Công nhân tại các khu công nghiệp đa phần từ ngoại tỉnh về. Thiếu hiểu biết, thiếu va chạm, thiếu tình cảm và cả sự quản lý của gia đình đã khiến nhiều nữ công nhân nhanh chóng bước vào những cuộc tình không hứa hẹn, và hậu quả nặng nề, họ luôn là người gánh chịu. Có mặt tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), nơi tạm trú của trên 30 nghìn công nhân, chúng tôi đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng.
Thai nhỏ hay to đều phá được
Trong vai một người đang có nhu cầu tìm chỗ tin tưởng để “giải quyết” cái thai gần 4 tháng tuổi cho một đứa em họ làm công nhân ở khu công nghiệp, tôi lân la hỏi vài người dân ven đường. Thật bất ngờ, khi tôi vừa buông lời hỏi có phòng khám sản khoa nào uy tín với vẻ mặt lơ ngơ, lập tức đã nhận được những chỉ dẫn cụ thể của một người bán nước: “Em định phá thai à, thai to hay nhỏ. Nếu thai nhỏ thì vào trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa Bắc Thăng Long. Nếu thai to thì đến phòng khám bác sĩ Trọng ở thôn Hậu, thai to hơn nữa thì đến phòng khám bác sĩ Nghĩa ở thôn Bầu”.
“4 tháng có phá được không chị?” - tôi hỏi
“6-7 tháng cũng phá được hết. Cứ đến phòng khám của bác sĩ Nghĩa ý, trước đây bác làm ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, uy tín lắm”. Có vẻ như việc các nữ công nhân ở trọ nơi đây phá thai đã trở thành việc quá quen thuộc với ngay cả những người dân Kim Chung, khiến họ mặc định việc tìm đến phòng khám sản phần lớn là để phá thai.
Theo lời chỉ dẫn của chị bán nước, tôi tìm đến phòng khám bác sĩ Trọng ở thôn Hậu, xã Kim Chung. Khi nghe tôi trình bày muốn phá một cái thai gần 4 tháng, hai nhân viên ở phòng khám lắc đầu: “Ở đây chúng em không làm thai to như vậy. Chị qua chỗ phòng khám bác sĩ Nghĩa ở thôn Bầu ấy. Chị biết địa chỉ chưa…”.
Tôi lại quay ngược trở lại tìm đến phòng khám bác sĩ Nghĩa theo lời chỉ dẫn của nhân viên này. Trong phòng khám của bác sĩ có khá nhiều bệnh nhân. Chờ đến lượt mình, tôi trình bày hoàn cảnh có một cô em công nhân mang thai 12-13 tuần muốn nạo, chị này trả lời luôn: “Làm được. Em của chị có gia đình chưa?”. Tôi trả lời chưa và được tư vấn một mạch: “Thai to như vậy thì chi phí tương đối đắt đấy, phải gần 3 triệu. Tối nay chị mang em chị đến đây để siêu âm rồi làm luôn, bác sĩ cho đặt và ngậm thuốc để kích thích đẻ non, sau khi đẻ non xong thì em và bác sẽ nạo vét rau”.
Tôi tỏ vẻ thắc mắc chi phí đắt thì cô giải thích: “Thai to thì chi phí phải đắt, vì lúc này thai đã đầy đủ bộ phận rồi, đẻ xong chúng em còn phải lo chôn cất nữa. Chị càng làm sớm càng tốt, nếu để lâu thêm thì càng đắt, cứ thêm 1 tuần là đắt thêm 500 nghìn đồng”. “Vậy chôn ở đâu?”. “Chôn ở nghĩa trang xã Kim Chung. Người nhà chị có thể đi cùng để thắp hương, hoặc không cũng được, chúng em sẽ có người lo”.
Rời khỏi phòng khám của bác sĩ Nghĩa, chúng tôi thực sự choáng váng. Một ca nạo thai to như vậy, một quyết định quan trọng như vậy lại chỉ cần những thỏa thuận, hướng dẫn sơ sài và đồng ý một cách dễ dàng như vậy. Trong khi đó, theo quy định thì các phòng khám sản phụ khoa tư nhân chỉ được phép nạo hút thai dưới 12 tuần tuổi, xử lý thai to phải có chỉ định và phải vào bệnh viện lớn mới có đủ thiết bị cấp cứu sản phụ khi có sự bất thường.
