Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những vụ đánh trộm khiến chủ nhà vướng vòng lao lý

(DS&PL) -

Mới đây một người đàn ông ở Hà Nội vì đánh kẻ trộm quá tay mà bị khởi tố về tội "giết người" khiến dư luận xôn xao.

Mới đây một người đàn ông ở Hà Nội vì đánh kẻ trộm quá tay mà bị khởi tố về tội "giết người" khiến dư luận xôn xao. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chủ nhà vướng vòng lao lý khi bắt gặp kẻ trộm.

Chủ nhà đánh kẻ trộm bị khởi tố tội "giết người"

Vừa qua, công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) quyết định khởi tố ông Lê Minh Phương (50 tuổi) để điều tra về hành vi "Giết người".

Theo hồ sơ vụ án, nửa đêm 23/11/2017, ông Phương phát hiện Tùng (15 tuổi) đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà mình. Do bực tức vì trước đây thường xuyên bị mất trộm nên ông lấy thanh kiếm có sẵn trong nhà chém Tùng nhiều nhát vào đầu, cánh tay. Khi nạn nhân gục xuống chủ nhà mới dừng tay.

Ông Phương và hung khí chém trọng thương tên trộm. Ảnh: Tiền Phong

Tùng được đưa đến bệnh viện cấp cứu với 1 vết thương ở vùng đỉnh đầu dài khoảng 20cm, vỡ xương đỉnh, tụ máu trong não, khuỷu tay có vết thương dài khoảng 10cm, đứt gân cơ, đứt mõm khuỷu tay phải. Kết quả giám định pháp y cho thấy, nạn nhân Tùng bị tổn hại sức khỏe 61%.

Vụ án hy hữu ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Ngày 12/5/2017 tuyên phạt Nguyễn Huy Hiếu (33 tuổi, quê Nghệ An) 1 năm tù treo và Hoàng Văn Dũng (27 tuổi, quê Vũng Tàu) 12 tháng tù về tội Cố ý gây thương thích. 

Theo cáo trạng, quán cà phê của Hiếu từng 3 lần bị trộm, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Rạng sáng 11/3/2015, Hiếu và nhân viên Dũng phát hiện nam thanh niên đi lại trước quán nhiều lần. Một lúc sau, anh ta ra bên hông quán leo vào trong nên Dũng và Hiếu lấy cây đánh gây thương tích 15%.

Làm việc với cơ quan điều tra, nam thanh niên này cho rằng chỉ muốn "vào quán ngủ nhờ" đến sáng sẽ vào phòng trọ - dù cảnh sát tìm thấy 2 dao rọc giấy và đôi găng tay trong người anh ta.

HĐXX xác định không có căn cứ cho thấy nam thanh niên đột nhập vào quán cà phê để trộm tài sản. Anh ta đột nhập quán trong đêm khi chưa được sự đồng ý của chủ là trái pháp luật, song chưa đến mức nghiêm trọng.

Bị phạt 12 tháng tù treo vì đánh kẻ trộm gà

Trước đó, ngày 25/9/2017, TAND tỉnh Tây Ninh bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh (63 tuổi, ngụ P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) về tội "Cố ý gây thương tích" trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo bồi thường cho bị hại hơn 75 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, ngày 1/8/2015, Tạ Công Trung (23 tuổi) rủ Lê Minh Thành (21 tuổi, cùng ngụ P. Ninh Sơn, TP Tây Ninh) vào nhà ông Ánh để trộm gà. Phát hiện kẻ trộm, ông Ánh đã dùng chĩa đâm vào người Trung, khiến vùng bụng của Trung tổn thương 73% và vùng mông 1%.

Ngày 28/8/2016, Công an TP Tây Ninh khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích. Đến ngày 10/3/2017, công an chuyển qua thành vụ cố ý gây thương tích trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, đồng thời công an khởi tố bị can đối với ông Ánh.

Ông Ánh bị phạt 12 tháng tù treo. Ảnh: Thanh Niên

Về phía Trung và Thành, cơ quan tố tụng cho rằng cả hai chưa có tiền án, tiền sự, hành vi trộm gà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm gì khi phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà?

Trả lời báo chí, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, việc người dân tức giận khi bắt được trộm, rồi đánh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hành vi đánh kẻ trộm là hành vi vi phạm pháp luật và không loại trừ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc đánh người gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo luật sư Chánh, nếu phát hiện kẻ trộm thì người dân có quyền bắt người trộm tài sản, sau đó thông báo cho cơ quan công an. Mọi hành vi đánh đập, bức hại gây thương tích cho người có hành vị trộm cắp đều bị ngăn cấm.

Nếu gây thương tích cho kẻ trộm cũng bị xử tù, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 60% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với mức phạt cao nhất là 15 năm.

Cũng theo LS Chánh, nếu gây hậu quả chết người thì bị truy cứu tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), mức hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu gây thương tích cho đối tượng từ 11% trở lên thì phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Luật sư Trần Anh Dũng (Công ty luật Đại Phúc) cho hay, tự ý vào nhà người khác đã là phạm pháp, vào để trộm cắp tài sản thì càng không thể chấp nhận. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bắt được trộm thì chủ nhà có quyền được đánh đập. Dù có là kẻ trộm vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ. Do vậy, đặt vấn đề “khi trộm vào nhà có nên đánh hay không” thì lời khuyên là không nên.

Tuy nhiên, luật sư Dũng cũng cho rằng, có những trường hợp dù không muốn nhưng người phát hiện kẻ trộm vẫn buộc phải dùng vũ lực để khống chế. Đó là những trường hợp kẻ trộm kháng cự hoặc hành hung để tẩu thoát hoặc có những hành vi nguy hiểm đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

Khi gặp phải những trường hợp này, pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm (kể cả việc đánh kẻ trộm). Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Nếu hành vi phòng vệ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật