Ở thế kỉ XX, các cường quốc hải quân trên thế giới đã chạy đua để chế tạo ra những chiếc tàu chiến hiện đại và có sức mạnh vượt trội trước đối phương, nhằm tạo ra ưu thế trên biển. Có những mẫu tàu chiến tạo nên thành công vang dội và được sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên cũng có những thiết kế độc đáo và không đạt được hiệu quả. Dưới đây là những mẫu tàu chiến kỳ lạ và vĩ đại nhất từng được chế tạo trong lịch sử hiện đại.
Thiết giáp hạm Ise và Hyuga
Việc Hải quân Đế quốc Nhật Bản mất bốn tàu sân bay trong trận Midway trong Thế chiến thứ 2 đã gây tổn thất lớn cho hạm đội tàu sân bay của nước này. Tệ hơn nữa, sự thất bại của Nhật Bản xảy ra vào thời điểm Hải quân Mỹ đang hạ thủy các tàu sân bay mới với tốc độ chóng mặt. Khi đó, Nhật Bản đang cần gấp các tàu sân bay mới và họ chọn giải pháp là biến một số tàu chiến cũ thành những chiếc tàu sân bay "nửa vời".
Thiết giáp hạm Ise và “tàu chị em” của nó là Hyuga được chọn để cải biến. Hai thiết giáp hạm dài hơn 220m ban đầu được trang bị 12 khẩu pháo 350mm, trên sáu tháp pháo. Quá trình chuyển đổi đã loại bỏ hai tháp pháo ở phía sau, thay thế chúng bằng một nhà chứa máy bay và hai máy phóng. Mỗi chiếc có thể mang theo tối đa 22 máy bay trinh sát và tấn công.
Cả hai chiếc tàu sân bay “bất đắc dĩ” này đều không thực hiện được bất kỳ cuộc tấn công nào đáng chú ý và cả hai đều bị đánh chìm vào cuối chiến tranh.
Bài học rút ra từ việc chuyển đổi của Nhật Bản là khiến những con tàu trở nên tầm thường và đi vai trò của nó. Vào những năm 1980, khi Hải quân Mỹ chuẩn bị tái kích hoạt 4 thiết giáp hạm lớp Iowa, một đề xuất đã được đưa ra là tháo bỏ các tháp pháo hướng về phía sau và thay thế chúng bằng các đường dốc trượt tuyết dành cho máy bay chiến đấu phản lực Harrier hoặc các hầm chứa tên lửa. Tuy nhiên ý tưởng này đã không bao giờ diễn ra.
Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre
Một trong những con tàu kỳ lạ nhất hiện đang được sử dụng trên thế giới là chiếc BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines. BRP Sierra Madre là chiếc tàu đổ bộ, được thiết kế để có thể tiến sát vào bờ biển sau đó thả xe tăng, xe tải và các thiết bị hạng nặng khác lên bãi biển. BRP Sierra Madre đã phục vụ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Ngày 12/10/1970, Mỹ chuyển giao tàu USS Harnett County cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa theo Chương trình Hỗ trợ An ninh và đổi tên thành RVNS Mỹ Tho HQ-800. Sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, RVNS Mỹ Tho là một trong những chiếc tàu của Hải quân Việt Nam Cộng hòa di tản đến Vịnh Subic.
Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre.
Sau khi rời khỏi Việt Nam, vào ngày 05/4/1976, chính phủ Mỹ chuyển giao USS Harnett County cho Hải quân Philippines và tàu mang tên mới là BRP Sierra Madre LT-57. Năm 1999, chính phủ Philippines đã cố tình để BRP Sierra Madre bị mắc cạn trái phép trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), nhằm biến con tàu thành một tiền đồn của Thủy quân lục chiến Philippines, để khẳng định chủ quyền của Philippines.
Kể từ đó, con tàu rỉ sét, cũ kỹ này đã trở thành tiền đồn cho một số binh lính thủy quân lục chiến Philippines đồn trú.
USS Nautilus của Mỹ
Quốc hội Mỹ đã cho phép chế tạo chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới vào năm 1951. Và vào năm 1954, đệ nhất phu nhân Mỹ Mamie Eisenhower đã làm lễ rửa tội cho nó.
Tàu ngầm Nautilus của Mỹ.
Nautilus đã thay đổi hoàn toàn chiến tranh hải quân, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho tàu chiến. Chiếc tàu ngầm này có thể ẩn mình giữa đáy đại dương mà không bị phát hiện, đồng thời đóng góp đáng kể vào chiến tranh trên mặt nước với tên lửa hành trình, ngư lôi, hoặc thậm chí mang cả vũ khí hạt nhân.
HMS Dreadnought của Anh
HMS Dreadnought đã mở ra một kỷ nguyên mới của tàu chiến hạng nặng. Không giống như các thiết giáp hạm trước đó, Dreadnought chỉ có các loại pháo 300mm được hỗ trợ bởi thiết bị dò tìm điện tử. Để phòng thủ, con tàu này được bọc hoàn toàn bằng thép.
Tàu HMS Dreadnought của Anh.
Dreadnought sở hữu một bộ công nghệ tiên tiến đến mức người ta thường nói rằng, nó đã lấy tất cả những điểm mạnh của các thế hệ tàu chiến trước đó. Mặc dù Dreadnought không có thành tích phục vụ nổi bật, nhưng nó là thiết giáp hạm duy nhất đánh chìm được tàu ngầm.
Tàu Rùa của Hàn Quốc
Tàu Rùa Hàn Quốc đã phục vụ hải quân Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ. Lần đầu tiên xuất hiện của chiến thuyền này là trong chiến tranh 7 năm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản (1592-1598).
Tàu Rùa của Hàn Quốc.
Tàu Rùa là cung cấp một pháo đài nổi không thể xuyên thủng được tối ưu hóa để tránh quân đội tràn lên chiếm tàu. Bên mạn tàu có nhiều lỗ thủng để thủy thủ đoàn có thể bắn đại bác và các loại pháo khác, trong khi phần đầu tàu được bao phủ bởi gai sắt, đặc biệt nguy hiểm cho thủy thủ đối phương khi cố gắng lên tàu. Với 80 tay chèo kéo theo chiếc thuyền hạng nặng, tàu Rùa là chiến thuyền cổ duy nhất được đưa vào danh sách này.
Nhật Minh (T/h)