Hóc dị vật đường thở nói chung là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ trong lúc ăn, lúc chơi.
Mới đây vụ bé trai 2 tuổi ở Nam Định hóc hạt nhãn và rơi vào tình trạng sống thực vật là hồi chuông đáng báo động.
Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật. Ảnh minh họa |
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn, nếu trẻ hóc dị vật còn tỉnh táo, có ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bệnh nhân ho không hiệu quả, cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực. Phương pháp này tư thế người cấp cứu là khác nhau giữa trẻ nhỏ và trẻ lớn.
Có nhiều sai lầm trong xử trí cấp cứu dị vật đường thở khiến tình trạng của bé trở nên nguy kịch hơn, như: móc tay vào trong họng để lấy dị vật; cho trẻ ăn thêm rau, uống nước… để thức ăn tự trôi; không đưa trẻ đi khám sau khi trẻ dứt cơn ho sặc sụa, tím tái, làm cho dị vật nằm lâu trong phổi; áp dụng chữa mẹo.
Khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa đột ngột bé ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ.
Trẻ học dị vật có biểu hiện như: ho, sặc sụa, tím tái, ú ớ... Ảnh minh họa |
Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé.
Trường hợp nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay lúc đó.
Đối với trường hợp bị hóc - sặc nhẹ hơn thì trẻ có thể trở lại bình thường nhưng theo các chuyên gia y tế thì sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần. Bệnh sẽ dai dẳng, đôi khi phải soi khí phế quản vài lần để hút mủ và bột còn sót lại.
Bế bé đúng tư thế, đầu cao hơn thân. Trong suốt quá trình cho ăn, cha mẹ cần quan sát con thật kỹ, động tác mút sữa và nuốt xuống một cách nhịp nhàng. Khuyến khích con nuốt xong thức ăn lại bú tiếp, hạn chế bé bú liên tiếp rất dễ bị sặc.
Bố mẹ nên cẩn thận khi cho con bú bình. Ảnh minh họa |
Sau khi bú xong, cha mẹ hoặc người trông trẻ cần bế bé lên vai, giúp bé ợ hơi, vỗ lưng nhẹ tránh gây sặc sau khi ăn.
Nếu bé bú bình, cha mẹ nên lưu ý kiểm tra núm vú sao cho lỗ thông núm ti không nên quá rộng khiến sữa chảy xuống dồn dập bé không nuốt kịp. Không nên cho bé bú khi đang nằm, khóc, chơi, ho…
Không nên ép bé ăn nhiều, không cho bé ăn khi đang chơi đùa, nói chuyện, chạy nhảy.
Nên chế biến đồ ăn để trẻ có thể nhai, nuốt dễ dàng. Ảnh minh họa |
Tai nạn hóc sặc có thể xảy ra ở mọi tuổi nhưng thường ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi này, bé thường sẽ rất tò mò, những thứ tưởng như vô hại với người lớn lại vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Để có thể phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chọn lựa thức ăn, đồ chơi phù hợp cho trẻ; chế biến đồ ăn để trẻ có thể nhai, nuốt dễ dàng. Đối với trái cây có hạt, cần bỏ hết hạt trước khi cho trẻ ăn; cho trẻ uống nước, tuyệt đối không cho trẻ nằm sau khi ăn xong; tránh những vật, đồ chơi nhỏ trong tầm tay của trẻ”.
[presscloud]3510[/presscloud]
Đồng Trang (T/h)