Trải qua một thời gian dài thay đổi và phát triển, những vũ khí chiến tranh từ thời cổ đại vẫn khiến hậu thế không khỏi kinh ngạc.
Xuyên suốt lịch sử được ghi lại, và có lẽ là cả trước đó, chiến tranh luôn là một phần trong quá trình phát triển của con người. Chiến thuật, chiến lược và vũ khí chiến tranh đã đi một chặng đường dài từ thời cổ đại cho đến nay, nhưng người ta vẫn không thể phủ nhận sự khéo léo của các nền văn minh cổ đại trong việc tạo ra vũ khí nguy hiểm chỉ với những vật liệu đơn giản.
Dưới đây là 5 loại vũ khí được cho là nguy hiểm nhất trong thế giới cổ đại:
1. Cái móc của Acsimet
Cơ chế hoạt động của cái móc của Acsimet. Ảnh: Getty |
Còn được gọi là "Bàn tay sắt", cái móc của Acsimet là một vũ khí cổ xưa, được cho là đã được sử dụng trong Chiến tranh Punic lần thứ 2 vào năm 214 TCN, khi Cộng hòa La Mã tấn công Syracuse với một đội 60 chiến thuyền hạng nặng chủ yếu dùng ở thời kỳ Hy Lạp hóa. Acsimet đã thiết kế một vài chiếc máy này để phòng ngự phần bờ biển của thành phố Syracus trước sự tấn công đổ bộ của thủy quân La Mã.
Mặc dù không thực rõ “cái móc của Acsimet” hoạt động như thế nào, các sử gia cổ đại mô tả nó có một chiếc cần cẩu và móc neo có thể nâng tàu địch lên khỏi mặt nước, và sau đó đột ngột thả chiếc tàu ra cho rơi xuống hoặc lật nhào. Quân Hy Lạp triển khai loại máy này khi các hạm đội quân La Mã tiến sát tường thành của Syracuse vào ban đêm, và họ đã nhấn chìm nhiều chiến thuyền của quân La Mã khiến họ phải chùn bước. Các nhà sử học như Livy (người La Mã) cho rằng thất bại nặng nề của quân La Mã là do cái móc Acsimet phát minh ra.
2. Tháp công thành Helepolis
Tháp công thành của người Hy Lạp. Ảnh: Getty |
Tháp công thành, người Hi Lạp gọi là Helepolis, đã từng được sử dụng trong các trận chiến ở Hi Lạp từ những năm 300 TCN. Về cơ bản nó là một tháp có hình chữ nhật lớn, cao khoảng 41,1 mét và rộng 20,6 mét, được đẩy vào trận chiến bằng tay. Nó được đặt trên 8 bánh xe, mỗi bánh có chiều cao 4,6 mét và được trang bị kỹ thuật cho phép di chuyển trực tiếp. Tháp nặng 160 tấn và cần tới 3.400 người đàn ông làm việc trong các rơ-le để di chuyển.
Helepolis nổi tiếng nhất được phát minh bởi Polyidus của Thessaly và được cải thiện bởi Demetrius I của Macedon và Epimachus của Athens cho cuộc bao vây Rhodes năm 305 TCN.
3. Máy bắn tên Hwacha
Máy bắn tên của người Triều Tiên. Ảnh: Getty |
Hwacha là một loại máy thô sơ có thể bắn nhiều tên một lúc, được chế tạo ở Triều Tiên. Lúc đầu nó là một loại vũ khí biên phòng nhưng về sau cũng được đưa ra chiến trường. Loại này có 2 bánh xe và tấm bảng “lên đạn” với các lỗ như hình trên. Mỗi lỗ sẽ được dùng để phóng “singijeon”, tạm dịch là “những mũi tên máy phép thuật.” Những mũi tên này được đẩy bởi thuốc súng gắn vào trục. Phiên bản đầu tiên bắn được 100 mũi tên mỗi lần phóng, nhưng sau đó được cải thiện để bắn 200 mũi tên cùng lúc.
