu dùng thì khi giá thành rẻ, người tiêu dùng, trong đó có chúng ta ở đây, chắc chắn sẽ rất vui mừng. Nhưng ngược lại, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở trong nước chắc chắn cũng sẽ có những mối lo. Và để giải quyết được hài hòa giữa hai lợi ích này thì Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo và Bộ Công Thương, cùng với các bộ có liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, một số cơ quan có liên quan và một số chuyên gia trong ngành, đã thành lập tổ công tác liên bộ ngành có đại diện của các đơn vị liên quan. Nhiệm vụ trước hết là gặp gỡ các DN hiện đang sản xuất, kinh doanh trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Thứ hai là cũng đã tính đến việc trong điều kiện cho phép cũng như bảo đảm phù hợp với quy định của WTO và tất cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết và đặc biệt là những hiệp định có hiệu lực để không có vi phạm. Thứ nhất là chúng ta vẫn có thể duy trì và một phần là thúc đẩy, hỗ trợ cho các DN của Việt Nam sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trong ngành ô tô. Thứ hai là bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, trong đó có tất cả chúng ta ở đây. Chúng tôi hiện nay đang thực hiện rất khẩn trương và trước ngày 1/5/2017 sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất, nhằm đạt được cả hai mục đích như tôi đã đề cập.