Theo báo Vietnamnet, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Đức (Đà Nẵng) do đã có hành vi tạo cung cầu giả tạo, làm giá cổ phiếu.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 4/1/2022 - 17/6/2022, ông Nguyễn Hữu Đức đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản khác của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của CTCP Địa ốc First Real (mã chứng khoán: FIR) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.
Do đó, ông Nguyễn Hữu Đức bị xử phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm, kể từ ngày 8/11/2023. Đồng thời, ông cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm.
Theo thông tin trên tạp chí Nhà đầu tư, trước đó, bà Nguyễn Thị Thơm cũng nhận án phạt tương tự khi có hành vi làm giá cổ phiếu BNA của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc.
Điều chung của cả 2 trường hợp nêu trên là UBCKNN đều cho biết, kết quả kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của bà Thơm và ông Đức cho thấy không có khoản thu trái pháp luật.
Cổ phiếu FIR tăng mạnh trong thời gian có hành vi thao túng của ông Đức xảy ra. Ảnh: Tiền Phong
Nhìn lại diễn biến cổ phiếu vào khoảng thời gian bị thao túng giá, điểm trùng hợp thú vị là cả FIR và BNA đều tăng giá rất mạnh kèm việc doanh nghiệp triển khai phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Cụ thể, cổ phiếu FIR bị thao túng giá từ ngày 4/1/2022 đến ngày 17/6/2022. Đây thời điểm doanh nghiệp triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông. Cụ thể, cuối năm 2021, Địa ốc First Real công bố phương án chào bán 13,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2:1. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá FIR thời điểm đó ở vùng 40.000 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, tại thời điểm chốt quyền chào bán (13/5/2022), công ty thực hiện trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%. Kết hợp với việc cổ phiếu tiếp tục tăng từ vùng 40.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 56.700 đồng/cổ phiếu khiến cho mức giá công ty chào bán cho cổ đông hiện hữu 15.000 đồng/cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn. Kết quả, phương án huy động vốn được hoàn tất vào giữa tháng 6/2022, tỷ lệ cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua là 99%.
Mô típ tương tự cũng bắt gặp tại trường hợp cổ phiếu BNA của Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc. Mã BNA bị làm giá từ 12/10/2020 đến 6/10/2021, tức ngay từ thời điểm mới được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cổ phiếu đã bị làm giá.
Trong khoảng thời gian này, công ty chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn mạnh từ 80 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng thông qua thưởng cổ phiếu (20%), chia cổ tức cổ phiếu (30%) và chào bán cho cổ đông (100%) giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Các phương án được thực hiện đồng thời và chốt danh sách cổ đông cùng 1 ngày (8/10/2021).
Doanh nghiệp đưa ra giá chào bán chỉ 20.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá BNA tại ngày chốt quyền đạt 68.000 đồng/cổ phiếu gấp 3,4 lần trong vòng 1 năm. Kết quả, 98,6% cổ phiếu đã được cổ đông hiện hữu mua hết và chỉ 1,77% phân phối cho đối tượng khác. Thời điểm kết thúc đợt chào bán là 19/11/2021.
Vân Anh (T/h)