Ngày 23 tháng Chạp là cột mốc thời gian báo hiệu Tết đã đến rất gần. Sau khi đốt giấy tiền, vàng mã đưa ông Công ông Táo về trời, các gia đình Việt bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để mời ông bà về ăn Tết.
Từ sáng sớm hôm nay, người dân đã bắt đầu phóng sinh cá để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Dân gian quan niệm rằng, Ông Táo gồm bộ ba là: Táo quân, Táo bà và Táo tướng. Việc cúng ông Công ông Táo là dịp để các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời, báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vào ngày 23 tháng Chạp, gia chủ sẽ bày mâm cúng, và đặt cá chép ở chậu trước chỗ bàn thờ ông Táo. Trong lúc cúng hoặc cúng xong, người dân sẽ mang cá ra ao hồ gần nhà để phóng sinh, đây cũng là “phương tiện” để ông Táo về chầu trời.
Ngay từ sáng sớm, người dân đã đi chợ, sắm sửa lễ cúng ông Công ông Táo. Theo ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật, năm nay, các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo khá đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả lại không tăng so với mọi năm. Cá vàng có giá từ 60.000-100.000 đồng/ 1 bộ 3 con, vàng tiền 10.000 đồng/đinh, vàng hoa giá từ 80.000 - 120.000 đồng/cây; 120.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ nhỏ, 140.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ to; 190.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ đại.
Người dân được các bạn tình nguyện viên hướng dẫn thả cá an toàn, đúng địa điểm được chuẩn bị sẵn, để cá được thả xuống có độ sống sót cao.
Tại các khu vực cầu Long Biên, hồ Tây, hồ Văn Quán,… rất đông người dân đã đi thả cá để kịp tiễn ông Công ông Táo về trời. Năm nay, đa phần người dân đã có ý thức phóng sinh cá một cách văn minh, chỉ thả cá không thả túi nilon, tránh xả rác thải ra môi trường ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Từ sáng sớm, nhiều bạn trẻ đã tập trung tại các khu vực ao hồ để chuẩn bị công việc hỗ trợ người dân thả cá và tro nhang sau khi cúng ông Công ông Táo.
Tại khu vực hồ Văn Quán, nhiều tình nguyện viên đã chờ sẵn để hỗ trợ, nhắc nhở người dân cách thả cá chép an toàn, thả cá không thả túi nilon.
Bên cạnh đó vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp, khi người dân ném trực tiếp cá xuống hồ hoặc thả cả túi nilon xuống. Cá khi bị ném xuống đa phần không thể sống sót được, vì vậy đây là cách làm sai và phản tác dụng. Những hành động trên khiến việc thả cá chép phóng sinh là một việc thiện, nhiều công đức trở thành việc không thiện lành như mong muốn.
Phong tục thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời là một trong những nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Với người dân Việt Nam, khoảnh khắc thả cá chép xuống nước ngày ông Công ông Táo về trời thường mang nhiều cảm xúc đặc biệt, báo hiệu chuẩn bị kết thúc năm cũ, bắt đầu cho năm mới bình an, may mắn.