Trong thập kỷ cuối của thế kỷ 16, bán đảo Triều Tiên đã bị đe dọa bởi lực lượng Toyotomi Hideyoshi từ Nhật Bản. Một trong những chiến thắng lớn nhất mà người Triều Tiên đạt được trong Chiến tranh Imjin là Trận Haengju, diễn ra vào ngày 12/2/1593. Theo hồ sơ lịch sử, đây là trận chiến của 3.000 người Triều Tiên bảo vệ một pháo đài trên đỉnh đồi chống lại một đội quân gồm 30.000 binh sĩ Nhật Bản. Mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch đáng kinh ngạc song người Triều Tiên vẫn giành chiến thắng khi sử dụng khoảng 40 Hwacha.
4. Vũ khí tia nhiệt của Acsimet
Tia nhiệt hay còn gọi là "Tia chết" là phát minh của Acsimet. Ảnh: Getty |
Các nhà sử học Hy Lạp và La Mã cổ đại đã ghi lại rằng tại cuộc bao vây Syracuse trong Chiến tranh Punic lần thứ 2, Acsimet cũng chế tạo ra loại vũ khí tia nhiệt, còn gọi là "tia chết" để tiêu diệt những tàu chiến tấn công. "Tia chết" này được cho là đã hoạt động bằng cách tập trung các tia nắng Mặt Trời phản chiếu từ khiên đồng, sau đó khiến đối phương bốc cháy.
Phiên bản thay thế của vũ khí này là một tấm gương parabol đơn, lớn, tương tự như khái niệm hiện đại của một khẩu súng laser, thiêu đốt bất cứ thứ gì nó nhắm vào.
Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc vũ khí tia nhiệt có thực sự tồn tại. Năm 1973, nhà khoa học người Hy Lạp Ioannis Sakkas cho dựng 70 tấm gương phủ đồng chiếu vào một mô hình tàu chiến La Mã làm bằng gỗ dán ở cách đó 50 m. Khi ánh sáng phản chiếu từ các tấm gương hội tụ vào con tàu, nó bốc cháy. Đến năm 2005, một nhóm sinh viên từ Viện Công nghệ Massachusettes, Mỹ cũng mô phỏng thành công vũ khí cổ đại này. Họ sử dụng những mảnh gương hình vuông đốt cháy một con thuyền ở cảng San Francisco.
5. Súng lửa Hy Lạp
Súng lửa Hy Lạp có sức mạnh như vũ khí hủy diệt vì ngọn lửa rất khó kiểm soát. Ảnh: Getty |
Súng lửa Hy Lạp xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học là một loại vũ khí được phát minh vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên bởi Đế quốc Byzantine. Theo nhà sử học Theophanes, nó được phát minh bởi kiến trúc sư Hy Lạp Kallinikos, một cựu cư dân của Heliopolis cư trú tại Baalbeck. Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn còn rất nhiều nghi vấn, với một số sử gia tin rằng súng lửa Hy Lạp thực sự được phát hiện tại Constantinople bởi một nhóm các nhà hóa học từ trường Alexandria.
Siêu vũ khí này là một loại chất lỏng dính đặc biệt được sử dụng trong các trận bao vây trên đất liền và các trận hải chiến. Những người lính sẽ đổ nó vào những cái bình rồi dùng máy bắn đá ném vào tàu địch hoặc dùng vòi để phun rồi nó tự bốc cháy. Ấn tượng hơn, súng lửa Hy Lạp mạnh đến nỗi có đủ khả năng cháy trên mặt nước và gần như không thể dập tắt.
Vũ khí mạnh mẽ này đã tạo cho Byzantines một lợi thế hơn kẻ thù của họ trong chiến tranh và là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ của đế quốc. Tuy nhiên, nó cũng là một loại vũ khí 2 lưỡi vì nếu sử dụng không cẩn thận, họ cũng có thể tự đốt cháy quân đội của mình bằng ngọn lửa.
Công thức chính xác để tạo ra súng lửa Hy Lạp đã mất từ lâu cùng với sự sụp đổ của đế chế, mặc dù có nhiều bản sao trong những thế kỷ sau nhưng không thể tái tạo hoàn toàn. Theo nhiều sử gia và chuyên gia, súng lửa Hy Lạp nguyên thủy có thể chứa các thành phần như dầu thô, bitum, naphta, nhựa và lưu huỳnh. Việc sử dụng nó đòi hỏi rất thận trọng và kỹ năng kỹ thuật mà chỉ những binh sĩ được tuyển chọn đặc biệt, trải qua huấn luyện nghiêm khắc mới có thể sử dụng trong các trận đánh.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Beyond Sciencetv)