Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những điểm tham quan, check-in ở TP.HCM nhất định phải đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp đến là thời điểm lý tưởng để bạn lên kế hoạch khám phá những điểm đến lịch sử và văn hóa độc đáo ngay tại TP.HCM.

Vietnamplus cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay là một dịp đặc biệt, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), là cơ hội lý tưởng để bạn khám phá nét đẹp và nhịp sống sôi động của TP.HCM.

Dù bạn đam mê tìm hiểu các điểm đến lịch sử, yêu thích những khu vui chơi hiện đại hay chỉ muốn tìm một nơi yên tĩnh để thưởng thức không khí lễ hội, TP.HCM luôn có hàng loạt lựa chọn hấp dẫn chờ đón bạn.

Đặc biệt trong dịp này, khắp nơi trong Thành phố diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như diễu hành, các chương trình nghệ thuật ngoài trời, bắn pháo hoa.

Dưới đây là những địa điểm check-in tại TP.HCM bạn không nên bỏ lỡ dịp 30/4 đặc biệt này.

Dinh Độc Lập

 

Dinh Độc Lập có kiến trúc mang phong cách hiện đại, vừa trang nhã và uy nghiêm, được bao quanh bởi khuôn viên xanh mát. Ảnh: Vietnamplus/ Tạp chí Du lịch.

Dinh Độc Lập - một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước, không chỉ là công trình kiến trúc đặc sắc mà còn là chứng nhân lịch sử, một trong những biểu tượng của sự thống nhất và hòa bình. Công trình được xây dựng trên diện tích 12ha với tổng diện tích sàn hơn 20.000m², gồm ba tầng chính, hai tầng lửng, hai tầng hầm và một sân thượng có sân bay trực thăng. Dinh tọa lạc ngay trung tâm thành phố, nằm trên ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai.

Dinh Độc Lập có kiến trúc mang phong cách hiện đại, vừa trang nhã và uy nghiêm, được bao quanh bởi khuôn viên xanh mát, là nơi mang lại cảm giác bình yên ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp.

Địa đạo Củ Chi

Nằm cách Trung tâm TP.HCM khoảng 60 km, địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm nhiều tầng dài hơn 250km được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trước 1975, địa đạo Củ Chi là nơi đóng quân của hàng vạn chiến sĩ du kích, là đại bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Địa đạo Củ Chi được mệnh danh là "đất thép" vì tinh thần và ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây.

Sau chiến tranh, khu địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo.

Cũng như dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi cũng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2015.

Bưu điện Thành phố

Bưu điện Thành phố nổi tiếng là điểm check-in thu hút hàng loạt du khách khi đến thăm thành phố mang tên Bác. Bưu điện đặc biệt này gây ấn tượng bởi lối kiến trúc cổ điển với những đường nét hoa văn tinh xảo với màu vàng đặc trưng.

Tại đây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các dịch vụ: chuyển phát nhanh, chuyển tiền hay gửi thư qua đường bưu điện. Ngoài ra, khách tham quan cũng có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua các buổi triển lãm hay bộ sưu tập thú vị.

Bưu điện Thành phố nổi tiếng là điểm check-in thu hút hàng loạt du khách khi đến thăm thành phố mang tên Bác. Ảnh: Báo Công lý.

Địa đạo Phú Thọ Hòa

Địa đạo Phú Thọ Hòa là một công trình quân sự dưới lòng đất đặt tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, cách trung tâm TP.HCM chưa đầy 10km về hướng Tây. So với địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn rất ấn tượng.

Với chiều dài đường chim bay hơn 1km, địa đạo là nơi để cán bộ và lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, nắm vững địa bàn hoạt động và ém quân, làm bàn đạp tiến công vào thành phố. Địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần và ý chí sắt son của người dân với cách mạng.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lưu giữ tư liệu, hiện vật và hình ảnh sống động về cuộc chiến tranh Việt Nam, là một điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế tại TP.HCM. Nó giúp họ có cái nhìn sâu sắc hơn về giai đoạn lịch sử đầy thử thách này.

Bảo tàng được chia thành nhiều khu vực trưng bày khác nhau, bao gồm những bức ảnh mô tả sự tàn phá của chiến tranh, các loại vũ khí đã được sử dụng, cùng những câu chuyện về tác động mà chiến tranh để lại. Đặc biệt, khu trưng bày ngoài trời tạo ấn tượng mạnh mẽ với xe tăng, trực thăng, máy bay chiến đấu và bom đạn còn lại từ quá khứ.

Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville vào năm 1911. Ảnh: Vietgoing.

Bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville vào năm 1911. Từ chuyến đi này, Bác đã đến với nhiều quốc gia thuộc địa cũng như các quốc gia đang phát triển để tìm hiểu, nghiên cứu và tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau năm 1975, toà nhà trụ sở Bến Nhà Rồng đã được chọn là Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP.HCM). Tại đây hiện trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định 

Đây là một trong những bảo tàng mới và độc đáo ở TP.HCM, chuyên trưng bày và giới thiệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, một lực lượng chiến đấu quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Bên cạnh việc giới thiệu các hiện vật, tư liệu quý về các trận đánh, bảo tàng còn cho thấy tài trí và lòng dũng cảm của các chiến sỹ biệt động, tạo nên một điểm nhấn về một thời kỳ lịch sử oai hùng.

Bến Bạch Đằng

Bến Bạch Đằng là một trong những điểm check-in hấp dẫn tại TP.HCM dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay. Bến nằm dọc theo sông Sài Gòn, là một trong những điểm nhấn nổi bật của thành phố. Vào dịp lễ 30/4 - 1/5, khu vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi trở thành trận địa đại bác từ đầu tháng 4, nơi có 15 khẩu pháo trên thảm đỏ, nòng súng hướng về phía mặt trời mọc.

Du khách còn có thể tham gia các tour du thuyền trên sông, thưởng thức cảnh đẹp của bờ sông và tham gia vào các sự kiện nghệ thuật được tổ chức tại đây.

Bến Bạch Đằng là một trong những điểm check-in hấp dẫn tại TP.HCM dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay. Ảnh: VTC News.

Chiến khu Rừng Sác

Theo báo Tiền phong, rừng Sác nằm trên địa bàn huyện Cần Giờ và và cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km nhưng với địa thế hiểm trở như rừng ngập mặn, nhiều sình lầy và có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Trước năm 1975, Rừng Sác là căn cứ địa chiến lược của Trung đoàn 10 Đặc công. Từ nơi đây, với nhiệm vụ tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ… của đặc công Rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ...

Sau 1975, lực lượng TNXP TP.HCM đã biến Rừng Sác thành “lá phổi xanh” của TP.HCM, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì thế, ngoài những dấu ấn lịch sử của đặc công Rừng Sác còn được lưu giữ thì nơi đây còn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, đam mê khám phá, tìm hiểu về những trang sử vàng của dân tộc.

Khu tưởng niệm Ngã ba Giồng

Ngày 23/11/1940, khu vực Ngã ba Giồng đã diễn ra sự kiện nhân dân Hóc Môn cùng với những người dân Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn đứng lên đấu tranh để làm nên Khởi nghĩa Nam kỳ.

Với những giá trị lịch sử trong các cuộc đấu tranh cách mạng, năm 2005 Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng được khởi công xây dựng lại trên tổng diện tích quy hoạch hơn 73.000 m2. Trong đó bao các công trình chính như: Đền thờ, nhà truyền thống, quảng trường, các cụm tượng đài, hệ thống cây xanh, hồ phun nước, sảnh chính…

Hiện nay, nơi đây là khu tưởng niệm lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Khu di tích hiện đang lưu trữ những hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc đấu tranh năm xưa.

Nơi đây là khu tưởng niệm lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Đường sách Nguyễn Văn Bình

Nếu bạn là người đam mê sách, hãy tận dụng kỳ nghỉ lễ để khám phá Đường sách Nguyễn Văn Bình. Con đường thơ mộng này nằm ở trung tâm thành phố và tập hợp nhiều gian hàng sách từ các nhà xuất bản lớn.

Bên cạnh việc chọn mua những cuốn sách yêu thích, bạn có thể ngồi thư giãn, thưởng thức cà phê tại các quán nhỏ ven đường, cảm nhận không khí yên tĩnh giữa sự sôi động của thành phố.

Vào dịp lễ 30/4, Đường sách thường có các hoạt động hấp dẫn như gặp gỡ tác giả, sự kiện ký tặng sách, triển lãm tranh ảnh, đem đến trải nghiệm văn hóa đầy thú vị.

Khu truyền thống Mậu Thân

Khu truyền thống Mậu Thân nằm trong tổng thể khu di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh- TP.HCM) là một trong những "địa chỉ đỏ" thiêng liêng để tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020, Khu truyền thống Mậu Thân rộng 12ha là nơi là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh… về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

Khu truyền thống Mậu Thân nằm trong tổng thể khu di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh- TP.HCM). Ảnh: Báo Tiền phong.

Khu truyền thống còn có nhiều hạng mục như bức tường phù điêu, hộp hình ảnh, đài tưởng niệm … nhằm tái hiện lại cuộc chiến hào hùng và anh dũng của quân và dân trong Tết Mậu Thân. Trong đó bức tường phù điêu được đúc bằng đồng đỏ, cao 9m, dài 90m, tái hiện lại toàn bộ những trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn qua các đợt tấn công.

Bên cạnh đó là đài tưởng niệm với hình ảnh ngọn lửa yêu nước luôn bùng cháy và toả sáng những khí thế, tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Tin nổi bật