(ĐSPL) - Loạt bài này, chúng tôi khai thác góc khuất phía sau những vương miện hoa hậu, những danh hiệu siêu mẫu. Bởi thực tế xã hội hiện nay, với nhiều người đẹp, chỉ đẹp thôi vẫn chưa đủ để làm hoa hậu, siêu mẫu.
Muốn bước lên bục vinh quang của bất kỳ một cuộc thi nào, mỗi một cô gái phải có cả ê kíp vạch chiến lược, đường đi nước bước, xây dựng hình ảnh. Và, để "nuôi" ê kíp này, người đẹp buộc phải có đại gia chi tiền. Còn nữa, hậu những cuộc tình “chân dài - đại gia” này là những đớn đau, ê chề mà chỉ "người trong cuộc" mới thấu hiểu.
Khuôn mặt đẹp, dáng cao chưa đủ để trở thành hoa hậu, người mẫu. Vì thế, khi có ý định bước chân vào "nghề" này, các cô gái phải "khổ" luyện trong những "lò" luyện catwalk mà các cô gái bình thường không bao giờ làm được.
Siêu mẫu Xuân Lan đang hướng dẫn, rèn luyện thêm kỹ năng catwalk cho các người mẫu trẻ. (Ảnh minh họa) |
Vào "lò" luyện, "nai" cũng thành "cáo"
Mỗi một cô gái muốn đặt chân lên thảm đỏ của cuộc thi nhan sắc thì điều đầu tiên họ phải học, đó là catwalk. Catwalk như là một khởi động, một yếu tố cần phải có, nó là nền tảng, là kỹ năng xuyên suốt trong mỗi nhất cử nhất động của người đẹp trên sân khấu. Người thạo catwalk sẽ làm chủ được bước chân, sẽ biết tỏa sáng trong bất cứ một bộ trang phục nào mình khoác lên người. Nhưng để có những bước chân điêu luyện thì không đơn giản. Thậm chí, các chân dài sẵn sàng "nung" mình trong những lò luyện nóng nực, khắc nghiệt cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm một trung tâm đào tạo người mẫu nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là cái nôi phát hiện và đào tạo nhiều tên tuổi hoa hậu, người mẫu như hoa hậu M.P.T., hoa hậu N.H., siêu mẫu P.M., siêu mẫu V.T.P.. Lúc ấy nhiệt độ ngoài trời khá thấp nhưng không khí trong phòng tập của các người mẫu nóng bức vô cùng.
T., người quản lý trung tâm này cho biết, đây là buổi tập đầu tiên của năm mới. Tôi để ý và thấy, những cô bé mặt còn "rất non", dù thân hình và cơ thể phổng phao hơn so với tuổi nhưng chỉ số 3 vòng thậm chí nở nang hơn nhiều so với những người mẫu khác. Tò mò, tôi hỏi T., được biết: "Những cô bé này chỉ mới 12, 13 tuổi. Cô bé nhiều tuổi nhất của đám nhỏ này, sinh năm 2000, anh mới phát hiện được trong một cuộc thi thanh lịch của một trường cấp hai ngoại thành Hà Nội. Xinh, ngoan và triển vọng lắm". Gã quản lý cười với tôi, nụ cười mãn nguyện và tự hào về "chú gà con" mà gã đang ra sức "nuôi nấng".
"Đi tập tành thế này thì cô bé phải nghỉ học sao?", tôi hỏi. "Ừ, phải nghỉ chứ sao, sắp có show diễn lớn rồi, tôi muốn cho cô bé tham gia nhưng catwalk "còn non" quá nên phải tập trung tập luyện kỹ càng. Có cô bé ấy, show mới có điểm lạ, điểm nhấn. Sẽ có nhiều con mắt, nhìn ngắm cô bé mà ghen tị với tôi". Chưa diễn ra show diễn nhưng gã đã “tự sướng” về thành quả "chăn gà" của mình và mắt thì không quên gửi một cái nhìn vuốt ve về phía cô bé đang không ngừng di chuyển trên sân khấu tập.
Hoa hậu Việt Nam Thùy Dung. (Ảnh minh họa) |
Gọi là sân khấu cho oai, thực ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ, ở giữa xây cao lên thành bục. Các người mẫu tập đi ở trên đó. Theo gã quản lý, bài tập đầu tiên là đội sách, hai tay chống hông, mà phải chống lên trên mạn sườn (cao như thế mới tôn vinh được vòng eo và cặp chân dài), gã quản lý giải thích với tôi. Tiếp theo là động tác đi bắt chéo chân. Một người mẫu đi đẹp tức là hai chân bắt chéo nhau nhưng không bao giờ để vướng hay chạm vào nhau. Việc đi chéo như thế sẽ giúp vòng 3 có những cú lắc nhẹ, đó là sự chuyển động đầy gợi cảm của một người mẫu trên sân khấu, gã nói.
Theo quan sát của tôi, khá nhiều cô gái trẻ tỏ ra vất vả với bài tập đầu tiên. Việc đội trên đầu mấy kg sách là điều không hề đơn giản đối với một người bình thường. Đầu đội sách, gương mặt các cô người mẫu lúc nào cũng phải giữ thẳng với ánh nhìn về phía trước. Chân không quên bước bắt chéo và di chuyển. Mới đầu, người mẫu nào cũng bỡ ngỡ cả. "Cô gái mà tôi phát hiện trong cuộc thi thanh lịch, ban đầu còn xấu hổ đến mức, ngượng, không dám lên sân khấu. Tôi phải động viên mãi mới mạnh dạn bước được. Những bài tập đầu tiên luôn làm các bạn ấy khổ sở nhưng tất cả sẽ quen rất nhanh dưới bàn tay của những chuyên gia đào tạo người mẫu chuyên nghiệp", T. nháy mắt đầy ẩn ý.
