Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những địa điểm “phượt” hấp dẫn cho dịp nghỉ lễ 30/4–1/5

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 6 ngày từ 28/4 đến 3/5 quả là thời gian lý tưởng để các "phượt thủ" lên kế hoạch cho một cung đường dài hơi.

(ĐSPL) - Nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 6 ngày từ 28/4 đến 3/5 quả là thời gian lý tưởng để các "phượt thủ" lên kế hoạch cho một cung đường dài hơi.

Dưới đây là những gợi ý địa điểm "phượt" hấp dẫn cho bạn trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi cao thứ 4 Việt Nam, nhưng là ngọn núi rất khó chinh phục. Bạch Mộc Lương Tử thuộc xã Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai, cũng là ranh giới tự nhiên giữa Lai Châu và Lào Cai.

Cùng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn như Fansipan nhưng khi nóc nhà Đông Dương chuẩn bị có cáp treo thì nhiều dân phượt đã hướng sự chú ý về đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.

Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử. Ảnh: hachi8/VNE

Núi Muối là đỉnh cao nhất thuộc dãy Bạch Mộc Lương Tử (3.046m). Núi có 2 đường leo, hướng từ Dền Sung, Lai Châu và hướng từ Sàng Ma Sáo. Những hình ảnh do các phượt thủ chinh phục thành công cho thấy cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp như chốn bồng lai với biển mây lúc nào cũng cuồn cuộn đêm ngày. Vào ban đêm ở đây bạn có cơ hội ngắm nhìn bầu trời đêm kỳ ảo của núi rừng.

Lịch trình khám phá Bạch Mộc Lương Tử từ Lai Châu (thông tin của phượt thủ haichi8):

Ngày thứ nhất: Hà Nội - Lai Châu bằng xe khách giường nằm.

Ngày thứ hai: Lai Châu - Dền Sung. Nếu đi từ hướng này bạn phải xin giấy giới thiệu từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu (trong  thành phố) rồi vào trình báo với biên phòng địa phương tại bản Dền Sung. Thuê người bản địa dẫn đường. Bắt đầu leo núi và nghỉ ở độ cao 2500 m.

Ngày thứ ba: Lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử

Lên đỉnh Bạch Mộc rồi xuống nghỉ gần đỉnh núi Muối

Ngày thứ 4: Xuống núi, về Sapa. Lên xe khách hoặc tàu về Hà Nội.

Cực Tây tổ quốc – A Pa Chải

Cực Tây của tổ quốc - A Pa Chải thuộc xã Sín Tha, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc được mệnh danh nơi “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”.

A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoang La San, cách Hà Nội hơn 750 km. Cung đường thuộc loại khó trung bình này luôn thu hút dân phượt. Để có thể chạm tay vào cột mốc cực Tây, bạn cần được các chiến sĩ của đồn biên phòng 317 dẫn đường.

Lịch trình tham khảo:

Ngày 1: Hà Nội – Điện Biên, di chuyển được trong một ngày. Khi đến nơi bạn phải Ban chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên xin giấy phép để lên cột mốc số 0.

Ngày 2: Điện Biên – Mường Chà – Chà Cang – Mường Nhé - A Pa Chải: 220km đường đèo núi theo quốc lộ 12, huyện Mường Chà, Mường Nhé để đến miền cực tây. Đoạn đường đến A Pa Chải còn lại dài 60km, đường khó đi, hẹp và sạt lở nhiều.

Ngày 3: Lên cột mốc số 0 – ngã 3 biên giới 3 nước Việt – Trung – Lào. Chiều tối quay trở lại Mường Nhé

Ngày 4: Lên đường về Hà Nội.

Háng Tề Chơ – Đệ nhất thác

Háng Tề Chơ ( hay Háng Đề Chơ) là tên của một bản làng người Mông thuộc xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Bản làng này sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là ngọn thác kỳ vĩ nhất, là "tứ đại tử địa" của Tây Bắc  núi rừng Tây Bắc. 

 'Đệ nhất thác' Háng Tề Chơ. Ảnh: VOVE/Phuot.vn

 Đường vào Hàng Tề Chơ là sự kết hợp của bùn lầy nhão nhoét xen kẽ đá dăm, đá tảng nằm cheo leo, chênh vênh trên bờ vực thẳm. Từ quãng rẽ Làng Nhì – Háng Tề Chơ, vượt qua chừng 10 con dốc dựng đứng 25 độ là tới được “hiểm địa” vốn được dân “phượt” cho là có số có má. Chính vì vậy dễ hiểu vì sao ngọn thác Háng Tề Chơ vẫn còn hoang sơ và ít người biết đến vậy. 

Lịch trình cơ bản từ Hà Nội: Hà Nội - Sơn Tây - cầu Trung Hà - Thanh Sơn - Thu Cúc - Văn Chấn - Phình Hồ - Làng Nhì (dưới) - Háng Tề Chơ.

