Buổi tối tang thương
Hơn hai thập kỷ đã trôi qua, nhưng anh Đàm Văn Luật ở xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) vẫn nhớ như in khoảnh khắc bi kịch ập lên đầu gia đình mình. Buổi tối hôm ấy (13/4/1988), anh Luật đã ăn xong và đang ngồi trên chõng tre chơi cùng với người chú là Đàm Văn Định (SN 1964). Ngồi dưới chiếu cơm còn vài ba người, trong đó có ông Đàm Văn Tục (SN 1910, ông nội của anh Luật) ngồi bế đứa cháu gái 4 tuổi và người cô là Đàm Thị Lý (SN 1971) đang ăn cơm. Gần đó, chú Đàm Văn Tuấn (SN 1962) đang ngồi chơi trên giường. Không khí gia đình thật yên bình.
“Bỗng từ đâu, tôi nghe tiếng xẹt vút ngang tai. Bất thình lình, một tiếng nổ chát chúa vang lên. Khi tỉnh lại, tôi nghe thấy tiếng khóc thảm thiết của người thân, dân làng đã kéo đến đầy sân nhà. Trong phút chốc, tôi hoảng hồn khi nhìn thấy chú Định nằm ngục ngay bên cạnh, người be bét máu. Bà nội, mẹ tôi và chú Tuấn đang ôm lấy ông và cô Lý khóc thất thanh”, anh Luật bồi hồi nhớ lại.
Bà Vương Thị Đỗ (vợ ông Tục), năm nay đã 94 tuổi, giọng run run kể tiếp: “Đang ở sau nhà, tôi chợt nghe tiếng nổ vang trời. Tôi thoáng nghĩ, chắc đứa nào nghịch ngợm trêu đùa ném pháo (thời đó Nhà nước chưa cấm pháo) vào nhà mình. Bởi tiếng nổ quá lớn, trong tích tắc, tôi ngã xuống nền nhà và ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, tôi đau đớn khi thấy chồng và hai đứa con đã gục xuống bất động, toàn thân đầy máu. Con bé Hoa (Đàm Thị Ất Hoa, SN 1985) vẫn nằm trong vòng tay của chồng tôi, đầu cũng bị chảy máu do mảnh đạn bắn vào. Nghe tiếng kêu gào thảm thiết, hàng xóm lân cận chạy sang. Những người đàn ông trong làng vội vã chạy bộ cõng người bị thương nặng đến Trạm Y tế xã cách đó khoảng một cây số để cấp cứu tạm thời. Ngay trong đêm hôm ấy, cả ba người trong gia đình được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng chồng tôi và cháu Lý đã không qua khỏi do vết thương quá nặng, chỉ cứu sống được mỗi cái Hoa”.
Bà Vương Thị Đỗ và Đàm Văn Luật vẫn nhớ như in những phút giây xảy ra thảm án. Ảnh TG.
Ông Trần Tiến Ngọt (SN 1951), khi đó đương chức Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng công an xã Đại Mạch, nhớ lại: “Thời điểm xảy ra vụ án, tôi đang trực ở UBND xã, cách thôn Mạch Lũng khoảng 3 cây số. Buổi tối hôm đó, có người chạy lên báo tin xảy vụ nổ lớn khiến nhiều người thương vong nên tôi vội vàng đạp xe xuống hiện trường. Trước cảnh tượng tang thương nhà ông Tục, ngay tức khắc, tôi chỉ đạo an ninh thôn cùng nhân dân đưa người bị thương đi cứu chữa. Qua kiểm tra sơ bộ, chúng tôi xác định được vật nổ là một quả lựu đạn do ai đó vứt vào trong nhà ông Tục”. Sự việc lập tức được ông Ngọt báo cáo lên công an huyện Đông Anh.
Cay đắng cuộc tình
Ngày hôm sau, cả ngôi làng chìm trong tang thương khi phải tiễn biệt cùng một lúc cả ba cha con ông Tục về cõi vĩnh hằng. Trong lúc người nhà và dân làng lo an táng các nạn nhân, cơ quan an ninh cũng khẩn trương thực hiện việc điều tra truy bắt thủ phạm gây ra vụ nổ. Trong phạm vi khoanh vùng điều tra, xác định đối tượng có một người được cơ quan an ninh đặc biệt quan tâm là Lê Thị Loan (SN 1964, ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch), người yêu cũ của anh Đàm Văn Định. “Thực ra, sau khi xảy ra vụ nổ, tôi có ngồi ngẫm nghĩ và rà soát lại các mối quan hệ của gia đình mình. Bố mẹ chồng, các anh chị em, con cháu tôi vốn sống hiền lành, làm ăn chất phác, thân thiện với xóm làng và được người dân xung quanh yêu quý. Người duy nhất có hiềm khích với gia đình tôi thời điểm đó chỉ có cô Loan. Nói vậy là bởi trong thời gian trước khi xảy ra vụ án, cô Loan và chú Định có nhùng nhằng, xích mích trong chuyện yêu đương. Nhưng khi ấy, tôi không có bằng chứng chứng minh chuyện ném lựu đạn do cô ấy gây ra nên đành giữ im lặng, chờ kết quả điều tra của cơ quan công an”, bà Lê Thị Thái (mẹ anh Luận) tâm sự.
