Bố mẹ quản lý con quá chặt
Do đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, nhiều phụ huynh rất dễ có hành vi kiểm soát trẻ quá mức. Họ không biết rằng việc quản lý quá chặt mọi hoạt động hàng ngày, từ làm bài tập về nhà, công việc vặt đến cả lúc chơi để đảm bảo con làm đúng mọi thứ có thể khiến con bị áp lực.
Bố mẹ quan tâm, đồng hành cùng con là điều rất quan trọng nhưng nếu tham gia quá đà vào cuộc sống của trẻ thì có khả năng cản trở sự phát triển của con.
Các bậc phụ huynh tốt nhất nên để con phạm sai lầm và đối mặt với hậu quả do bản thân gây ra, nhờ đó trẻ sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Chứng kiến con bị điểm kém do mải chơi, lười học có thể khó chịu với nhiều người nhưng điều đó sẽ dạy trẻ một bài học nhớ đời.
Bố mẹ phê phán, mắng con nhiều hơn khen ngợi
Thay vì khen ngợi những thành tích của con, không ít bố mẹ lại chỉ chăm chăm vào việc làm sai của đứa trẻ. Họ cho rằng, con không nên được khen ngợi vì giỏi giang mà phải tạo áp lực để trẻ trở nên tốt hơn.
Trên thực tế, việc thường xuyên chỉ trích, mắng mỏ không thúc đẩy trẻ phát triển, trái lại còn gây áp lực cho con và dẫn đến những phản ứng tiêu cực ở trẻ. Giống như người lớn, trẻ cũng không thích nghe những lời phê phán liên tục khi mắc lỗi.
Một số hành động của bố mẹ khiến con bị áp lực. Ảnh minh họa
Để con đạt kết quả tốt, các bậc làm cha làm mẹ nên khen ngợi khi con học tốt, hành động tốt và đưa ra nhận xét đúng đắn, từ từ giảng giải cho con hiểu khi con làm sai. Dành lời khen đúng lúc, kết hợp với sự giáo dục nghiêm khắc có thể giúp trẻ lớn khôn nên người.
Bố mẹ thường xuyên không giữ được bình tĩnh
Do đặt kỳ vọng quá cao vào trẻ, bố mẹ cũng bị đè nén tâm lý nên dễ bùng nổ cảm xúc, cảm thấy thất vọng và thường xuyên nổi nóng mỗi khi con không đạt thành tích như mong muốn. Việc đó khiến không khí gia đình lúc nào cũng vô cùng ngột ngạt, ngoài ra con cũng phải đối mặt với áp lực lớn.
Bố mẹ nên chấp nhận một điều rằng con mình có thể không bao giờ là đứa trẻ giỏi giang nhất lớp. Thay vì ép con phải đạt những kỳ vọng phi thực tế, phụ huynh nên khuyến khích con cố gắng hết sức, tránh cáu giận khiến con bị áp lực, khiến tất cả mọi người đều căng thẳng.
Bố mẹ thường xuyên so sánh con với những đứa trẻ khác
Một trong những hành động khiến con bị áp lực lớn nhất là bố mẹ so sánh con với những đứa trẻ khác. Trên thực tế, chẳng ai thích bị đem ra so sánh với người khác.
Hành động này khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc phải làm mọi thứ để hơn người khác, thậm chí chỉ chú tâm đến cái lợi trước mắt mà bỏ qua nhu cầu, cảm nhận của bản thân.
Thường xuyên bị bố mẹ so sánh với người khác dễ khiến trẻ nhụt chí, có xu hướng tự ti và nhút nhát, không dám tham gia những lĩnh vực mà trẻ nghĩ bản thân kém cỏi, kém vượt trội hơn những đứa trẻ thường được bố mẹ khen ngợi.
Chưa kể, tâm lý trẻ cũng có khả năng ngày càng tồi tệ hơn, sinh ra phản ứng ức chế vì phải từ bỏ đi sự yêu thích của bản thân để theo một hình mẫu khác, không phải do bản thân lựa chọn.
Nếu muốn con phát triển tốt hơn, bố mẹ nên khuyến khích con cạnh tranh với chính bản thân mình. Bố mẹ động viên con cố gắng học tập để thành tích của chính mình hôm nay tốt hơn hôm qua, không cần bận tâm đến thành tích của những người xung quanh.
Bố mẹ luôn nghĩ mọi hành động đều ảnh hưởng nghiêm trọng
“Nếu không đạt học sinh giỏi thì con đừng mong đi chơi”, “Nếu không làm được bài này thì con sẽ thua kém bạn bè”… là một số câu mà không ít phụ huynh nói với con. Những câu nói như vậy khiến trẻ cho rằng bản thân chỉ có một cơ hội duy nhất để thực hiện mọi thứ.
Trên thực tế, trẻ nhỏ vẫn luôn có nhiều cơ hội để tỏa sáng, thể hiện sự vượt trội của bản thân, chỉ cần đợi đến thời điểm phù hợp. Vậy nên, bố mẹ nên hướng con đến suy nghĩ tích cực, thay vì nghĩ theo hướng tiêu cực khiến trẻ bị áp lực và hình thành “bóng ma tâm lý”.
Đ.K (T/h)