Hà Giang – Nơi tình yêu bắt đầu

Hà Giang, cực bắc của Tổ quốc, đã không còn xa lạ với dân phượt. Nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc với cảnh sắc hoang sơ, cùng sự hòa quyện của đá và hoa như thể đưa người ta đến một vùng đất khác, một vùng đất mà đã đến rồi ắt hẳn sẽ yêu.

Đứng ở trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng Nho Quế chỉ như  là một sợi chỉ mỏng vắt qua núi qua đèo. Ảnh: Internet

Ðến Hà Giang, thăm Quản Bạ ngắm nhìn cổng trời, núi đôi, thăm Yên Minh nhìn rừng thông đẹp nhất Việt Nam, thăm Sủng Là có ngôi nhà trong “Chuyện Của Pao”, thăm Phó Bảng – một trong những cửa khẩu chính của Hà Giang (cột mốc gianh giới Việt Trung) với những mái nhà lợp ngói âm dương mang đậm dáng dấp của người Hoa.

Tiếp đó, thăm cao nguyên Ðồng Văn để thử lòng can đảm của du khách bởi đèo cao vực thẳm nhưng đổi lại, bạn được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ.

Nơi đây còn có những ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên; những toan tính, muộn phiền như chưa từng ghé qua đây.

Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời".

Ngoài ra, việc thám hiểm đèo Mã Phí Lèng – nơi được mệnh danh là đèo tình yêu, một trong tứ đại đỉnh đèo cũng tạo cho người chơi những cảm giác thú vị. 

Cực Đông – Đi tìm nữ thần mặt trời

Chinh phục Mũi Đôi - điểm cực Đông đất liền Việt Nam là hành trình không dễ dàng. Nhưng với dân “phượt” thì điều đó càng thôi thúc họ.

Nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Mũi Đôi được mệnh danh là điểm cực Đông trên đất liền, nơi đầu tiên đón ánh mặt trời ở Việt Nam. Hành trình chinh phục Mũi Đôi - cực Đông Việt Nam có đủ những cung bậc trải nghiệm, từ băng rừng, leo dốc, chui hang, ngắm biển...

Cực Đông Mũi Đôi. Ảnh: Phạm Quang Tuân/Zing.vn

Bạn dễ dàng bắt chuyến xe đêm  từ Sài Gòn ra Nha Trang, sáng hôm sau có mặt ở Nha Trang để lên đường ra Cực Đông. Cứ men theo đường chạy ra Phú Yên, chưa đến đèo Cổ Mã (còn cách Tuy Hòa khoảng 40km) là có đường rẽ vào Mũi Đôi. Bạn có thể thuê thuyền hay “nhảy ghềnh” ra cực. Tuy nhiên, để gia tăng cảm giác chinh phục và khám phá hết những phong cảnh tuyệt đẹp trên đường đi thì bạn nên nhờ người địa phương dẫn đường đi bộ ra mũi với giá rất mềm.

Nam Du – hoang đảo tận trời Nam

Quần đảo Nam Du nằm trong vịnh Thái Lan, hiện là địa điểm hấp dẫn với nhiều dân “phượt”.  Bạn dễ dàng bắt xe khách từ TP.HCM tới TP Rạch Giá. Từ đây, vượt 65 hải lý là bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Nam Du. Để ra đảo, có thể di chuyển ra đảo bằng tàu cao tốc hoặc tàu thường. Vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, bạn nên cẩn thận đặt vé sớm.

Phượt Nam Du. Ảnh: Hải An/Zing.vn

Nam Du gồm 21 hòn đảo trong đó, rộng nhất là hòn Củ Tron (9km2) và nhỏ nhất là hòn Hòn Lò (200m2). Bạn có thể sử dụng xe máy hay thuê tàu của người dân địa phương để khám phá cảnh đẹp xung quanh. Trên Hòn Lớn có một số nhà nghỉ tuy nhiên bạn cũng nên đặt phòng trước hoặc có thể xin ngủ qua đêm ở nhà dân.

Ảnh: Hải An/Zing.vn

Nơi đây có những bãi tắm xanh trong, bờ biển với hàng dừa xanh và bãi cát trắng tuyệt đẹp, lặn ngắm san hô hay đi lôi mực, đi lưới cá xanh xương. Các địa điểm thăm quan bạn không nên bỏ qua là chùa bà Chúa Xứ, hải đăng Nam Du, bãi Cây Mến, bãi Ngự, bãi Chệt, tham quan các lồng bè nuôi cá ở Hòn Ngang…

Bạn cũng nhớ ghé thăm Hòn Mấu, nơi đây có 5 bãi biển vô cùng tuyệt đẹp. Và nếu có thể, hãy cùng đốt lửa trại, thưởng thức bữa tối tuyệt vời trên bờ biển. Và nhất định bạn phải thử món cá xanh xương nướng bẹ chuối, sò điệp nướng mỡ hành, mực trứng vừa câu hấp gừng hay canh chua cá bớp…

BÁCH NHẬT (Tổng hợp)

Tin nổi bật