Dù chỉ là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), nhưng Công ty CP Thương mại Hydra (công ty Hydra) lại quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm Hyra Gan như thuốc chữa bệnh.
Thời gian gần đây, báo Đời sống & Pháp luật nhận được phản ánh của bạn đọc về việc vi phạm quảng cáo của Công ty CP Thương mại Hydra (Tầng 11, tòa nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, Q . Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đối với sản phẩm TPBVSK Hyra Gan
“Nổ” TPBVSK Hyra Gan như thuốc chữa bệnh
Cụ thể, trên website suckhoecongdongviet.net quảng cáo sản phẩm Hyra Gan bằng những công dụng “ không tưởng ” như: “ 90 ngày từ giã viêm gan, hỗ trợ đưa viêm gan về âm tính,…”. Hay trên website chuyenmucsuckhoe.net “nổ” các công dung như: “ ức chế sự phát triển của virus, nhuận gan, lợi mật, chống viêm, lợi tiểu, thải độc, giảm sưng, phục hồi tổ chức gan tổn thương. Kiện tỳ bổ khí, tăng miễn dịch”. Thậm trí, trong phần thông tin sản phẩm trên website hyraproducts.com thì Hyra Gan có công dụng “Giải quyết các vấn đề về Gan” dễ gây hiểm nhầm cho người tiêu dùng.
Hyra Gan khẳng định 90 ngày sẽ “từ giã viêm gan” |
Cả 3 website trên đều của công ty Hydra còn sử dụng hình thức đăng tải bài “nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên website để lấy lòng tin của người bệnh, điều này khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.
Trong vai khách hàng, PV được nhân viên của công ty Hydra tư vấn về sản phẩm Hyra Gan có khả năng đặc trị bệnh gan, điều trị được Viêm gan B.
Sản phẩm Hyra Gan sử dụng hình ảnh bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm |
“Sản phẩm này có thể điều trị bệnh viêm gan B. Bên em đã giúp đỡ rất nhiều khách hàng bị như anh về thể âm tính rồi”, nhân viên này khẳng định thêm.
Ngoài ra, sản phẩm TPBVSK Hyra Gan cũng đang được quảng cáo trên các fanpage như: Hyra Gan, Y học cổ truyền,… bản chất là TPCN nhưng đều được tung hô như thuốc chữa bệnh.
Có thể thấy, công ty Hydra đang “vô tư” vi phạm luật quảng cáo, đặt “lợi ích” doanh nghiệp lên trên cả pháp luật, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Vi phạm quy định của Bộ Y tế
Dựa vào tài liệu PV có được, sản phẩm Hyra Gan thực chất là một loại TPBVSK, do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp số Đăng ký sản phẩm số 2444/2018/ĐKSP cấp ngày 10/5/2018 do Công ty cổ phần quốc tế Dream Life Việt Nam (địa chỉ TT 10 - 11 khu ĐTM Văn Phú, P. Phú La, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, trong "Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" số 00712/2019/ATTP-XNQC cấp ngày 25/4/2019, do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp ngày 25/4/2019 cho tổ chức, cá nhân là Công ty TNHH TM Aho, sản phẩm Hyra Gan chỉ có tác dung “Hỗ trợ tăng cường chức năng gan trong trường hợp suy giảm chức năng gan. Hỗ trợ mát gan, hỗ trợ bảo vệ gan, hỗ trợ phục hồi chức năng gan do hóa chất độc hại, uống nhiều rượu bia”, hoàn toàn không có thông tin, hình ảnh nào thể hiện công dụng, khả năng "điều trị", “đặc trị” như trên.
Giấy phép Quảng cáo của Hyra Gan được cấp bởi cục ATTP hoàn toàn không có nội dung giống với các Website và lời tư vấn của nhân viên công ty Hydra tư vấn |
Điều đáng nói, tất cả các giấy phép cấp cho sản phẩm Hyra Gan không hề liên quan đến công ty Hydra. Liệu có điều gì khuất tất ở đây? Đó là câu hỏi người tiêu dùng cần cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ ngay lúc này.
Tại khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “ Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.
Quy định trong khoản 2 điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm, nói rõ: “ Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Hay tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nói rõ phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Trước những dấu hiệu vi phạm của công ty Hydra, PV đã liên hệ với phía các cơ quan chức năng để làm rõ những thông tin mà bạn đọc phản ánh.
Trước đó, công ty này cũng đã bị Công an Thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì - tỉnh Hà Giang) “bóc mẽ” khi quảng cáo Tinh dầu Hyra với những công dụng “đặc trị” các bệnh về tóc của bà Lưu Thị Hòe – Tổ 3, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Cụ thể, theo quảng cáo: tinh dầu Hyra là sản phẩm gia truyền sản xuất bởi Bà Hòe trú tại thị trấn Vinh Quang, tuy nhiên, Công an thị trấn Vinh Quang đã phối hợp cùng với Phòng Y tế huyện Hoàng Su Phì tiến hành kiểm tra và phát hiện tại tổ 3 và các tổ dân phố trên địa bàn huyện không có trường hợp nêu trên. |
Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…
Tào Đạt