Người quản trang và những nấm mồ không có bia
Theo những thông tin của cô nhân viên ở phòng khám, tôi tìm đến nghĩa trang xã Kim Chung. Không khó để tôi nhận ra những ngôi mộ của các thai nhi xấu số. Đó là những ngôi mộ nhỏ hơn bình thường được xây sơ sài, nằm lạnh lẽo ở cuối nghĩa trang, một vài ngôi có ghi tên và ngày mất, còn lại hầu hết không có bia mộ. Có ngôi đã xây khá lâu nhưng gần như không được hương khói, khoảng gần chục ngôi đoán chừng mới được xây trước Tết, còn chưa chưa kịp hoàn tất mà chỉ là vài hàng gạch được xếp bao quanh.
Nghĩa trang Kim Chung và khu trọ của công nhân ở các khu công nghiệp |
Tìm mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được ông Trần Văn Thế là quản trang của nghĩa trang Kim Chung. Khi được hỏi về những ngôi mộ thai nhi, ông Thế thở dài: Ở đây nhiều lắm, mỗi năm ít nhất cũng có chừng vài ba chục thai nhi được đưa về đây. Đấy là những thai lớn khoảng 3-4 đến 6-7 tháng, còn lại những thai nhỏ thì các phòng khám không làm việc với nghĩa trang để đưa đi chôn cất, họ bỏ đi đâu không rõ.
Số thai nhi đem đến đây chôn cất nhiều đến nỗi nghĩa trang phải dự trữ sẵn hàng loạt tiểu dành riêng cho những trường hợp này để dùng. Mà đất nghĩa trang có hạn nên nhiều trường hợp phải chôn cùng một chỗ, nghĩa là tiểu trên, tiểu dưới thì mới đủ chỗ.
Theo ông Thế, hầu hết tất cả các thai nhi được chôn cất tại đây đều là của các công nhân ở những nơi khác đến chứ không có của người dân địa phương, nếu có thì là do thai nhi dị tật bẩm sinh, chết lưu. Còn lại các nữ công nhân thì muôn vàn lý do để đi đến phòng khám phá thai, người thì hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người bị lừa, người thì bạn trai không đồng ý sinh con…
“Cứ dịp gần Tết, là số lượng các thai nhi đưa đến đây chôn cất nhiều hơn hẳn, như dịp trước Tết cũng phải có gần chục ca. Chắc vì thời điểm này các công nhân về quê ăn Tết, họ sợ bị lộ nên phải đi phá thai. Từ Tết ra đến giờ cũng có hai trường hợp rồi” - ông Thế cho biết.
Ông cũng cho hay, các phòng khám trên địa bàn xã Kim Chung cũng đã làm việc với quản trang, bất cứ lúc nào có ca nạo hút thai lớn thì sẽ có người ở nghĩa trang đến đem về chôn cất. Công việc này thường diễn ra khoảng lúc gà gáy sáng. Thường các thai nhi được cho vào các túi ni lông màu đen, khi người của nghĩa trang đem về sẽ mở ra, đưa thai nhi vào các tiểu sành nhỏ để chôn cất.
Tôi hỏi, vậy sau khi các thai nhi được chôn cất ở đây, bố mẹ các bé có đến hương khói không, ông Thế bảo: Cũng có những người mẹ, hoặc cả bố cả mẹ của thai nhi có mặt lúc chôn cất, hoặc có những trường hợp vài ngày sau sẽ tìm đến nghĩa trang, lúc này họ sẽ được quản trang chỉ cho phần mộ con mình để thắp hương.
Những ngôi mộ có tên, có ngày mất là những ngôi mộ còn được người mẹ lo chôn cất, hương khói, còn lại những ngôi mộ vô danh thì do các phòng khám làm việc với quản trang, còn người mẹ thì không biết đứa con xấu số của mình nằm ở đâu. Những ngôi mộ được hương khói thì cũng chỉ một thời gian đầu, sau này cha mẹ các bé về quê thì cũng lạnh lẽo.
Cứ dịp cuối năm, ông và những người làm việc trong nghĩa trang lại phải làm thay cái công việc của cha mẹ các hài nhi này, đó là thắp hương cho những linh hồn đáng tội nghiệp. Thi thoảng lại có một nữ công nhân, hoặc đôi khi là một cặp nam nữ đến nghĩa trang này thắp hương, khấn vái và sụt sùi khóc, chắc họ cũng ân hận, ám ảnh lắm.
