Mập mờ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định nhãn mác hàng hóa, sản phẩm chưa đăng ký Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,…là những tình trạng đáng báo động trên thị trường “Nồi cơm tách đường”.
Quan điểm trái chiều về công dụng “Nồi cơm tách đường”
Như báo Đời sống & Pháp luật đã đưa tin, trên thị trường tràn lan một loại nồi cơm có khả năng tách đường tới 40%, hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì: Bài 1: Đi tìm sự thật về “Nồi cơm tách đường”.
Tuy nhiên, theo những thông tin từ các chuyên gia, nồi cơm không có khả năng tách đường, cụ thể, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Tôi không tin! Bệnh tiểu đường chỉ có thể điều trị bằng thuốc. Tinh bột (gạo) làm gì có đường, phải khi vào trong cơ thể tinh bột mới chuyển hóa thành đường và quá trình này cần phải có enzym”.
Trên hàng loạt các trang TMĐT lớn như Tiki, Lazada, Shopee,… đang quảng cáo, rao bán nhiều loại “Nồi cơm tách đường” với những thông tin như : “Giúp loại bỏ lượng đường thừa trong quá trình nấu cơm; Giúp hạ đường huyết với người bị tiểu đường; Đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng” và khẳng định “Có thể giảm 30 -40% lượng đường có trong cơm”.
Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “QCVN 4:2009/BKHCN: QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIAVỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ” trong “danh mục các thiết bị điện và điện tử” không có nhóm sản phẩm nào có tên “Nồi cơm tách đường”. Việc đăng ký Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các dòng sản phẩm Nồi cơm điện là bắt buộc theo quy định của pháp luật.Trước những thông tin trên, thầy Hoàng Minh Thắng – giáo viên chuyên Hóa phân tích: “Về bản chất tinh bột chỉ chuyển hóa thành đường trong phương pháp thủy phân hoặc là dưới sự xúc tác của axit loãng (thường dùng HCL) hoặc sử dụng enzym (đây là phản ứng chính trong cơ thể con người). Với phương pháp thủy phân không có chất xúc tác mà chỉ sử dụng nước thông thường, việc thủy phân tinh bột để tạo ra đường là bất khả thi.”
“Ma trận” nồi cơm tách đường mập mờ nguồn gốc
Tình trạng béo phì và mắc căn bệnh tiểu đường hiện nay đang tăng cao. Chính vì nguyên nhân này, sản phẩm “Nồi cơm tách đường” được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm. Cùng với đó là hàng loạt các hãng sản xuất trong nước, nhập khẩu lắp rắp và nhập khẩu hoàn toàn tung ra thị trường sản phẩm “Nồi cơm tách đường”.
Theo khảo sát của PV báo Đời sống & Pháp luật, thị trường “Nồi cơm tách đường” đang rất “náo nhiệt”. Giá giao động từ 1 triệu đến hơn 10 triệu đồng.
Trong vai khách hàng, PV đến Công ty CP Thương mại Goddad tại phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – HN) chuyên cung cấp sản phẩm “Nồi cơm tách đường” Goddad và Homely. Tại đây, PV được nhân viên của công ty này giới thiệu: “Hiện nay công ty đang có 2 dòng sản phẩm là Nồi cơm tách đường Goddad có giá hơn 4 triệu đồng nay đang được giảm giá 20% nên còn có giá 3,8 triệu. Với nồi cơm cao cấp hơn là loại IH (cao tần) có giá trên 10 triệu đồng. Tất cả hàng hóa đều có xuất xứ từ Thái Lan.”
Việc ghi xuất xứ “Công nghệ Thái Lan” sẽ khiến người tiêu dùng không thể phân biệt Nồi cơm tách đường Goddad có nguồn gốc thực sự từ đâu và được đơn vị nào chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.Đồng thời, nhân viên này đưa sản phẩm Nồi cơm tách đường Goddad cho PV xem thử, qua quan sát có thể thấy; thông tin nhà phân phối là Công ty TNHH Thương mại Ishiba Việt Nam và chỉ ghi xuất xứ “Công nghệ Thái Lan”.
Vì, theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia “QCVN 4:2009/BKHCN: Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR ) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.”
Chiếu theo quy định này, sản phẩm Nồi cơm tách đường Goddad không có bất cứ dấu hợp quy nào trên sản phẩm, đồng thời trên nhãn mác của sản phẩm này cũng không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Việc ghi nhãn trên sản phẩm Nồi cơm tách đường Goddad có dấu hiệu làm trái với Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP (Nghị định về Nhãn hàng hóa) tại “Điều 9. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa quy định rõ:
1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
2. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.”
Nồi cơm tách đường có mẫu mã giống hệt nhau? |
Trên thị trường, một số sản phẩm như Bennix, Goddad, Nirvana,… có mẫu mã và chức năng khá giống nhau. Không chỉ kiểu dáng, chức năng mà qua cả cách quảng cáo các nhãn hàng này đều dùng chung cụm từ “Công nghệ Thái Lan”.
Sự mập mờ về nhãn mác đang hướng người tiêu dùng đến một sản phẩm không đúng với chức năng mà nó ra đời, sản phẩm chưa được hợp quy đã mang ra lưu thông trên thị trường đang vi phạm những quy định hiện hành.
Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin…
Trung Nguyễn