Trong quả ớt chứa nhiều các vitamin, khoáng chất, hỗn hợp alkaloid có lợi cho sức khỏe của bạn. Chất capsaicin chính là thành phần đem lại vị cay hăng của loại quả này. Ngoài ra, ớt cũng chứa kali, mangan, magie, vitamin B và sắt, không chỉ là loại gia vị làm tăng hương vị các món ăn của bạn, mà còn nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Tác dụng của quả ớt đối với sức khỏe
Tăng tốc độ trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ớt có thể làm tăng quá trình trao đổi chất và giảm cảm giác thèm ăn, đồng thời còn có thể kích thích cơ thể tiêu hao năng lượng bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể, kích hoạt dây thần kinh giao cảm và khiến mỡ nâu trong cơ thể sinh nhiệt.
Theo dữ liệu dịch tễ học hiện nay, tỷ lệ béo phì thấp hơn liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm chứa capsaicin. Dựa trên nhiều bằng chứng lâm sàng khác nhau, nó cũng truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu sử dụng capsaicin để phát triển thuốc giảm cân.
Những người không nên ăn ớt kẻo mang bệnh vào người.
Tạo ra chất giảm đau
Trong ớt có chất capsaicin tạo ra vị cay và kích ứng niêm mạc của vị trí ớt tiếp xúc. Khi niêm mạc bị kích ứng sẽ gửi thông tin về não và não bộ sẽ gửi tín hiệu cho cơ thể tạo ra nhiều chất khác nhau trong đó có endorphin là một chất giảm đau. Đây là lý do nhiều người ăn ớt có cảm giác cay tê tái là như vậy. Không phải ớt quá cay làm cơ thể "tê tái" mà do cơ thể sinh ra một số chất giảm đau để bảo vệ cơ thể.
Một nghiên cứu cho thấy rằng khi 2,5 gram ớt đỏ được cung cấp hàng ngày cho những người bị ợ nóng, cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi bắt đầu điều trị 5 tuần nhưng được cải thiện theo thời gian.
Y học hiện đại đang nghiên cứu các thành phần trong ớt để tạo ra các chất giảm đau. Loại ớt cay nhất thế giới hiện nay với độ cay 2,48 triệu độ SHU. Loại ớt này là sản phẩm lai tạo nhằm mục đích y học chứ không phải để ăn.
Duy trì sức khỏe tim mạch
Capsaicin có lợi trong việc tăng cường sức khỏe mạch máu, gồm khả năng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như xơ vữa động mạch, cơ tim phì đại, tăng huyết áp và đột quỵ. Ngoài ra, nguy cơ tử vong do bệnh tim cũng giảm đáng kể.
Một nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn thức ăn cay (hơn 5 lần một tuần) nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) cao hơn đáng kể so với những người không ăn thức ăn cay.
Làm chậm quá trình lão hóa
Trong thành phần của ớt có giàu chất chống oxy hóa (antioxydants) như vitamin A, vitamin C... cần thiết cho sự tổng hợp collagen, làm cho tiến trình lão hóa chậm lại.
Nhìn chung, ớt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, có một số đối tượng cần phải kiêng ăn ớt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh ung thư
Nhiều nghiên cứu cho hay, capsaicin có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và tiêu diệt tế bào ung thư, được coi là chất chống ung thư tiềm năng và tác dụng chống lại các loại khối u ác tính khác nhau như ung thư ruột kết, ung thư bàng quang, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Trong số đó, một nghiên cứu trên chuột được thực hiện bởi Đại học California, Los Angeles cho thấy, điều trị bằng capsaicin không chỉ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt mà còn không gây hại cho các tế bào bình thường và khỏe mạnh ban đầu.
Những người không nên ăn ớt kẻo mang bệnh vào người.
Những ai không nên ăn ớt
Người bị trĩ
Người bị trĩ ngoại hay trĩ nội đều không nên ăn cay. Việc ăn cay có thể khiến các búi trĩ sưng to và gây đau rát hơn bình thường.
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú
Theo khoa học thì ăn nhiều ớt khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho trẻ sau này. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, cơ thể mẹ sẽ bị nóng, con có thể khó ngủ, hay quấy khóc.
Người bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật
Chất kích thích có trong ớt sẽ làm tăng dịch vị trong dạ dày. Dịch vị tiết ra quá nhiều khiến túi gan co lại, khi đó dịch gan tiết ra khó khăn hơn dẫn đến viêm gan và tuyến tuỵ.
Người bị viêm da, người có nhiều mụn
Vị cay của ớt gây nóng trong, do đó những người bị viêm da hay nổi mụn thì không nên ăn loại gia vị này bởi nó sẽ khiến tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.
Người bị cường giáp
Nhịp tim của những người mắc bệnh cường giáp sẽ nhanh hơn so với người bình thường, vì thế nếu ăn cay thì sẽ làm cho tim đập nhanh, nhịp tim tăng lên và sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Sau phẫu thuật, có vết thương
Sau phẫu thuật, người bệnh cần có thời gian để lành vết thương do đó cần hết sức tránh những thực phẩm cay, nóng. Trong khi ớt lại có tính nóng, dễ gây lở loét, nóng rát khi ăn nhiều. Vì vậy, bạn nên sử dụng lượng ớt vừa phải sau phẫu thuật, tốt nhất là không nên ăn trong thời gian này để tránh những biến chứng sau phẫu thuật không đáng có.
Người mắc bệnh thận
Các chất khi đưa vào cơ thể đều phải thông qua thận để thải ra ngoài, chính vì vậy nếu ăn quá cay sẽ gây tổn thương ít nhiều đến tế bào thận, nghiêm trọng hơn còn gây thoái hóa chức năng thận.
Vì vậy, người mắc bệnh thận nên thận trọng khi ăn các gia vị cay như ớt, tiêu, hành, gừng, tỏi, mù tạt v.v… Các thực phẩm này đều chứa thành phần có tính cay gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thận trong cơ thể.
Những người không nên ăn ớt kẻo mang bệnh vào người.
Tuyệt đối không nên ăn ớt bột bị mốc hoặc ớt nhuộm phẩm màu
Ngoài ớt tươi thì ớt bột hay còn gọi là ớt khô được sử dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, nếu ớt bột bị ẩm thì có thể có nấm mốc bên trong. Các loại nấm mốc phát triển trong bột ớt đã được xác định là có khả năng gây ung thư cho con người khi ăn nhiều. Nếu thấy bột ớt có mùi lạ hoặc đã bị ẩm thì nên bỏ đi là tốt nhất.
Một lưu ý nhỏ khác, bột ớt cũng từng được phát hiện được nhuộm phẩm màu để có màu đẹp, bảo quản được lâu, chống ẩm mốc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì thế, khi mua bột ớt các bạn nên chọn các loại bột ớt có màu sắc, mùi vị tự nhiên để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Như Quỳnh (T/h)