Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những doanh nhân là ĐBQH dính lùm xùm liên quan đến quốc tịch nước ngoài

(DS&PL) -

Là người có danh tiếng, trúng cử đại biểu Quốc hội nhưng những doanh nhân dưới đây lại vướng vào lùm xùm liên quan đến quốc tịch nước ngoài.

Là người có danh tiếng, trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng những doanh nhân dưới đây lại vướng vào lùm xùm liên quan đến quốc tịch nước ngoài.

Cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh: VietNamNet

Đợt bầu cử ĐBQH khoá XIV khiến dư luận xôn xao khi có một trường hợp ĐBQH khác vướng lùm xùm mang hai quốc tịch là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá XIII trúng cử khoá XIV thuộc khối doanh nhân. Bà Hường bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta.

Tại phiên họp chiều ngày 3/8/2016, HĐND TP.Hà Nội kỳ họp thứ 2, khóa XV đã thông qua Nghị quyết bãi miễn đại biểu HĐND TP.Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Lý do bà Hường bị bãi nhiệm vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH khóa XIV và cá nhân có đơn xin rút. Việc có hai quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Hiến pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam.

Điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".

Trước khi được biết đến với tư cách đại biểu HĐND TP.Hà Nội khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, bà đã nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt khi đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT VID Group từ năm 2006.

Từ một công ty được thành lập năm 2006 với vỏn vẹn vài nhân viên, chưa đầy một năm sau, tập đoàn VID Group của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã phát triển nhanh tại nhiều tỉnh thành khắp miền Bắc.

VID Group là tiền thân của TNG Holdings Việt Nam - Tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành trong nhiều lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, bán lẻ và đầu tư kinh doanh bất động sản...

TNG Holdings, đơn vị được cho là có cổ phần lớn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam.

Được biết, trong khoảng thời gian bà Hường là đại biểu HĐND TP.Hà Nội, bà cùng chồng là ông Trần Anh Tuấn trở thành nhóm cổ đông mới nắm giữ vị trí then chốt tại Ngân hàng Maritime Bank (MSB) sau khi MSB trở thành ngân hàng đại chúng, bắt đầu tái cơ cấu bộ máy (2006).

Sau khi bị bãi nhiệm ĐBQH, bà Nguyệt Hường ít xuất hiện trước công chúng hơn trước và kín đáo hơn trong mỗi lần xuất hiện.

Đến năm 2018, cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường khiến nhiều người bất ngờ khi rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group).

Cựu ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến

Bà Đặng Thị Hoàng Yến tại cuộc họp trực tuyến của ITA.

Cựu ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng dính đến lùm xùm mang hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ.

Bà Yến được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử ĐBQH khóa XIII năm 2011, nhưng tới 2012, bà bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử, vì chồng bà Quốc tịch Mỹ.

Tháng 5/2012, bà Yến viết đơn xin từ nhiệm trước khi Quốc hội họp bàn xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (SN 1959) là người sáng lập Tân Tạo từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT kể từ năm 1996 tới nay.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo là công ty con của Tập đoàn Tân Tạo và đang lưu hành 938.463.607 cổ phiếu.

Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến trực tiếp nắm giữ 5,79%, tương đương 54.349.633 cổ phiếu. Bà Yến còn gián tiếp sở hữu 8,84% cổ phần tại ITA, tương đương 82.918.449 cổ phiếu thông qua Công ty Cổ phần Đại học Tân Tạo.

Người liên quan của bà Yến tại ITA là ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Yến) hiện sở hữu 3,1% cổ phần tại ITA, tương đương 29.063.039 cổ phiếu.

Bà Yến từng là một trong những nữ doanh nhân quyền lực và liên tiếp có mặt trong danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2008-2010.

Tại cuộc họp trực tuyến ĐHCĐ thường niên năm 2020, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo bất ngờ xuất hiện sau 8 năm vắng mặt.

Chủ tịch Tân Tạo rất ít ký tên trong các văn bản của công ty và cũng không tham dự đại hội cổ đông thường niên nào kể từ năm 2013 với lí do bận công tác nước ngoài, lịch làm việc dày đặc.

Các phiên họp đều được chủ trì bởi các thành viên khác trong ban lãnh đạo và ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Yến)- người được mệnh danh là “ông vua” bất động sản công nghiệp, hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC).

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật