Đóng

Những vụ mất tích "bí ẩn" và cảnh báo chiêu lừa "bắt cóc online"

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Gần đây, liên tiếp các vụ mất tích bất thường của một số thanh niên và học sinh, cơ quan chức năng đã có những cảnh báo để người dân tỉnh táo không sập bẫy "bè lũ" lừa đảo.

TP.HCM gần đây ghi nhận nhiều vụ mất tích bí ẩn của thanh niên và học sinh, khiến gia đình hoang mang. Đáng chú ý là các chiêu lừa đảo mới, khi kẻ gian mạo danh công an, đe dọa nạn nhân liên quan đến các vụ án ma túy, rửa tiền. Chúng yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật tuyệt đối, tự giam mình trong khách sạn và buộc gia đình chuyển tiền chuộc. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có tổ chức của tội phạm mạng.

Học sinh lớp 10 ở TP.HCM mất tích sau khi lên xe taxi

Bà Bùi Thị Ngọc Bình (sinh năm 1978, trú tại TP.HCM) cho biết, con trai bà, Nguyễn Văn B. (sinh năm 2009), hiện vẫn chưa có tung tích sau khi mất liên lạc kể từ sáng 22/6.

Ngày 27/6, chia sẻ trên báo Dân Việt, bà Bùi Thị Ngọc Bình cho biết, con trai bà vừa kết thúc năm học lớp 10 và đang trong kỳ nghỉ hè. Hôm 20/6, B. có xin phép được đi làm thêm trong thời gian nghỉ nhưng gia đình không đồng ý. Tuy nhiên đến chiều 22/6, khi vợ chồng bà trở về nhà thì không thấy B. đâu, gọi điện và nhắn tin đều không nhận được phản hồi. Gia đình sau đó đã tìm kiếm nhiều nơi và liên hệ với bạn bè, nhà trường nhưng không ai biết thông tin gì về con.

Học sinh lớp 10 ở TP.HCM mất tích sau khi lên xe taxi. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Nhờ trích xuất camera từ hàng xóm, gia đình bà Bình phát hiện em B. đã rời nhà và lên một chiếc taxi công nghệ mang BKS 50H-733.30 vào sáng 22/6.

Sau đó, gia đình đã tìm được người tài xế điều khiển chiếc xe này. Tài xế cho biết, chuyến xe được một người khác đặt qua ứng dụng để đón B. và điểm đến là khu vực Gò Dầu hoặc Trảng Bàng (Tây Ninh). Tuy nhiên, tài xế không nhớ rõ địa điểm cụ thể nơi B. xuống xe và chỉ sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Bà Bình cho hay đã trình báo sự việc lên Công an phường Tân Sơn Nhì và gửi thông tin qua ứng dụng VNeID đến Công an TP.HCM. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, vẫn chưa có thêm manh mối về nơi ở hiện tại của B.

Đến gần trưa ngày 27/6, bà Bình nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0523.544.911. Qua điện thoại, bà nghe thấy giọng con trai kêu cứu: “Mẹ ơi, mẹ ơi”, rồi tín hiệu bị cắt đột ngột. Khi gọi lại, số máy không liên lạc được.

Được biết, Công an phường Tân Sơn Nhì đã tiếp nhận thông tin của gia đình bà Bình, đang trong quá trình hỗ trợ.

Mới đây, anh Tạ Tuấn Lộc (trú tại TP.HCM) cũng đã trình báo công an về việc em trai của mình, là Tạ Tuấn Phúc (SN 2005, quê Gia Lai) mất tích nhiều ngày, nghi có liên quan đến đường dây buôn bán thận xuyên quốc gia.

Theo báo Đại Đoàn Kết, trình báo với công an, anh Lộc cho biết, sáng 22/6, em trai Tạ Tuấn Phúc từ Gia Lai đến nhà trọ của mình trên đường Lê Thị Hồng (phường Gò Vấp, TP.HCM) để phụ bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi anh Lộc đi làm, đến chiều quay về thì không thấy em trai đâu.

Nghi ngờ có điều bất thường, anh Lộc liên hệ người thân ở quê thì được biết Phúc thực chất đã đi xe khách giường nằm từ Gia Lai vào TP.HCM. Không yên tâm, anh Lộc đăng nhập vào tài khoản Facebook "Tuấn Phúc" của em trai thì phát hiện hàng loạt tin nhắn của một người lạ trao đổi về việc bán thận ở Thái Lan.

