Để tìm hiểu Giang Kim Đạt, phóng viên tìm về trụ sở công ty Vinashinlines ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trụ sở công ty cao 8 tầng, bề thế nhưng cũ kỹ, vắng lặng.
[mecloud]cYA5wCXZcu [/mecloud]
Trong phòng họp, vẫn là những chiếc ghế da đắt tiền, tường bọc gỗ nhưng thiếu bàn tay chăm sóc. Micro phát biểu trên bàn họp xiêu vẹo; tường gỗ có chỗ mục, không được sửa sang. “Công ty đang trong quá trình làm thủ tục phá sản; chờ toà xử để thanh toán nợ với chủ nợ. Trước tài sản công ty như bao thuốc, giờ còn như chiếc bật lửa này, các chủ nợ chia nhau” – ông Đỗ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinashinlines nói.
|
Biệt phủ của gia đình Giang Kim Đạt |
Theo tài liệu lưu giữ lại, Giang Kim Đạt làm việc tại công ty này từ ngày 12/5/2006 với vị trí nhân viên phòng khai thác tàu biển. Ba tháng sau, công ty lập phòng kinh doanh, Đạt được đề cử làm quyền trưởng phòng. Hơn 1 năm sau, vào tháng 10/2007, anh này nộp đơn thôi việc. Tháng 4 năm 2008, Đạt bất ngờ quay lại công ty với vị trí cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm. Hợp đồng lao động ký 1 tháng, nhưng Đạt chỉ làm việc 1 tuần rồi rời công ty. Tháng 5, Đạt lại quay lại Vinashinlines và tiếp tục giữ vị trí quyền trưởng phòng kinh doanh. Đạt cũng chỉ tiếp tục làm việc 1 tháng rồi rời đi hẳn; hầu hết nhân viên đều không biết Đạt đi đâu.
Ông Dũng nói, nếu là nhân viên công ty muốn lên vị trí trưởng phòng phải bầu bán nhưng Đạt là trường hợp tuyển ngoài do tổng giám đốc tự tuyển. Dù là Phó TGĐ phụ trách nội chính, nhưng ông Dũng ít khi làm việc với Đạt. “Đạt thường làm việc trực tiếp với tổng giám đốc, chúng tôi không được biết nhiều về công việc của Đạt” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, Vinashinlines không có cơ chế cắt hoa hồng cho cán bộ công nhân viên khi mua hoặc cho thuê tàu; việc mua tàu đều thực hiện theo nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, việc một vị trí trưởng phòng như Đạt có thể tham ô đến 18,6 triệu USD, chính ông Dũng cũng lấy làm khó hiểu. Ông Dũng xác nhận, các tàu đều mua thông qua đơn vị tư vấn; không qua đấu thầu.
Một cán bộ công đoàn của công ty thời kỳ Đạt làm, cho biết: Cảm thấy “kinh hoàng” với một đoàn viên công đoàn kín tiếng như Đạt. “Thông thường, lãnh đạo phòng làm tổ trưởng công đoàn nhưng họp hành, Đạt thường phân công cấp phó. Anh ta hầu như không tham gia hoạt động tập thể nào. Chúng tôi chỉ biết anh ta nhà ở Sài Gòn, thuê nhà ở khu đô thị Linh Đàm gần công ty nhưng cũng ít khi thấy tại nơi làm việc”- vị này nói.
Theo Tiền Phong