BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, dịp Tết Nguyên đán, người dân có truyền thống chơi hoa đào, hoa mai, hoa cúc, cây quất,...Tuy nhiên nhiều người chưa biết đến công dụng chữa bệnh của những loại cây cảnh này.
Cây mai
Theo BS Vũ, nếu như hoa đào được người dân miền Bắc ưa chuộng, thì trong miền Nam người dân thường chơi hoa mai. Nhiều người cho rằng, hoa mai mang đến sự may mắn và giàu sang. Theo quan niệm của ông bà ta từ xưa đến nay, thì nếu như hoa mai được trồng trong ngày Tết càng nở rộ, nhiều lộc, nhiều cành. Đồng nghĩa với việc, trong năm mới gia đình sẽ có nhiều tài lộc, may mắn và tiền của sung túc. Bên cạnh đó, màu sắc vàng tươi của hoa mai cũng được xem là tượng trưng cho tiền tài, phú quý.
Cây mai ngòai tác dụng trưng Tết, làm cây cảnh còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả
"Hoa mai ngoài công dụng làm cây cảnh trưng tết, đón may mắn tài lộc. Cây mai còn có tác dụng chữa bệnh vô cùng hiệu quả.
Theo Y học cổ truyền, cây mai còn được gọi là Lão mai, Huỳnh mai, Hoàng mai, Hoa mai vàng. Vỏ cây mai có công dụng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, khai vị. Vỏ cây hoa mai vàng thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô. Vỏ cây hoa mai vàng có vị đắng, có tác dụng kích thích tiêu hóa. Theo kinh nghiệm dân gian, ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, người ta dùng vỏ thân cây hoa mai vàng ngâm rượu uống làm thuốc bổ đắng, giúp tiêu hóa dễ dàng. Ở Campuchia và Lào, các lá non của cây thường được dùng làm rau ăn sống", BS Vũ cho hay.
Hoa Cúc
Hoa cúc là một loại hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau, là loài hoa quý nằm trong tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào.
Hoa cúc (Chrysanthemum) là loài hoa gắn liền với văn hóa phương Đông, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản cách đây khoảng 3.000 năm. Mãi cho đến thế kỷ 17, hoa mới có dịp khoe sắc tại các quốc gia châu Âu. Hoa cúc là loại hoa cao quý, nhất là hoa cúc vàng trước đây chỉ được sử dụng cho hoàng gia, quý tộc. Vì thế nó chính là hiện thân của sự giàu có và cao sang quyền quý.
Hoa cúc không chỉ xinh xắn mà còn có độ bền rất cao. Chính vì vậy, loài hoa này tượng trưng cho sự phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho gia chủ. Trong các dịp khai trương, chúc mừng lễ khởi công, hoa cúc cũng thường được lựa chọn vì lý do này. Đặc biệt, trong những ngày lễ Tết đầu năm mới, hoa cúc được trưng bày khắp nơi với hi vọng cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng, phát triển trường tồn.
Ngoài ra, hoa cúc có thể thanh tẩy các hóa chất có trong keo, sơn, chất tẩy rửa và nhựa, là một thảo dược thanh nhiệt rất tốt. Đặc biệt các chế phẩm từ hoa cúc như trà hoa cúc, hoa cúc khô luôn là một trong những vị thuốc chữa bệnh trong gia đình dân gian Việt.
Hoa cúc có nhiều tác dụng chống lão hoá hiệu quả
Theo Tây y, cúc hoa chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số axít amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen - một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống ôxy hoá, chống lão hoá và crom là chất phân giải và bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch.
Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt.
Cây quất
Cây quất là cây rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về. Trong phong thủy cây quất đại diện cho sự sung túc, đại diện cho may mắn no đủ cho cả gia đình trong năm mới. Cây quất thường được người dân lựa chọn để trang trí vào dịp Tết cũng bởi theo âm Hán Việt thì âm của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Cây quất có lá xanh tốt, sai quả, quả vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Theo dân gian cây quất có quả càng sai và to thì tài lộc càng nhiều. Thời điểm quất ra hoa cũng chính là lúc thủy sinh mộc, trong khi chính mộc lại là hiện thân của sinh khí. Suy cho cùng, tất cả chúng đều mang ý nghĩa của tài lộc cũng như sự thành đạt trong công danh sự nghiệp. Ngoài ra, cành quất trĩu quả trong quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình.
Quất có thể trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu hiệu quả
Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh Phế, Vị, Can. Có công năng hóa đờm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn. Lá quất chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng giải cảm, trị cảm mạo phong hàn.
XEM THÊM: Người đàn ông gãy “của quý” sau vài ba chén rượu chúc Tết
Theo BS Vũ, các cây cảnh trên mang vẻ đẹp rực rở mùa xuân, của năm mới vừa vui tươi mang lại sự thoải mái, còn giáp thanh lọc cơ thể tăng cường sức khỏe vừa có thể làm thuốc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mộc Trà