Tài khoản này nói với Phúc là tùy vào nhóm máu sẽ mua thận với giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng. “Nhóm máu AB giá 1,1 tỷ đồng; Nhóm máu A hoặc B giá 1,3 tỷ đồng; Nhóm máu O giá 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản bồi dưỡng sau mổ từ 200 đến 350 triệu đồng…”, tài khoản Facebook T.L. chat dẫn dụ với Phúc…

Đối tượng lạ mặt còn hứa, sẽ lo chi phí xe khách từ Gia Lai đến TP.HCM và sắp xếp xe ôm công nghệ đưa Phúc đến một quán cà phê, rồi từ đó có ô tô đưa đi tiếp. Theo kế hoạch, Phúc sẽ được đưa qua Mộc Bài (Tây Ninh), sau đó di chuyển bằng xe máy qua Campuchia và đến Thái Lan bằng đường bộ.

Tạ Tuấn Phúc (SN 2005, quê Gia Lai) mất tích nhiều ngày. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Sau khi phát hiện những tin nhắn này, anh Lộc xin trích xuất camera khu trọ và thấy Phúc đã rời đi trên một xe máy mang BKS 83H1-137.01 do người lạ điều khiển. Khi rời đi, Phúc mặc áo thun đen, quần đùi đen sọc trắng và đeo balo đen.

Tối 24/6, anh Lộc đến Công an địa phương trình báo và gửi thông tin lên Công an TP.HCM thông qua ứng dụng VNeID. Tuy nhiên đến nay, gia đình vẫn chưa có bất kỳ thông tin xác thực nào về tung tích của Phúc.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng xác minh, làm rõ.

Nhiều vụ mất tích bất thường bởi những chiêu lừa mới và khuyến cáo của cơ quan chức năng

Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, ngày 26/6, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết đang điều tra mở rộng vụ việc một nam sinh 19 tuổi bị lừa theo hình thức "bắt cóc online", buộc cách ly trong khách sạn và chuyển tiền cho nhóm giả danh Công an.

Thông tin ban đầu, khoảng 23h ngày 24/6, Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 2), PC02 nhận tin báo từ một gia đình tại quận 3 về việc con trai sinh năm 2006 mất liên lạc bất thường sau khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Nạn nhân cho biết đã bị một nhóm người gọi điện tự xưng là Công an, thông báo đang liên quan đến một vụ án mua bán ma túy và yêu cầu chuyển khoản 600 triệu đồng để "giải quyết". Nhóm này còn yêu cầu nam sinh tự bắt xe công nghệ đến khách sạn trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận), tắt điện thoại và không liên lạc với bất kỳ ai ngoài chúng.

Nhận định đây là thủ đoạn "bắt cóc online" nguy hiểm, các trinh sát của Đội 2 đã vào cuộc khẩn trương. Đến khoảng 1h30 sáng 25/6, Công an xác định chính xác nơi nạn nhân đang ở tại một phòng khách sạn ở quận Phú Nhuận.

Ảnh minh họa.

Qua xác minh, nam sinh đã chuyển 51 triệu đồng vào tài khoản mang tên người lạ theo yêu cầu của nhóm giả danh trước khi được giải cứu.

Qua các vụ việc kể trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM nhận định, “con mồi” mà tội phạm mạng nhắm đến gần đây là học sinh, sinh viên, hoặc những người trẻ ít kinh nghiệm sống. Ngay cuộc gọi đầu tiên, chúng đã đe dọa trấn áp tinh thần, cáo buộc họ liên quan đến vụ án (thường là ma túy, rửa tiền...). Nhóm tội phạm tiếp tục gây áp lực tâm lý, đe dọa “sẽ bắt giam” nếu không hợp tác. Từ đó, chúng ép nạn nhân tự cô lập, thuê phòng ở khách sạn, không tiếp xúc hoặc nghe điện thoại từ bất cứ ai, kể cả người thân. 

Khi đã khống chế, điều khiển từ xa, chúng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để giải quyết vụ việc hoặc kiểm tra tài khoản nhằm minh oan cho mình. Từ thông tin có được, khi đe dọa người thân của nạn nhân, nhóm này sẽ dùng chính tài khoản ngân hàng mang tên thật của “người bị bắt cóc” để tăng độ tin tưởng khi chuyển tiền.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân lưu ý Cơ quan Công an không làm việc qua điện thoại và không bao giờ yêu cầu chuyển tiền để giải quyết bất kỳ vụ việc nào. Khi nhận được cuộc gọi đe dọa, giả danh cơ quan chức năng, người dân hãy bình tĩnh, kiểm chứng thông tin và liên hệ ngay Công an địa phương. Phụ huynh cần chủ động trang bị kỹ năng phòng tránh lừa đảo cho con em, nhất là thanh thiếu niên đang độ tuổi học sinh - sinh viên...

Tin nổi bật