Hành trình biến “quạ” thành “công”
Ngoài những gương mặt mới, buổi tập còn quy tụ những cái tên đang "hot" của sân khấu thời trang Việt Nam. Trái với những hình ảnh lung linh thường thấy trên truyền hình, báo chí, trong những buổi tập như thế này, các chân dài đều phải rũ bỏ vẻ lấp lánh ấy. Thay vào đó, họ phải tập luyện một cách nghiêm túc, mỗi show có duy nhất một vị trí vedette. Người được chọn làm vedette bao giờ cũng nhận được cát-xê cao nhất đi liền với trách nhiệm nặng nề nhất. Theo chia sẻ của T., vị trí vedette trong show diễn sẽ là á hậu T.O. Để làm vedette, người mẫu sẽ phải tuân theo những chỉ đạo của đạo diễn chương trình.
Theo cách lý giải của T., chuyện một cô gái thôn quê nào đó có gương mặt mỹ miều và một hình thể hoàn hảo bỗng vụt thành hoa hậu đã là chuyện xưa như diễm. Bây giờ, nếu muốn làm hoa hậu, hay người mẫu, cô gái đó phải được đào tạo. Đào tạo đồng nghĩa với thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu gia đình cô gái giàu có, họ sẽ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đầu tư cho con trước thềm một cuộc thi nào đó. Ví dụ như á hậu T.T. chẳng hạn. Năm 2010, cô gái này đã làm khán giả bất ngờ khi trở thành một trong ba người đẹp nhất của cuộc thi hoa hậu năm đó. Nhưng đối với T. thì không có gì là ngạc nhiên. Bởi năm đó, gia đình á hậu này đã đầu tư "khủng" cho con gái. Dưới bàn tay hướng dẫn của các chuyên gia catwalk "xịn" nhất Hà Nội, T.T., từ một cô gái vụng về trong những bước đi trên sân khấu đã trở nên mềm mại, thanh thoát và uyển chuyển hơn bội phần. Kỹ năng giao tiếp, mỉm cười, tạo dáng của "cô bé" đó cũng đã thay đổi cho phù hợp với hình ảnh của một hoa hậu.
Dù chỉ đạt á hậu 2 nhưng T.T. đã tạo được những ấn tượng đẹp đẽ, cô cũng trở thành một cái gương mà nhiều gia đình, ê kíp đào tạo hoa hậu sau đó lấy làm kinh nghiệm. Hoa hậu hay người mẫu, hay là gì đi nữa thì cái đầu tiên đó là việc đào tạo.
Thực tế, cụm từ catwalk lâu nay được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực hoa hậu, người mẫu. Người ta hay sử dụng cụm từ catwalk như kỹ năng catwalk, khả năng catwalk. Vậy catwalk có nghĩa là gì. Thực ra nó là một cụm từ "lóng". Catwalk thực chất có nghĩa là bước đi của "mèo". Mà, bước đi của mèo thì rất nhẹ nhàng, uyển chuyển. Ý nói, người mẫu khi biểu diễn thời trang phải có những bước đi giống như con mèo vậy. Và như một quy định bắt buộc, catwalk đã là kỹ năng không thể thiếu đối với mỗi một cô gái nếu muốn trở thành một người đẹp chuyên nghiệp hay chạm tay vào bất cứ một thứ vương miện hay danh hiệu nào.
Catwalk và những tai nạn nghề nghiệp là điều khó tránh. Bong gân, dãn dây chằng, sưng chỗ này, chỗ kia là chuyện bình thường như cơm bữa. Đừng tưởng, người mẫu chỉ cần những di chuyển nhẹ nhàng là đủ. Đó là chưa kể đến những show diễn cần đến những động tác khiêu vũ, thậm chí nhào lộn của người mẫu. Lúc đó, người mẫu sẽ phải nhảy nhót như một vũ công thực sự. Người mẫu thông minh sẽ biết thổi hồn vào từng bước đi, nụ cười, ánh mắt của mình. Đó là điều làm nên sự khác biệt giữa họ chứ không phải là những chỉ số hình thể. T. nói thêm: "Cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt Nam (Vietnam nexts top model) gần đây là một trong những gameshow sinh động, tái hiện rõ nét nhất những khắc nghiệt trong nghề mẫu. Nhưng đó cũng chỉ là những biểu hiện dễ thấy, thực tế, nghề mẫu còn có những khắc nghiệt mà người trong cuộc không bao giờ dám nói ra."
(Còn nữa)
Việt Nam có nhiều hoa hậu, siêu mẫu nhất thế giới Theo thống kê của thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu, người mẫu nhất hiện nay. Chưa bao giờ những danh xưng lấp lánh này lại trở nên đầy rẫy và dễ dàng sở hữu đến thế. Chính sự xô bồ, ồ ạt đó lại ẩn chứa những khoảng lặng đến xót xa trong cuộc đời mỗi một nhan sắc. Có thể nói, phía sau những vương miện, những danh hiệu rạng ngời kia là những tấn bi kịch xót xa. Hoa hậu, người mẫu danh giá là thế, đẹp đẽ là thế, mấy ai nghĩ chúng cũng nhọc nhằn lắm thay. |
Đào Bích - Lạc Thành
Đón đọc Kỳ 2: Nhọc nhằn "đội" vương miện trên đầu