Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những vụ trao nhầm con hi hữu trên thế giới (Kỳ 2): Xét nghiệm ADN để dập tắt tin đồn, phát hiện bí mật về con gái

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Người đàn ông đi xét nghiệm ADN với mong muốn dập tắt các tin đồn trong làng về con gái, không ngờ lại phát hiện sự việc gây bàng hoàng.

Xét nghiệm ADN để dập tắt tin đồn, phát hiện bí mật về con gái

Ngày 5/12/2007, The Irish Times đưa tin, hai bé gái người Czech vô tình bị hoán đổi ngay sau khi chào đời đã được trả về với cha mẹ ruột đúng vào dịp sinh nhật đầu tiên.

Cụ thể, anh Libor Broza chỉ phát hiện cô bé Nikolka không phải con gái ruột khi đi xét nghiệm ADN nhằm dập tắt các tin đồn trong làng về đứa trẻ có tóc vàng, mắt xanh, không có nét nào giống với cha mẹ có tóc nâu, mắt đen của mình.

Kết quả xét nghiệm cho thấy chị Jaroslava (vợ của anh Broza) cũng không phải mẹ ruột của Nikolka. Được biết, Nikolka là một trong 5 đứa trẻ chào đời tại một bệnh viện ở thị trấn Trebic vào ngày 9/12/2016.

Hai bé gái chào đời cách nhau 18 phút bị trao nhầm. Ảnh: Getty

Các cuộc kiểm tra xác định con gái ruột của anh Broza đang sống cùng đôi vợ chồng Jan và Jaroslava Cermak tại một ngôi làng gần đó, được đặt tên là Veronika. Bé gái tên Nikolka chính là con ruột của cặp đôi Jan và Jaroslava Cermak.

Vợ chồng anh Broza và anh Cermak nhất trí sẽ đổi lại con trước sinh nhật đầu tiên của hai đứa trẻ. Họ chuẩn bị cho việc trao đổi bằng cách thay phiên nhau chăm sóc hai bé gái được sinh ra cách nhau chỉ 18 phút.

“Chúng tôi đưa ra quyết định cho con gái của mình. Ở tuổi này, hai đứa trẻ đang bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh chúng. Đã đến lúc phải hành động”, anh Cermak chia sẻ về việc đổi lại con giữa hai gia đình.

Bị trao nhầm con, hai gia đình chuyển về sống chung

Theo NBC News, Dimas Aliprandi ở Brazil luôn thắc mắc vì sao bản thân lại sở hữu ngoại hình khác với 4 chị gái của mình. “Có điều gì đó khác biệt. Tôi có mái tóc vàng và đôi mắt xanh, trong khi các chị của tôi có mái tóc và đôi mắt màu sẫm”, anh nói với AP.

Năm 14 tuổi, sự hoài nghi của Aliprandi ngày càng lớn hơn sau khi anh xem bản tin truyền hình về việc trao nhầm trẻ sơ sinh vì sai sót ở bệnh viện. Aliprandi đã kể với bố về những nghi ngờ của mình, nói rằng anh muốn làm xét nghiệm DNA nhưng dịch vụ này quá đắt đối với gia đình anh vào thời điểm đó.

“Tháng 12/2008, khi 24 tuổi, tôi quyết tâm phải có câu trả lời cho những nghi ngờ của mình. Tôi chi 300 real cho xét nghiệm ADN để xác nhận mối hoài nghi rằng mình không phải con ruột của bố mẹ hay không”, người đàn ông nhớ lại.

Đó thực sự là một cú sốc lớn đối với ông bà Zilda và Antonio Aliprandi. Ban đầu họ không tin vào kết quả xét nghiệm nhưng cuối cùng cả hai quyết định giúp Aliprandi  tìm lại cha mẹ ruột.

