Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những chuyện ít biết về nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở Ngọc Trì

(DS&PL) -

một nghi lễ và trò chơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.

Một ngày tháng Tám, chúng tôi tìm đến đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) gặp các cụ cao niên trong làng nghe kể về một nghi lễ và trò chơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.

Từ câu chuyện dân gian đến nghi lễ tâm linh

Ông Lê Văn Cự (74 tuổi) - cả đời người gắn bó với mảnh đất Thạch Bàn tự hào kể về nguồn gốc, quy trình nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi với sự hào hứng.

“Theo truyền thuyết mà cha ông ở làng từ đời trước truyền lại cho đời sau, xưa kia làng Ngọc Trì (nay là Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng phân đều trên ba xóm (hay còn gọi là mạn): Mạn Đường, mạn Chợ và mạn Địa. Trong đó, có đến 11 cái giếng đã cạn hết nước. Chỉ còn một cái duy nhất (nằm trên mạn Địa) vẫn còn nước. Thanh niên trai tráng ở mạn Đường và mạn Chợ xuống xin mạn Địa nước nhưng người mạn Địa không cho nên đã xảy ra giằng co nhau. Khi ấy người ta dùng quang mây và nồi đất để gánh nước. Vì sợ đổ nước nên hai bên đã ngồi xuống để kéo giữ nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa và mọi việc đều tốt lành”, ông Cự kể.

Chứng kiến sự trường tồn của nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi, hơn ai hết, ông Cự là người hiểu rõ về trò chơi này như một môn nghệ thuật mang đậm dấu ấn tâm linh.

Ông Lê Văn Cự - người dân làng Ngọc Trì, Thạch Bàn, Hà Nội chia sẻ về nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi. (Ảnh: Kim Ngân).

Ông Cự nhớ lại, mỗi năm trước ngày lễ hội diễn ra, người dân làng Ngọc Trì chuẩn bị tuyển lựa người kéo co. Hỏi ông về tiêu chuẩn lựa chọn trai tráng trong làng tham gia cuộc chơi, ông cho hay: “Tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên và có nền nếp, gia giáo chuẩn mực”.

Ngọc Trì có ba mạn: Mạn Đường, mạn Đìa, mạn Chợ và mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện. Đến ngày hội làng, các Mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền lễ Thánh. Tiếp đó, các Mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm lượt thi. Mỗi đội phải đủ 24 người và một Tổng cờ. Các chàng trai tham gia kéo co đều cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn còn Tổng cờ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ.

“Trước khi vào trận thi đấu, các cụ có chức sắc trong làng sẽ hạ cây song xuống để làm lễ. Sau khi dâng lên làm lễ xong, đại diện ba đội lên nâng cây song (dùng để kéo co) ba lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo. Khi đó thanh niên trai tráng sẽ chạy quanh đền ở khởi động. Còn ban tổ chức sẽ lồng song qua lỗ cột và chuẩn bị cho cuộc thi đấu diễn ra”, ông Cự cho hay.

Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong hội thi là cây song to và nhẵn dài khoảng 50m, được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ. Cột trụ thường là gỗ lim to như cột đình, được chôn sâu dưới đất để làm điểm tựa. Trên thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song. Những người ngồi đầu mỗi đội chơi thường lấy chân đạp vào cột để tăng sức kéo.

Khi đó trai tráng trong làng tham gia kéo co sẽ trong tư thế ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của song. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô "í a, kéo". Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo.

Thế nhưng, theo lời ông Cự, không chỉ độc đáo về cách chơi mà có một điểm đặc biệt chỉ người dân Ngọc Trì nắm được là trò chơi kéo co diễn ra không quan trọng thắng thua. Bởi tất cả người dân và các đội đều mong đội mạn Đường thắng. Từ xa xưa, người dân nơi đây quan niệm mạn Đường (cộng đồng cốt lõi về trồng trọt) mà thua, năm đó sẽ làm ăn thất thoát. Nếu thắng mùa màng sẽ gặp bội thu. Điều này như một quy luật ngầm từ xưa đến nay.

Song mây được treo trong đền Trấn Vũ. (Ảnh: Kim Ngân).

Trao truyền để gìn giữ

Được biết, ngày 2/12/2015, nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ. “Từ khi trò chơi của làng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể, ai cũng vui mừng, hồ hởi và có ý thức trong việc gìn giữ để lại cho thế hệ sau. Đây, trước đền có một khu đất rộng 4.000m2 ngay được Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội và quận Long Biên quy hoạch, xây dựng thành bãi kéo co và phục vụ lễ hội đền Trấn Vũ”, ông Cự chia sẻ.

Trai tráng trong làng tham gia trò chơi kéo co ngồi. (Ảnh: Hữu Thắng)

Năm 2019, người dân Thạch Bàn đã chào đón hiệp hội Bảo tồn Nghi lễ và Trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc sang giao lưu. Theo ông Cự, tại buổi giao lưu, các đội kéo co đã trình diễn kéo co của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Với nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ, ba đội tham gia nghi lễ và trò chơi kéo co gồm: Mạn Chợ, Mạn Đường và Mạn Đìa, mỗi đội có 15 trai đinh của làng và một tổng cờ. Còn hiệp hội Bảo tồn Nghi lễ và Trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc đã mang sang dây bện lớn bằng rơm để thực hành trò chơi. Sợi dây chính được nối với hàng chục dây kéo phụ dùng để kéo. Các đội kéo co đền Trấn Vũ đồng thời tham gia thực hành trò chơi kéo co của Hàn Quốc.

“Sau buổi giao lưu ở Việt Nam, chúng tôi được mời sang Hàn Quốc. Đoàn giao lưu thi đấu gồm 30 người đi. Đội Việt Nam đã tặng dây kéo co cho Hàn Quốc và hiện được trưng bày trong bảo tàng Hàn Quốc”, ông Cự kể về chuyến đi giao lưu với Hàn Quốc. Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý Di tích đền Trấn Vũ chia sẻ: “Theo thời gian, nghi lễ và trò chơi kéo có cũng có những thay đổi nhưng về bản chất thì vẫn vậy. Ý nghĩa tâm linh của nghi lễ được bảo đảm, không bị biến tướng. Đặc biệt, người dân hiểu thực hành nghi lễ là tiếp nối ước vọng của cha ông về mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Chính vì vậy, trải qua bao thế hệ cùng rất nhiều khó khăn, nghi lễ và trò chơi kéo co tại đền Trấn Vũ vẫn tồn tại bền vững đến ngày nay. Những năm gần đây, sau màn nghi lễ kéo co ngồi truyền thống dành cho nam, còn có thêm hoạt động kéo co ngồi cho nữ”.

Nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi một năm chỉ tổ chức một lần vào ngày 3/3 Âm lịch, cũng chính là ngày hội đền Trấn Vũ của người dân thôn Ngọc Trì (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội). Đây không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà còn là một nghi lễ diễn xướng dân gian mang tính tâm linh.


Phong Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (133)

Tin nổi bật