(ĐSPL) - Nhiều căn nhà cách khu mỏ hơn 1km vẫn bị nứt toác do rung chấn từ các vụ nổ mìn khai thác đá. Người dân thì bất an, còn doanh nghiệp lại cố né tránh.
Như thông tin trước đó, hàng trăm hộ dân ở các thôn Xuân Lộc, Quảng Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) hoang mang, lo lắng vì doanh nghiệp nổ mìn phá đá ngay sát khu dân cư khiến cho hàng chục ngôi nhà bị nứt toác cả tường, nền nhà; nguy cơ nhà sập đang hiện hữu.
Chứng kiến cơ ngơi của mình nứt rộng thêm từng ngày, những người dân nơi đây đã kiến nghị lên các cấp song đến nay vẫn chưa được hỗ trợ giải quyết.
Nhiều nhà dân bị nứt tường, nền nhà do chịu rung chấn từ các vụ nổ mìn để khai thác đá. |
Nhiều hộ dân vì quá bức xúc đã xông vào khu vực mỏ đá, không cho khai thác. Vào ngày 21/8 vừa qua, một số người dân đã lên trạm đập đá vôi của nhà máy để ngăn chặn thiết bị hoạt động vì lí do xe chạy thông trưa, gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong thời gian dài.
Ông Thái Văn Bằng, Trưởng thôn Xuân Lộc cho biết: “Hiện tượng nhà nứt đã xảy ra từ lâu. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều phản ánh về tình trạng này, một số hộ có làm đơn gửi lên chính quyền địa phương các cấp nhưng chưa được giải quyết. Phía công ty từng hứa đưa đội ngũ kỹ sư về khắc phục nhưng đến nay chưa thấy tiến hành”.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, hiện chưa xác định được nguyên nhân nứt nhà có phải do nổ mìn hay không.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, Phòng đã chỉ đạo cán bộ về tận nhà kiểm tra để báo cáo với huyện và Sở Công Thương. Ngay sau đó, đại diện sở Công Thương cùng địa phương đã đi khảo sát tình hình thực tế để có cơ sở sớm lập đoàn kiểm tra liên ngành về xác định nguyên nhân gây nứt nhà.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền trao đổi với PV. |
“Hiện chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo huyện làm văn bản báo cáo tỉnh để có phương án giải quyết cho người dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống” – ông Thanh nói.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Đỗ Quang Trung, Chỉ huy trưởng Công ty khai thác mỏ đá Đồng Lâm và ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc mỏ đá thuộc Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm để xin đặt lịch làm việc, song hai vị này cho biết đang đi công tác và hẹn sẽ làm việc sau. Tuy nhiên, khi đến hẹn, PV liên hệ lại thì hai vị này liên tục không nghe máy.
Liên quan về vấn đề này, Thạc sĩ - Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty luật Công Khánh cho biết: Hành vi nổ mìn để khai thác đá của Công ty Tân Việt Bắc đã gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Điều 103 Luật Bảo vệ môi trường 2014 về quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ quy định: 1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. 3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
PHI HOÀNG - ĐÌNH TUẤN
Xem thêm video:
[mecloud]zXldoDlOvL[/mecloud]