Hàng loạt vụ việc thực phẩm bẩn cho học sinh bị lật tẩy vẫn chỉ là một góc nổi của tảng băng chìm khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình. Vậy cá nhân hay đơn vị nào sẽ ráo riết để vấn nạn này được giải quyết? Nhưng quan trọng nhất từ chính mỗi bậc phụ huynh cần có hành động mạnh mẽ để bảo vệ con em mình.
Trường học hay… “thùng rác” chứa thực phẩm “bẩn”?
Ngày 27/10/2017, gần 400 học sinh tiểu học được thầy cô và người thân đưa vào trung tâm y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cấp cứu. Các em này học tại trường Tiểu học Lái Hiếu ở phường Lái Hiếu và trường Tiểu học Nguyễn Hiền ở phường Hiệp Thành. Ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang, đã xác nhận vụ việc trên và cho biết nhiều học sinh phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa.
Thông tin cho hay, các em uống sữa hiệu Milo miễn phí được pha sẵn, chứa trong bình lạnh do đại diện Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo MC. cung cấp. Việc phát sữa miễn phí diễn ra trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2018 và Công ty TNHH Nestle Việt Nam triển khai kế hoạch tặng sữa tại các trường tiểu học. Công ty Nestle Việt Nam ủy quyền cho Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo MC. đến các trường tiểu học phát sữa từ 16/10 đến 24/11.Nhưng điều đáng nói là, Cty M.C đã không pha sữa đúng quy trình và ở nơi đảm bảo đã khiến hàng trăm học sinh bị ngộ độc.
Không chỉ ở sữa, trong rau xanh được cung cấp tại trường học cũng còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mua gà “ngắc ngoải” cho học sinh ăn.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) - Ông Trần Quý Thái cho biết, ngày 19/10, đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường học tại địa bàn. Đoàn kiểm tra của UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã tìm thấy thuốc trừ sâu có tên Delfin - 32 WG trong rau mồng tơi cung cấp cho trường Mầm non Hoàng Liệt.
Đơn vị cung cấp rau trên là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Việt. Đơn vị này đã ký hợp đồng cung cấp rau, củ, quả với Công ty Cổ phần Công nghệ cao An Sinh (đặt trụ sở tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Cũng nhờ phụ huynh mạnh tay mà vụ việc cung cấp rau quả thối cho học sinh trong trường đã được phơi bày.
Vào ngày 17/5, phụ huynh học sinh thấy bà Võ Thị Ngọc Ánh (nhân viên nấu ăn của trường) đi mua gà về để nấu ăn cho các cháu. Tuy nhiên, trong số 5 con gà thì có đến 3 con có dấu hiệu “ngắc ngoải”.
Ngày 12/9, video quay cảnh nhiều phụ huynh trường tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt quả tang xe cung cấp thực phẩm bẩn để nấu cho học sinh bán trú lan truyền trên mạng xã hội.
Trong video, nhiều phụ huynh có mặt ở trường kiểm tra xe thực phẩm, nhận thấy nhiều quả bí đao, bí đỏ sắp thối rữa, có cả dòi bọ bên trong. Nhiều quả trứng trong khay đã hỏng, khi đập vỡ thấy rõ lòng đỏ nát. Các phụ huynh bày tỏ bức xúc khi sức khỏe học sinh bị đe dọa và yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc.
Là phụ huynh, làm gì bảo vệ con em mình?
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, ung thư ngày càng gia tăng trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam là 69.000. Hiện tại, con số này tăng lên 126.000, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp tử vong.
Thuốc bảo vệ thực vật Delfin còn tồn dư trong rau được phun trước ngày thu hoạch 3 ngày. |
Tỉ lệ mắc ung thư ở cả 2 giới là 140/100.000 dân, đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm.
Bên cạnh nhiều nguyên nhân khác có thể là tác nhân gây ung thư thì chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35%.
Theo PGS Thuấn, các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia... có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não... nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.
Như vậy, với nguồn thực phẩm bẩn đang tống vào trường học như hiện nay, thế hệ sau này sẽ trở nên ốm yếu và bệnh tật nếu vấn nạn này không được ngăn chặn. Ngoài việc kêu gọi tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, tuân thủ quy định của những người tham gia trong chuỗi cung cấp thực phẩm, ngoài trách nhiệm kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng, cha mẹ học sinh có “cao kiến” gì giúp các con được ăn thực phẩm đảm bảo?
Phụ huynh trường tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt quả tang xe cung cấp thực phẩm bẩn |
Chị Nguyễn Quế Nhàn, có 2 con đang học theo chương trình bán trú tại một trường trên phố Liễu Giai cho rằng: Ban phụ huynh cần yêu cầu trường công khai thông tin về việc hợp tác với đơn vị nào cung cấp thực phẩm hàng ngày? Đơn vị này có đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như quy định không?
Thậm chí, để cẩn thận, ban phụ huynh cần thống nhất với trường về quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Hàng ngày khi nguồn thực phẩm được nhập về cần được kiểm tra các thông số cần thiết về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản…(theo danh sách các chất có thể test nhanh của Bộ Y tế) và có bản lưu hàng ngày.
Ban phụ huynh cử người tham gia công tác giám sát thường xuyên, đột xuất về việc tuân thủ các quy trình này. Thậm chí, có thể mời các đơn vị chức năng cùng đột xuất kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Vậy, nếu bạn trăn trở về an toàn thực phẩm cho con tại trường học? Hãy đóng góp ý kiến để các con đảm bảo an toàn thực phẩm cho các con. Vì một tương lai khỏe mạnh của con em chúng ta.
Mọi thông tin về an toàn thực phẩm trường học cũng như những ý kiến đóng góp xin gửi về email: toasoan@doisongphapluat.com