Tình hình chiến sự Syria có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là những hành động tấn công qua lại liên tiếp của các quốc gia bên ngoài như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Hôm 24/7, hệ thống đánh chặn của Israel đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria vì nghi ngờ máy bay tấn công vào Cao nguyên Golan – khu vực do Israel kiểm soát.
Đây trở thành trường hợp mới nhất trong đó các đối thủ quốc tế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có hành động nhằm vào lực lượng quân đội của ông.
Israel đã giành quyền kiểm soát Cao nguyên Golan từ năm 1967 mà không có sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
Mới đây, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố họ đã phóng tên lửa không đối không MIM-104 Patriot vào một chiến đấu cơ Sukhoi của Syria khi phát hiện máy bay cách Cao nguyên Golan khoảng gần 2km.
Trong khi đó, phía Syria tuyên bố họ chỉ điều chiến đấu cơ tấn công một nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động gần khu phi quân sự do Israel quản lý.
Máy bay Israel tấn công Syria. Ảnh: Getty |
"Đã có sự leo thang xung đột trong cuộc nội chiến Syria kể từ sáng 24/7. IDF đang cảnh giác cao độ và sẽ tiếp tục hoạt động chống lại sự vi phạm đối với Hiệp định phân tách lực lượng năm 1974", phát ngôn viên IDF viết trên Twitter.
Ngoài ra, phía Israel khẳng định cũng đã ban hành những lời cảnh báo và thông điệp qua các kênh khác nhau, bằng nhiều ngôn ngữ với tấn xuất nhiều lần một ngày để tránh có sự hiểu lầm hoặc xung đột không cần thiết.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Syria đã cáo buộc Israel giúp đỡ các chiến binh IS: “Israel đã ủng hộ các nhóm khủng bố vũ trang và tấn công một trong những máy bay chiến đấu của chúng tôi khi máy bay này đang bắn phá các mục tiêu khủng bố ở khu vực Sidon, vùng ngoại ô Wadi Yarmouk thuộc không phận Syria".
Trích dẫn các nguồn tin quân sự Syria, tờ Sputnik của Nga xác nhận 1 trong 2 phi công của chiếc Sukhoi Su-22 là Đại tá Omran Muri đã thiệt mạng sau khi bị Israel tấn công. Số phận của phi công còn lại vẫn chưa được công bố.
Nội chiến Syria đã kéo dài hơn 7 năm, với sự tham gia của nhiều lực lượng từ bên ngoài đất nước. Ảnh: Getty |
Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng leo thang trên khu vực biên giới vốn là địa điểm xảy ra 3 cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ 20. Khi quân đội chính phủ Syria bắt đầu khai hỏa với phiến quân và các lực lượng khủng bố vào năm 2011, Israel khẳng định sẽ không bao giờ can thiệp vào cuộc chiến, miễn là đối thủ Iran của họ cũng không tham gia.
Trên thực tế, Israel đã từng bắn rơi một số máy bay không người lái của Syria trên Cao nguyên Golan. Chiều ngược lại, hồi tháng 2/2018, một chiếc F-16 của Israel đã bay vào không phận Syria để tiến hành các cuộc không kích, sau đó bị bắn rơi bởi hỏa lực phòng không Syria.
Lực lượng không quân Syria cũng phải đối phó với sự can thiệp của các máy bay ngoại quốc khác. Vào đầu cuộc chiến, hệ thống phòng không của Syria từng bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát F-4 Phantom II của Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2012). Một năm sau, chiếc F-16 khác của Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn hạ trực thăng Mil Mi-17 của Syria. Trong cả hai trường hợp, 2 quốc gia đều cáo buộc nhau vi phạm không phận.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắn rơi một chiếc MiG-23 của Syria vào tháng 3/2014. Chiếc máy bay thứ 2 của Syria rơi xuống vào tháng 5/2015 với cáo buộc vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 9/2015, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắn hạ một chiếc Sukhoi Su-24M của Nga ở miền Bắc Syria.
Mỹ và liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tham chiến ở Syria từ năm 2014. Lầu Năm Góc khẳng định lực lượng của họ chỉ nhằm tiêu diệt các tổ chức khủng bố đang hoành hành ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, sau đó Mỹ cũng không ngần ngại thừa nhận họ ủng hộ các nhóm phiến quân “ôn hòa” nhằm lật đổ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vào năm 2017, Mỹ đã bắn rơi một chiếc Su-22 của Syria bay gần Raqqa, miền Bắc đất nước. Vụ việc đã vấp phải một phản ứng gay gắt từ Nga, đe dọa sẽ coi các máy bay Mỹ đồng minh là "các mục tiêu trên không" nếu họ tiếp tục vi phạm phạm vi hoạt động.
Trên thực tế, cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel đều hoạt động “bất hợp pháp” ở Syria vì không nhận được sự cho phép của Damascus. Trong khi đó, Nga và Iran lại là những đồng minh thân cận của chính phủ Tổng thống Assad.
Bất chấp những cuộc tấn công từ phía bên ngoài, sự ủng hộ của Nga và Iran đã giúp quân đội Syria từng bước áp sát, giành lại những khu vực do phiến quân hoặc khủng bố chiếm đóng trước đó. Gần đây, những chiến thắng trên khắp các tỉnh phía Tây Nam như Daraa và Quneitra đã làm dấy lên hi vọng về một nền hòa bình không xa ở Syria.
Mặc dù hiện nay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập các đồn quan sát xung quanh khu vực được kiểm soát nhiều nhất, nhưng chính phủ Syria tuyên bố sẽ sớm chiếm lại và kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quân đội Mỹ rút lui ngay lập tức.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Newsweek)