Cũng theo bà Thái, cô Loan và anh Định đã từng có khoảng 4 năm hẹn hò yêu đương. Cả hai đang định tính chuyện tổ chức hôn nhân thì anh Định có giấy gọi lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, người con trai đất Mạch Lũng gác lại chuyện riêng, từ biệt gia đình, người thân đi làm nhiệm vụ cao cả. Loan ở quê nhà ngày tháng ngóng trông ngày người chồng tương lai trở về để dựng xây một gia đình hạnh phúc. Trong thời gian đó, hai người thường xuyên thư từ, gửi tặng phẩm cho nhau. “Mỗi lần được nghỉ phép về nhà, chú Định thường khoe với tôi là cô Loan viết thư hay, mùi mẫn lắm!”, bà Thái cho biết.
Ông Trần Tiến Ngọt kể lại câu chuyện. Ảnh TG
Một thời gian sau, càng gần ngày anh Định xuất ngũ, những lá thư Loan nhận được cũng thưa dần. Với sự nhạy cảm của người con gái đang yêu, Loan biết rằng đã có sự thay đổi trong trái tim của người tình. Sau nhiều lần dò la tìm hiểu, Loan biết anh Định đã có người yêu mới. Cô gái này là giáo viên một trường cấp 2 ở xã bên, trẻ đẹp và kém Loan 4 tuổi. “Gia đình tôi nghe nói cô Loan bị bệnh khớp, sức yếu nên mọi người góp ý với chú Định là nên tìm lấy người khỏe mạnh, như thế mới có sức làm ruộng hoặc lấy ai đó có nghề nghiệp ổn định thì cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn”, bà Thái kể lại.
Thuận theo ý gia đình, anh Định ngày càng tìm cách xa lánh người yêu cũ dù Loan tìm mọi cách để níu giữ. Sau khi xuất ngũ, trong thời gian hơn một năm anh Định ở nhà, Loan luôn tìm cách để gặp anh và mong muốn tha thiết nối lại tình xưa. Giữa hai người đã xảy ra một cuộc cãi vã nảy lửa. Cả hai đem trả hết những lá thư, những kỷ vật một thời yêu thương cho nhau. Từ ngày đó, mọi người không còn thấy Loan qua lại nhà anh Định nữa.
Đến ngày dân làng đưa anh Định về đất mẹ, người ta cũng không thấy bóng dáng Loan đến thắp hương tiễn biệt người đã khuất. Thay vào đó, Loan đóng cửa ở nhà, việc giao tiếp đi lại cũng hạn chế một cách bất thường. Chính những biểu hiện nói trên của Loan đã khiến cơ quan công an chú ý và nghi vấn. Cuối cùng, qua quá trình đấu tranh của các điều tra viên, Loan đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, vì quá hận thù người tình, Loan đã tìm thời cơ trả thù cho hả giận. Sau nhiều ngày theo dõi, nắm bắt được giờ giấc sinh hoạt của gia đình anh Định, Loan lợi dụng lúc trời tối, ít người qua lại để ra tay thực hiện ý đồ. Anh Luật cho biết, ban đầu, mọi người cũng đoán rằng quả lựu đạn được ném ở khoảng cách gần nên mới gây sát thương lớn như vậy, nhưng lúc đó chưa xác định được vị trí chính xác. Sau này, khi thủ phạm bị bắt, gia đình được biết hung thủ đã đứng ở chỗ bụi tre trước nhà (giờ không còn) để ném hung khí.
Sự việc đã xảy ra 26 năm về trước nhưng hậu quả vụ thảm sát vẫn còn để lại nỗi đau nhói lòng những người đang sống. Quệt ngang giọt nước mắt chảy dài trên gò má, bà Đỗ bồi hồi: “Tôi như kẻ điên, người cứ bần thần vì đau đớn, vì tiếc thương chồng và các con suốt nhiều năm sau ngày xảy ra vụ án. Vì vẫn còn bị ảnh hưởng bởi mảnh đạn bắn vào đầu nên đến giờ, cái Hoa thỉnh thoảng lại có vấn đề về thần kinh. Mỗi lần cháu bị như thế, tôi thương lắm!”.