Hiện tại, vũ khí chủ lực được quân đội Ukraine sử dụng để bảo vệ bầu trời là các hệ thống Buk-M1. Tuy nhiên, do nguồn đạn dự trữ sụt giảm mạnh sau 7 tháng giao tranh và viện trợ chưa bù đắp được số tiêu hao, các chuyên gia quân sự nhận định rằng tổ hợp phòng không S-125 Pechora-2D sẽ là biện pháp thay thế của Keiv.
Pechora-2D có khả năng dẫn 2 tên lửa tiêu diệt mục tiêu cùng lúc.
Những năm gần đây, bên cạnh việc tích cực tái biên chế những hệ thống tên lửa di động như Buk-M1, S-300PS/V1M… thì Ukraine còn đặt niềm tin vào các tổ hợp S-125 Pechora-2D, vai trò của chúng hiện nay như lực lượng dự bị chiến lược.
S-125 Pechora (tên xuất khẩu, nguyên gốc phát âm là Neva) là một hệ thống phòng không tầm ngắn được đưa vào hoạt động từ năm 1961. Các tổ hợp đầu tiên có khả năng bắn trúng một mục tiêu đang bay với tốc độ lên tới 560 m/s bằng hai tên lửa.
Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật thua kém đáng kể Buk-M1 hay S-300PS, nhưng Pechora-2D được nhiều chuyên gia quân sự trong và ngoài Ukraine nhận xét đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Theo tờ Eurasian Times, S-125 từng đe dọa F-16 Fighting Falcon của Không quân Israel, bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117 ở Nam Tư, cũng như UAV MQ-1 Predator và tên lửa hành trình tại Syria.
Pechora-2D của Ukraine có khả năng hoạt động ở khoảng cách xa tới 40 km và chỉ số này có thể được tăng thêm thông qua việc sử dụng các thiết bị điện tử nhập khẩu hiện đại. Nói cách khác, hệ thống này là đáng tin cậy, tiết kiệm chi phí và có thể được nâng cấp thêm.
Trong điều kiện của Ukraine, Pechora-2D được xem là một lựa chọn nhanh chóng và tiết kiệm để tăng cường khả năng phòng thủ khu vực Biển Azov và Biển Đen.
Tuy nhiên, khi giao tranh nổ ra, trước những đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí chính xác cao của Nga thì rất nhiều bệ phóng S-125 Pechora-2D của Ukraine đã bị phá hủy do thiếu khả năng cơ động.
Mộc Miên (Theo eurasiantimes.com)