Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những tên lửa phòng không từng bắn rơi máy bay chở khách

(DS&PL) -

Lịch sử đã ghi nhận một số vụ máy bay chở khách bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không, tương tự như giả thiết được đặt ra cho vụ MH17.

Lịch sử đã ghi nhận một số vụ máy bay chở khách bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không, tương tự như giả thiết được đặt ra cho vụ MH17.
Sự kiện chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia Airlines gặp nạn ngày 17/7 đã khiến cả thế giới rúng động. Các giả thiết hiện tại đều nghiêng về khả năng chiếc máy bay số hiệu MH17 bị tên lửa bắn rơi, phần lớn nhận định đó là tên lửa đất đối không như hệ thống Buk-M1, cũng có một số ít cho rằng đó là hệ thống tên lửa phòng không vác vai dù khả năng này rất thấp.
Đây không phải lần đầu tiên một máy bay chở khách dân sự bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không trong lịch sử hàng không. Dưới đây là tổng hợp một số vụ máy bay chở khách bị tên lửa phòng không bắn rơi:
1. S-200
Một chiếc máy bay mang số hiệu 1812 của Hãng hàng không Siberia Airlines đã bị quân đội Ukraine bắn rơi vào ngày 04/10/2001 trên vùng trời bán đảo Crimea. Trên chiếc Tu-154 khi đó có 66 hành khánh cùng 12 người thuộc phi hành đoàn và tất cả đều thiệt mạng. 

Tên lửa S-200.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do chiếc máy bay Tu-154 số hiệu 1812 đã bay qua khu vực mà quân đội Ukraine đang tập trận phòng không. Một tên lửa S-200 đã được phóng đi nhằm tiêu diệt 1 mục tiêu giả định, tuy nhiên người ta đã không nhận ra rằng mục tiêu giả định này đã bị tiêu diệt bởi tên lửa S-300 trước đó. Quả tên lửa S-200 thay vì tự hủy sau khi không tìm ra mục tiêu đã tự động bám bắt vào chiếc máy bay số hiệu 1812 đang bay gần ở khu vực đó.
Phía Ukraine ban đầu từ chối nhận trách nhiệm về sự việc này nhưng sau đó các quan chức Ukraine đã lên tiếng xác nhận việc tên lửa đất đối không của Quân đội Ukraine đã bắn rơi chiếc máy bay. Sau sự việc này, phía Ukraine đã cấm tất cả các cuộc thử nghiệm với các hệ thống Buk, S-300 cũng như các hệ thống phòng không tương tự trong vòng 7 năm.
S-200 là hệ thống phòng không tầm xa được Liên Xô bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1967. Đây là hệ thống phòng không tầm xa nhất vào thời điểm nó ra đời, một số mẫu tên lửa của hệ thống S-200 có tầm bắn lên đến 300km, tốc độ 2.500m/s.
2. Strela-2
Ngày 03/09/1978, một chiếc máy bay chở khách Vickers Viscount mang số hiệu 825 của Hãng hàng không Air Rhodesia trong khi đang thực hiện hành trình bay từ Kariba đến Salisbury đã bị bắn hạ bởi tên lửa Strela-2 của lực lượng dân quân thuộc quân đội cách mạng nhân dân Zimbabwe (ZIPRA), hậu quả là chỉ có 18 trên tổng số 56 hành khách của chuyến bay sống sót sau khi máy bay thực hiện hạ cánh khẩn cấp, nhưng sau đó đã có 10 người bị giết bởi lực lượng dân quân.

Tên lửa phòng không vác vai Strela-2.

Chỉ 5 tháng sau đó, thêm 1 chiếc Vickers Viscount khác của Hãng hàng không Air Rhodesia mang số hiệu 827 thực hiện hành trình bay tương tự như chiếc mang số hiệu 825 đã bị bắn hạ ngay sau khi cất cánh bởi 1 tên lửa Strela-2 thuộc lực lượng ZIPRA, lần này toàn bộ 55 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Một vụ việc tương tự liên quan đến tên lửa Strela-2 là vào ngày 10/10/1998, một chiếc Boeing 727 của Hãng hàng không Lignes Aériennes Congolaises (LAC) của Cộng hòa Dân chủ Congo đã bị lực lượng phiến quân sử dụng tên lửa Strela-2 bắn hạ tại khu vực Kindu (Congo) làm tất cả 41 người trên máy bay thiệt mạng.
Tên lửa 9K32 Strela-2 (NATO định danh là SA-5) là dòng tên lửa phòng không vác vai thế hệ đầu tiên do Liên Xô chế tạo. Tên lửa Srela-2 có chiều dài 1,44m, đường kính 72mm, khối lượng cả ống phóng và tên lửa là 15kg (phù hợp trang bị cho từng người). Tên lửa có tầm bắn tối đa 3.700m, độ cao 50-1.500m, tốc độ 430 m/s, sử dụng đầu nổ phá mảnh.
3. Tên lửa SM-2MR

Tên lửa SM-2MR

Ngày 03/07/1988, chiếc máy bay Airbus A300 B2-203 mang số hiệu 665 của hãng hàng không Iran Air bị bắn rơi bởi 2 tên lửa SM-2MR phóng đi từ tuần dương hạm USS Vincennes. Tất cả 290 hành khách, trong đó có 66 trẻ em và 16 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng trong vụ việc này, đây cũng là thảm họa hàng không gây thiệt hại lớn thứ 10 trong các tai nạn hàng không thảm khốc trong lịch sử. Điểm đáng chú ý là chiếc máy bay đã bị bắn rơi ngay trong khu vực vùng biển thuộc chủ quyền của Iran.
Nguyên nhân dẫn đến sự kiện bi thảm này là do thủy thủ đoàn của tuần dương hạm USS Vincennes đã nhầm chiếc máy bay số hiệu 665 với máy bay chiến đấu F-14 của Iran. Họ đã quyết định sử dụng tên lửa SM-2MR để tiêu diệt sau mọi nỗ lực liên lạc với máy bay đều bất thành.

Tin nổi bật