Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những “đôi mắt ướt” ở lưng chừng trời

(DS&PL) -

Giữa núi rừng Tây Bắc, khi ngày Tết càng đến gần, những người “mẹ hiền” gùi chữ trên non càng nao lòng nhớ quê hương, nhưng vẫn tận tâm chăm chút những đứa con thơ.

Giữa núi rừng Tây Bắc, khi ngày Tết càng đến gần, những người “mẹ hiền” gùi chữ trên non càng nao lòng nhớ quê hương, nhưng vẫn tận tâm chăm chút những đứa con thơ.

Cô Yến và những đứa con trên bản giữa lưng chừng trời mây.

Để đến với bản Tả Kố Ky, bản nghèo nhất của xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), chúng tôi phải vượt qua những cung đường đèo quanh co và đưa xe “bò” ngược dốc hơn 10km đường đất. Mới giữa tháng 12, nhưng không khí Tết của người Hà Nhì cũng làm xao động ánh mắt của cô giáo “cắm bản” duy nhất tại đây. Nhìn các gia đình quây quần ăn Tết sớm, có những giây phút nữ giáo viên không khỏi chạnh lòng...

Sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, nhưng cô Hoàng Thị Yến (39 tuổi), đã có hơn 10 năm gắn bó với trẻ em nơi rẻo cao Sín Thầu. Người mẹ thứ hai giữa vùng đất mây ôm sương phủ dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không khỏi có những giây phút thấy lòng mềm yếu, nhất là đứng trước tiếng gọi của người thân khi Tết đã cận kề. Cô Yến nhớ lại những ngày đầu tiên đưa con gái đầu lòng về Nam Định cho ông bà nội chăm sóc. “Sau khi con gái học xong mẫu giáo, tôi gửi con về cho ông bà nội. Cả năm ròng, con gái chỉ được gặp mẹ vỏn vẹn có mấy ngày. Con bé đếm từng ngày để chờ được gặp mẹ, và nó gọi đó là những “ngày hạnh phúc”. Khi gọi điện, con đều reo lên: “A! Mẹ sắp về rồi!”. Hồi mới học lớp 1, con vẫn òa khóc trước mặt mẹ khi phải chào tạm biệt. Nhưng từ năm học lớp 2, mỗi lần thấy mẹ chuẩn bị hành lý để trở lại với công việc, con không dám nhìn, chỉ lặng lẽ chạy vào buồng khóc, vì biết mẹ phải lên dạy chữ cho các em nhỏ” - đưa tay gạt vội đi phút yếu lòng lăn dài trên gò má, cô Yến vẫn còn xúc động.

Biết con gái phải chịu thiệt thòi vì không được ở bên bố mẹ, song, cô Yến nhìn thấy con tự lập hơn mỗi ngày thì cũng vững tâm hơn phần nào. “Bất ngờ lớn nhất đối với tôi chính là khi nghe con gái thỏ thẻ: “Mẹ ơi, sau này lớn lên, con muốn làm cô giáo giống mẹ”. Tôi cười hỏi: “Sao con lại muốn làm cô giáo? Mẹ đi dạy biền biệt cả năm, không ở bên con được, con không ngại vất vả ư?”. Đôi mắt bé con lớp 4 như sáng lên: “Mẹ xa con nhưng mẹ vẫn không ngừng yêu thương con... Con thấy mẹ đi dạy các em, các em biết chữ, ngoan hơn, con cũng muốn như vậy!”.Chỉ đơn giản là những khoảnh khắc, nhưng đó cũng là động lực cho tôi thêm gắn bó với mảnh đất Sín Thầu hơn mỗi ngày” .

Ở điểm trường Nậm Hà, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong 1, cô giáo Đinh Thị Thu Trang (30 tuổi) cũng có những phút ngậm ngùi: “Mỗi lần về thăm con, lúc chuẩn bị rời đi, con lại níu tay mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ đi làm suốt thế? Vì sao mẹ không ở nhà với bố và con?”. Lúc đó, tôi lại chẳng nỡ rời, muốn ở lại ôm con mỗi ngày. Nhưng nghĩ đến những học sinh trên điểm bản, nếu vắng thầy cô càng lâu, sẽ càng quên dần mặt chữ, nên vẫn nén xúc động để lên đường. Trên điểm bản không có sóng điện thoại, nên khi con ốm đau, tôi không thể kịp thời quan tâm. Về đến phòng là ngay lập tức tôi gọi điện cho con, nghe con tỉ tê chuyện ở nhà, ở trường, mọi mỏi mệt dường như tan biến. Sự trong trẻo, ngây thơ của con như liều vitamin giúp tôi xốc lại tinh thần cho ngày làm việc mới”.

Cẩm Mịch

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

Tin nổi bật