Đừng để ám ảnh suốt đời
Ông Thế bảo, dù tiếp xúc nhiều với xác chết, dù số thai nhi đem đến nghĩa trang Kim Chung trở thành chuyện thường đến nỗi ông cảm thấy “quen” nhưng cũng có nhiều trường hợp ám ảnh ông mãi.
Hình ảnh những thai nhi đã 6-7 tháng tuổi, hình hài một đứa trẻ rõ ràng nhưng lại co quắp, tím tái trong những túi ni lông khiến không ai khỏi xót lòng. Có cô gái trẻ chừng 18-19 tuổi có thai được gần 7 tháng rồi mà vẫn đến phòng khám để phá. Cái thai được phá bằng cách kích thích đẻ non, khi ra ngoài tim vẫn đập, vẫn thoi thóp thở. Lẽ ra chỉ còn một vài tháng nữa, đứa trẻ sẽ được sinh ra, làm người bình thường như bao đứa trẻ khác. Và người mẹ trẻ kia, liệu có thoát khỏi ám ảnh suốt cuộc đời còn về hình ảnh đứa con mình thoi thóp tím tái đến chết.
Lại có cô công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, quy định của công ty khi ký hợp đồng làm việc lâu dài là phải cam kết không sinh con trong vòng 2 năm. Nhưng mới làm được mấy tháng thì cô có thai, người yêu thì trở mặt. Không còn cách nào khác cô phải vay mượn đến phòng khám để phá cái thai đã 5-6 tháng, và cô cũng chẳng còn đủ kinh phí mà trả cho việc chôn cất đứa con tội nghiệp của mình mà chỉ biết khóc lóc nhờ quản trang làm phúc chôn cất giúp.
Ông Thế cũng thở dài khi nhắc đến những nữ công nhân dại dột. Họ có cuộc sống khó khăn nhưng không ít người lại dễ dàng buông thả để lại những hậu quả cho bản thân và những sinh linh vô tội. “Nhiều cặp công nhân chẳng cưới xin gì mà cứ ở với nhau. Nếu chủ có làm quá thì họ lại chuyển sang nhà khác. Ở đây có nhiều nhà trọ xây không ở chung với chủ nên họ thoải mái sống với nhau. Sống như thế, không phải đi phá thai mới lạ” - ông Thế chia sẻ.
Trò chuyện với tôi, một nữ công nhân tên Thủy (Thanh Ba, Phú Thọ) đang trọ cùng chồng con tại thôn Bầu, xã Kim Chung cũng bức xúc chia sẻ: “Ở đây nhiều nữ công nhân dại dột lắm, vừa đáng thương, vừa đáng trách. Cả xóm trọ này chỉ có mỗi gia đình em là một cặp vợ chồng. Trước có mấy đôi yêu nhau rồi sống chung với nhau, có đứa thai 5 tháng còn phải đi đẻ non. Sau chuyện ấy chúng em kiến nghị lên chủ nhà trọ không cho nam thuê nữa thì mới không còn tình trạng này”.
Theo một khảo sát mới đây của Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 42,9\% nữ công nhân chưa kết hôn sống chung. Còn kết quả nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, có 13\% nữ công nhân ở các nhà máy đã từng nạo thai, trong đó khoảng 4\% nạo phá thai 2 lần trở lên trong một năm.
Con số khô khan ấy nói lên điều gì? Đằng sau nó là muôn vàn câu chuyện, muôn vàn số phận mà những câu chuyện chúng tôi ghi lại chỉ là những mảnh ghép nhỏ. Nạo hút thai, họ có thể trút bỏ được gánh nặng trước mắt, nhưng những gánh nặng tinh thần cả đời họ sẽ phải âm thầm chịu đựng. Vậy chăng, những nữ công nhân, những người trẻ hãy trách nhiệm hơn với bản thân mình, đừng để những đứa con bị chối bỏ ám ảnh suốt cuộc đời. Và một câu hỏi nữa được đặt ra: Tại sao các cơ sở phá thai vô tội vạ kia, không bị cơ quan y tế kiểm tra và vẫn cứ vô tư hoạt động bình thường?
Linh Chi (theo ANTĐ)