THAAD là hệ thống vũ khí rất tối tân nhưng nó cũng có nhiều hạn chế.
Những ngày gần đây khi Mỹ bố trí hệ thống ở Hàn Quốc, truyền thông Mỹ và một số nước bắt đầu tuyên truyền cho những tính năng ưu việt, ghê gớm của THAAD. Trong khi đó, truyền thông Nga và Trung Quốc liên tiếp đưa tin về sự phản đối chính thức của chính phủ họ đối với động thái của Mỹ.
Hai điều này vô tình làm cho người đọc tin vào sự lợi hại khủng khiếp của nó. Thực ra không hoàn toàn như vậy.
Trước tiên, phải khảng định đây là hệ thống vũ khí rất hiện đại mà Mỹ đã mất nhiều năm và tốn nhiều tỷ đô la để nghiên cứu thiết kế chế tạo. Có thông tin cho rằng giá xuất xưởng của tổ hợp này cỡ 3 tỷ USD nên nếu Trump đòi Hàn Quốc 1 tỷ thì còn rẻ chán. Nhưng Asin lại có huyệt ở gót chân.
THAAD không phát hiện và đánh chặn được mục tiêu bay thấp, điều này không phải do yếu kém của hệ thống mà là do chức năng thiết kế của nó, như tên gọi là để đánh chặn tầm cao (high altitude).
Hậu quả là, nó có thể bị tên lửa hành trình bay thấp tấn công và vô hiệu hóa, nhất là những tên lửa hành trình tầm ngắn vượt âm của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Nó cũng có thể bị máy bay bay thấp hay trực thăng bắn pháo, phóng tên lửa hay ném bom hủy diệt…
Hệ thống radar AN/TPY-2 của tổ hợp THAAD tích hợp hai loại radar là radar sục sạo bắt mục tiêu và radar điều khiển tên lửa đánh chặn mục tiêu. Đây là những radar có tầm hoạt động rất lớn (đến hàng nghìn km) nên nó là nguồn phát xạ sóng điện từ rất mạnh.
Song cũng chính vì thế, nó lại trở thành mục tiêu rất dễ lộ để đối phương có thể tấn công bằng tên lửa có đầu dò sóng điện từ.
Hơn nữa, đối phương cũng dễ dàng gây nhiễu hệ thống radar này bằng nhiều phương pháp, đơn giản nhất là tên lửa đạn đạo mang theo mục tiêu giả và khi bay đến vùng dự kiến bị radar phát hiện thì phóng nhiều mục tiêu giả ra và radar không phân biệt được, có thể bị nhầm;
Số lượng mục tiêu mà radar của THAAD, về mặt lý thuyết, có thể theo dõi đồng thời và tiêu diệt tương đối hạn chế (16 mục tiêu), trong khi đó đối phương có thể tấn công một lúc nhiều tên lửa đạn đạo và mỗi đầu đạn mẹ lại có thể đẻ ra nhiều đầu đạn con.
THAAD không có cách nào để chống trả sự tấn công của pháo binh bắn cấp tập hay của pháo phản lực bắn loạt mà hiện nay, những vũ khí này rất phổ biến, có tầm tác chiến ngày càng xa.
THAAD không thể làm gì nếu không có lực lượng chống lại các đợt tập kích của bộ binh đặc nhiệm đối phương hay của lực lượng khủng bố;
THAAD có hệ thống cáp nối rất lớn và có khả năng nối các thiết bị cách xa nhau đến 14 km. Đây là ưu việt của nó nhưng cũng là điểm rất dễ tổn thương.
Tóm lại, THAAD là hệ thống vũ khí rất tối tân, cô đọng rất nhiều trí tuệ và việc bố trí nó có thể làm mất cân bằng chiến lược dẫn đến chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém cho các bên, nhưng nó cũng có nhiều hạn chế mà nếu không bố trí nhiều lực lượng bảo vệ nó thì việc nó bị tổn thương là không tránh khỏi.