Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chỉ được phép dừng xe người đi đường trong 4 trường hợp:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội đã được ban hành.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; của cơ quan chức năng về dừng phương tiện để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các vi phạm pháp luật khác.
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và xe tham gia giao thông.
Như vậy, ngoài các trường hợp đã nêu, CSGT không được tùy tiện yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe.
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ, điều kiện đảm bảo an toàn giao thông và các lỗi khác. (Ảnh minh họa)
Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA nêu rõ quyền hạn của CSGT trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông:
- Được dừng các phương tiện.
- Được áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm về giao thông, trật tự xã hội và các vi phạm pháp luật khác.
Trong đó, các biện pháp ngăn chặn hành vi hành chính được quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm: Tạm giữ người; áp giải; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện; quản lý người nước ngoài vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục xuất;…
- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông.
- Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ.
- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường, phân lại luồng, tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện khi xảy ra ách tắc, tai nạn giao thông…
- Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, việc rút chìa khóa xe của người tham gia giao thông không thuộc quyền hạn của lực lượng CSGT.
Người tham gia giao thông cần nắm được 5 việc mà CSGT không được phép thực hiện. (Ảnh minh họa)
Khi dừng xe để kiểm soát việc thực hiện các quy định về giao thông, CSGT được kiểm tra:
- Kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.
- Kiểm tra điều kiện tham gia giao thông của phương tiện: hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên thành xe, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
CSGT có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, kiểm tra các điều kiện về hình thức của phương tiện nhưng không được tùy tiện khám người, phương tiện. Lý do bởi việc khám người, khám phương tiện chỉ được phép tiến hành khi có căn cứ.
Nghị định 19/2020/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính
V.H (T/h)