Hai gia đình quyết định sống chung với nhau tại trang trại rộng gần 142.000m2 sau khi phát hiện sự cố trao nhầm con. Ảnh: Getty

Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ nơi anh chào đời là Bệnh viện Madre Regina Protmann. Phía bệnh viện tỏ ra nghi ngờ và yêu cầu Aliprandi làm một xét nghiệm ADN khác và kết quả vẫn như lúc trước, chứng tỏ anh đã bị trao nhầm ngay từ khi sinh ra.

Bệnh viện Madre Regina Protmann kiểm tra lại hồ sơ và phát hiện Elton Plaster chào đời cùng ngày với Aliprandi. Dựa theo hồ sơ, Aliprandi tìm đến trang trại rộng 35 mẫu Anh (gần 142.000m2) ở thị trấn Santa Maria de Jetiba, nơi Plaster đang sống cùng cha mẹ là ông bà Nilza và Adelson. Trang trại này cách nhà của Aliprandi ở Joao Neiva khoảng 45km.

Plaster đồng ý thực hiện xét nghiệm ADN và kết quả chứng minh anh cùng Aliprandi thực sự đã bị trao nhầm. Tuy nhiên, điều này không hề gây ra bất cứ sự khó chịu nào, thay vào đó khơi dậy mong muốn được hòa nhập gia đình của họ.

“Elton và tôi muốn sống cùng những người đã nuôi nấng chúng tôi và cả cha mẹ ruột. Chúng tôi muốn mở rộng gia đình của mình”, Aliprandi chia sẻ.

Với mong muốn như vậy, anh cùng ông bà Zilda, Antonio chấp nhận lời đề nghị của Plaster, chuyển đến trang trại sinh sống. Cả Aliprandi và Plaster đều cảm thấy vui vẻ về cuộc sống mới của mình.

Sự nhầm lẫn giúp anh em song sinh đoàn tụ sau 21 năm

Theo thông tin trên Tampa Bay Times, sự nhầm lẫn danh tính đã giúp cặp anh em song sinh George Cain và Brent Tremblay (còn gọi là Marcus Cain) đoàn tụ sau 21 năm chia ly.

Cụ thể, George và Marcus gặp nhau ở Đại học Carleton (Ottawa, Canada) vào năm 1992, sau khi các sinh viên liên tục nhầm lẫn họ với nhau. Mọi người đều cho rằng cả hai trông giống như hình ảnh phản chiếu của nhau.

Sau khi trở thành bạn bè, George và Marcus nhận thấy họ chắc chắn phải có một mối liên hệ đặc biệt nào đó. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm máu chứng minh hai người là một cặp sinh đôi.

Hai anh em được nhận xét trông như hình ảnh phản chiếu của nhau. Ảnh: Getty

Hóa ra, khi George và Marcus còn là trẻ sơ sinh, bà Laura Cain (mẹ ruột của hai người) đã tạm thời gửi con trai cho Hiệp hội bảo trợ trẻ em chăm sóc và nuôi dưỡng do thời điểm đó, bà phải “giải quyết những khó khăn”.

2 tháng sau, bà Laura kết hôn với cha ruột của cặp song sinh là ông Randy Holmes và họ đã đến đón các con của mình về. Tới tháng 9/1993, kết quả xét nghiệm máu cho thấy đứa trẻ được cho là Marcus không có quan hệ cha con với ông Randy Holmes.

Tampa Bay Times cho biết, Hiệp hội bảo trợ trẻ em trước đó đã trao trả cho vợ chồng bà Laura cậu bé George và một đứa trẻ khác mà không phải Marcus. Trong khi đó, Marcus trở thành đứa trẻ được cặp vợ chồng Carol và Jim Tremblay ở Ottawa nhận nuôi, đổi tên thành Brent.

“Đây là một sự trùng hợp khá thú vị, kể cả việc hai anh em từng gặp nhau”, bà Garry Watanabe - luật sư đại diện cho bà Luara trong vụ việc bày tỏ.

Đinh Kim (Theo Tampa Bay Times, NBC News, The Irish Times)

Tin nổi bật