Mới đây, người dùng mạng xã hội truyền tay nhau bức ảnh một em bé khóc lóc sướt mướt, không chịu vào lớp nhận được hàng nghìn lượt thích và bình luận.
Bức ảnh bé trai không chịu đi khai giảng gây sốt mạng xã hội. |
Hôm qua (5/9), hàng triệu học sinh trên khắp cả nước đã có một buổi lễ khai giảng với nhiều tâm trạng khác nhau. Có em háo hức nhưng có những em tiếc nuối mùa hè. Nổi bật trong rất nhiều học sinh tham gia khai giảng năm nay là hình ảnh một cậu bé khóc lóc, dùng dùng mọi nỗ lực để tránh việc phải vào trường. Trong khi đó cô giáo dường như đang dùng hết sức mạnh để giữ học trò của mình. Màn “kéo co” của hai cô trò đã khiến người ta vừa khóc, vừa cười.
Được biết bức ảnh trên được chụp bởi một phóng viên tên Đình Việt, bức ảnh nhanh chóng gây bão mạng xã hội, nhận được 50.000 lượt thích và hàng nghìn lượt bình luận.
“Nhà bao việc, học hành gì tầm này”, “Con muốn về, cô thả con ra huhuhu… ôi nhìn vừa mắc cười, lại vừa thấy thương”… là một vài bình luận của cư dân mạng khi xem bức ảnh này.
Tuy nhiên ít ai biết rằng đằng sau khoảnh khắc tưởng chừng như hài hước trên lại là câu chuyện về ngôi trường đặc biệt.
Trường phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội là mái trường chuyên biệt nhận dạy trẻ em khuyết tật. Các em nhỏ theo học nơi đây, hoặc là khiếm thính, hoặc bị khiếm thị hoặc vì một lý do bệnh tật nào khác mà không thể nghe - nói bình thường.
Trong giây phút xúc động ngân lên bài hát Quốc ca, học sinh và toàn thể thầy, cô giáo thay vì hát như bình thường, đã cùng nhau... hát bằng tay. Đó là thành quả của bao sự khó khăn, kỳ công và cố gắng khổ luyện của những người lớn tử tế dưới mái trường đặc biệt này, chỉ mong những đứa trẻ khuyết tật cũng được đón một buổi lễ khai giảng bình thường như bao ngôi trường khác.
Ngày khai giảng, lần đầu tiên dẫn con vào trường, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng vì sợ con mình không thể thích nghi với môi trường mới. Em bé trong câu chuyện kể trên, có thể vì chưa quen trường, chưa quen lớp, hoặc cảm giác đôi chút sợ hãi, đã khóc sướt mướt từ cổng vào lớp. Cả bố em, và cô giáo chủ nhiệm đều cố gắng thật nhiều để cậu bé có thể hòa nhập cùng các bạn trong ngày đầu bỡ ngỡ.
Một phụ huynh từng xúc động nói: "Nhìn thấy con mình được chào đón, tự tin vẫy cờ diễu hành mà tôi không kìm được nước mắt". Đây có lẽ là tâm sự chung của những ai có con không may bị khiếm khuyết về cơ thể, mong mỏi một ngày không xa, những đứa trẻ thiệt thòi có thể hòa nhập với cộng đồng.
Cô trò cùng hát Quốc ca bằng đôi tay. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Thanh Tùng (T/h)