Trước vụ chìm phà Sewol của Hàn Quốc, thế giới từng ghi nhận hàng chục vụ tai nạn phà thảm khốc khiến nhiều người vĩnh viễn nằm lại đáy biển.
|
Quả bom cài trong một chiếc tivi đã phát nổ trên chiếc phà Superferry 14 trọng tải 10.000 tấn, trên đường ra khỏi thành phố Manila ngày 27/2/2004. 63 người chết tại chỗ và ngọn lửa bao trùm Superferry 14 khi nó chìm dần. Số người thiệt mạng và mất tích lên đến 194. Kết quả điều tra cho thấy, đây là một vụ khủng bố. Kẻ chủ mưu vụ đánh bom bị bắt năm 2008 và vẫn đang chờ xét xử. Ảnh: AP |
|
Chiếc phà Senopati Nusantara chở gần 600 khách của Indonesia bị chìm tại vùng biển Java, cách thủ đô Jakarta hơn 300km về phía đông bắc, vào ngày 29/2/2006. Tổng cộng 373 người được xác định là thiệt mạng hoặc mất tích. Trong hình là cảnh một tàu cứu hộ tìm thấy những người sống sót trôi dạt ngoài khơi hai ngày sau tai nạn. Ảnh: AFP |
|
Cơn bão Fengshen nhấn chìm phà Princess of the Stars của Philippines gần quần đảo Sibuyan Island trên biển Đông ngày 21/6/2008. 831 trong số hơn 850 hành khách và thủy thủ đoàn trên phà được xác định là chết hoặc mất tích. Ảnh: Wikipedia |
|
Trong cơn bão nhiệt đới Charlotte năm 2009, chuyến phà mang tên Teratai Prima của Indonesia bị đánh chìm ngày 11/1 ở eo biển Makassar, cách đảo Sulawesi khoảng 11km về phía tây. Thời điểm gặp nạn, có ít nhất 250 hành khách và 17 thủy thủ đoàn trên phà. Con số thiệt mạng được xác định là 232 người. Trong hình, một chiếc tàu của Hải quân Indonesia tiến về bến cảng sau một cuộc tìm kiếm những gười sống sót. Ảnh: CTV News |
|
Dù di chuyển trong điều kiện thời tiết tốt, chiếc phà Princess Ashika của vương quốc Tonga vẫn bị đắm ở vùng biển phía đông bắc thủ đô Nuku'Alofa ngày 5/8/2009. Sau vụ việc, 4 người đàn ông và một công ty vận tải đã bị kết tội gây ra vụ đắm phà và ngộ sát. Khoảng 88 người được thông báo là chết hoặc mất tích, toàn bộ trẻ em và phụ nữ không ai thoát nạn. Trong hình là cảnh các mảnh vỡ của Princess Ashika dưới đáy biển mà Hải quân Hoàng gia New Zealand chụp được. Ảnh: AFP |
|
Chuyến phà mang tên Spice Islander I của Tazania bị lật rồi chìm giữa hai hòn đảo Zanzibar và Pemba trên Ấn Độ Dương ngày 10/9/2011. Khi gặp nạn, Spice Islander I chở quá trọng tải đến hàng trăm người, khoảng hơn 600 hành khách sống sót trong số trên dưới 1.000 người có mặt trên phà. Ảnh: Defenceweb |
|
Chiếc phà Rabaul Queen gặp nạn do thời tiết xấu tại biển Bismarck, cách Papua New Guinea khoảng 19km về phía đông bắc, hôm 2/2/2012. Có 360 hành khách và 12 thành viên thủy thủ đoàn trên phà và ít nhất 103 người bị thiệt mạng hoặc mất tích. Trong hình là ba chiếc thuyền cứu sinh chở những người sống sót trôi nổi trên mặt nước, phía dưới là chiếc phà đã chìm hẳn xuống biển. Ảnh: AP |
|
Trong điều kiện thời tiết xấu, chiếc phà Skagit bị lật úp tại kênh Zanzibar, gần đảo Chumbe ở Tanzania, ngày 18/7/2012. Tổng cộng 293 người bị thiệt mạng. Ảnh: Maritimematters |
|
Tàu chở hàng Sulpicio Express 7, trong lúc đi qua con kênh hẹp tại thành phố Cebu, Philippines, đã đâm phải chiếc phà St. Thomas Aquinas di chuyển ngược chiều hôm 16/8/2013. Chiếc phà bị chìm trong 10 phút sau vụ va chạm, còn tàu chở hàng tuy bị hư hại nghiêm trọng vẫn về được bến neo. Khoảng 137 người thiệt mạng hoặc mất tích sau vụ tai nạn này. Trong hình là chiếc Sulpicio Express 7 với đầu mũi bị phá hủy, để lộ cả khung sắt bên trong. Ảnh: AP |
|
Chuyến phà Sewol chở hơn 450 người, trong đó có 325 học sinh cấp ba, tới đảo Jeju, Hàn Quốc, trong một chuyến dã ngoại của trường. Trên đường đi, Sewol bất ngờ bị nghiêng rồi lập úp trước khi chìm ngày hôm qua. Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc xác nhận 179 người được giải cứu, 290 người vẫn mất tích, và ít nhất 9 người thiệt mạng. Công cuộc tìm kiếm cứu nạn vẫn đang diễn ra. Ảnh: Reuters |