Bằng cách ấy, Trump vừa có đồng minh giúp Mỹ đối phó IS và Iran, lại vừa mang về cho Mỹ vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới ở khu vực.
Ở chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên là Ả rập Xê-út, tổng thống Mỹ Donald đã ký kết với Vua Ả rập Xê-út Salman thoả thuận về mua bán vũ khí giữa hai nước với mức độ có hiệu lực ngay là 110 tỷ USD và cho 9 năm tiếp theo là 240 tỷ USD.
Ông Trump ngợi ca đó là hợp đồng bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, đem lại an ninh cho Ả rập Xê-út và khu vực cũng như công ăn việc làm cho nước Mỹ. Trong ấy có cái đúng nhưng cũng có cái không đúng, lợi nhiều nhưng cũng lại tiềm ẩn hại không ít cho cả hai bên.
Ả rập Xê-út vốn là một trong những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ và đã từ rất lâu rồi là một trong những nước mua nhiều vũ khí nhất của Mỹ. Mỹ là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới, có nền công nghiệp quân sự phát triển và vì thế cũng có nhu cầu rất lớn và cấp thiết về bán vũ khí và thiết bị quân sự.
Hay nói cách khác, chỉ từ giác độ kinh tế thương mại thuần tuý thôi thì Mỹ có cái để bán và rất cần bán, từ giác độ chính trị thế giới thì có nhu cầu sử dụng buôn bán vũ khí để thực hiện ý đồ chiến lược.
Ả rập Xê-út không thiếu tiền và có nhu cầu tăng cường vũ trang để bảo vệ sự tồn tại của thể chế chính trị và theo đuổi những tham vọng ảnh hưởng ở khu vực và trong thế giới Ả rập.
Bên nào cũng có mưu tính riêng trong thoả thuận chung này.
Thật ra, phi vụ buôn bán vũ khí này có từ thời chính quyền Barack Obama ở Mỹ chứ không phải sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ mới có.
Trong hai nhiệm kỳ, ông Obama đã bán nhiều vũ khí và thiết bị quân sự hơn tất cả những người tiền nhiệm và Ả rập Xê-út luôn là một trong những khách sộp. Thời ấy, Mỹ và Ả rập Xê-út đã thoả thuận Mỹ bán vũ khí và thiết bị quân sự cho nước này trị giá 115 tỷ USD, tức là còn cao hơn cả thoả thuận mà ông Trump vừa ký kết.
Nhưng vì chính quyền Ả rập Xê-út làm chính quyền Obama không hài lòng về vi phạm dân chủ nhân quyền ở trong nước và thành lập liên quân đa quốc gia tiến hành chiến tranh nhằm vào người Houthi ở Yemen - để đẩy lùi ảnh hưởng của Iran gây thiệt hại nhiều đến dân thường ở nơi này - nên Mỹ chưa thực hiện thoả thuận này.
Ông Trump tiếp nhận cái cũ này, bổ sung thêm hai cái mới là bán cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và ý định về 9 năm tiếp theo với giá trị 240 tỷ USD. Nghe thì lớn vậy thôi chứ tính khả thi của nó đâu có được đảm bảo chắc chắn vì bản thân ông Trump rất hay thay đổi quan điểm và ông cũng đâu có thể cầm quyền mãi được ở nước Mỹ.
Phi vụ buôn bán vũ khí này là bộ phận trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Sau những gì đã xảy ra ở Iraq và Libya cũng như với bài học từ Afghanistan, Mỹ rất ngần ngại với việc trực tiếp gây chiến tranh và tham chiến ở khu vực. Ông Trump hiện coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là kẻ thù phải tiêu diệt và Iran là đối thủ phải đẩy lùi ảnh hưởng.
Chiến lược của Mỹ là cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho những kẻ khác như Ả rập Xê-út hay Israel để các nước này chống IS và Iran ở khu vực thay Mỹ và cho Mỹ.
Chỉ cần những nước này phục vụ lợi ích của Mỹ thì chính quyền ở đó muốn làm gì cũng được, như Ả rập Xê-út với dân chủ, nhân quyền ở trong nước và chiến tranh ở Yemen hay Israel với chính sách đối với Palestin. Cũng vì thế mà ông Trump tìm cách tập hợp các nước Ả rập và Hồi giáo thành một dạng "NATO Ả rập".
Trong chừng mực ấy, chặng dừng chân ở Ả rập Xê-út với việc ký kết thoả thuận nói trên và gặp gỡ lãnh đạo của gần 50 quốc gia Hồi giáo là thành công lớn của ông Trump.
Tác động đối nội của nó rất tích cực đối với ông Trump, cho dù bị ảnh hưởng cũng rất đáng kể bởi những chuyện liên quan đến mối quan hệ của ông Trump và cộng sự với Nga cũng như chuyện ông Trump sa thải giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI).
Ông Trump giúp nền công nghiệp quân sự Mỹ tiêu thụ được sản phẩm và khích lệ Ả rập Xê-út thực hiện ý định đầu tư 40 tỷ USD vào Mỹ. Dân Mỹ quan tâm hàng đầu đến những chuyện ấy.
Ông Trump cải thiện quan hệ của Mỹ với Ả rập Xê-út và Israel vốn không được tốt đẹp ở thời người tiền nhiệm, cải thiện được cả hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo. Bằng cách ấy, ông Trump vừa có đồng minh thay Mỹ và giúp Mỹ đối phó IS và Iran, lại vừa có được cho Mỹ vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới ở khu vực.
Ả rập Xê-út cần cái bóng và vũ trang của Mỹ để đối phó Iran và ganh đua về tiềm lực quân sự với Israel, vươn tới vai trò lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo, thế giới Ả rập và ở khu vực, biến Mỹ thành đồng minh của phe Sunni trong cuộc đối đầu với phe Shiite và bảo vệ nền quân chủ.
Tăng cường vũ trang như thế có đem lại được hoà bình, an ninh và ổn định cho Ả rập Xê-út và khu vực hay không lại là chuyện khác. Và cả việc Mỹ có thực hiện được ý đồ chiến lược mới xác định lại này hay không ở nơi đây cũng là chuyện khác. Hạ hồi mới phân giải.