Ngày 21/10, 20 chiếc xe tải chở theo hàng viện trợ đã tiến vào Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah do Ai Cập kiểm soát. Đây là lần đầu tiên cửa khẩu Rafah mở cửa kể từ khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ.
Một đoàn xe bao gồm 20 xe tải viện trợ đã tiến vào Dải Gaza từ Ai Cập, mang theo thuốc men và thực phẩm, theo một tuyên bố của phong trào Hồi giáo Hamas. Hơn 200 xe tải chở khoảng 3.000 tấn hàng viện trợ đã được bố trí gần cửa khẩu trong nhiều ngày trước khi tiến vào Gaza.
Văn phòng truyền thông của Hamas trước đó cho biết: "Đoàn xe viện trợ dự kiến sẽ đến hôm nay bao gồm 20 xe tải chở thuốc, vật tư y tế và một lượng hạn chế thực phẩm đóng hộp”.
Martin Griffiths, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, hoan nghênh động thái này, nhấn mạnh việc mở cửa để hàng viện trợ diễn ra sau "nhiều ngày đàm phán căng thẳng với tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng hoạt động viện trợ vào Gaza được nối lại nhanh nhất có thể và với các điều kiện phù hợp".
Những chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Gaza sau nhiều ngày đóng cửa biên giới. Ảnh: AP.
Ông nói thêm: "Tôi tin tưởng rằng chuyến giao hàng này sẽ là khởi đầu cho một nỗ lực bền vững nhằm đem đến các nguồn cung cấp thiết yếu – bao gồm thực phẩm, nước, thuốc men và nhiên liệu – cho người dân Gaza một cách an toàn, đáng tin cậy, vô điều kiện và không bị cản trở”.
Ngay sau khi 20 chiếc xe chở hàng viện trợ nêu trên đi qua, cửa khẩu Rafah đã đóng lại trong khi vẫn còn hơn 200 chiếc xe khác vẫn nằm ở bên phía Ai Cập.
Tuy vậy, ông Martin Griffiths tin rằng chuyến hàng này sẽ là khởi đầu cho một nỗ lực bền vững nhằm cung cấp nhu yếu phẩm, bao gồm thực phẩm, nước, thuốc men và nhiên liệu - cho người dân Gaza một cách an toàn, đáng tin cậy, vô điều kiện và không bị cản trở.
Ông Griffiths nhấn mạnh: "Đoàn xe đầu tiên này không phải là đoàn xe cuối cùng”.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết thêm sự kiện nêu trên diễn ra sau nhiều ngày đàm phán sâu sắc và căng thẳng với tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng hoạt động viện trợ vào Gaza được nối lại nhanh nhất có thể và với các điều kiện phù hợp.
Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố đầu giờ chiều nay cũng đã xác nhận thông tin về những chuyến xe tải chở hàng cứu trợ đầu tiên vào được dải Gaza. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách Ai Câp, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestin để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa đến với những nơi cần được hỗ trợ.
Trong khi đó từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đánh giá cao diễn biến trên tại cửa khẩu Rafah. Tổng thống Mỹ cũng cho biết, trước đó, ông đã nhận được cam kết từ giới chức Israel và Tổng thống Ai Cập tạo điều kiện để 20 xe tải chở hàng cứu trợ đầu tiên vào được dải Gaza. Tới đây những con đường cao tốc cần được trải lại để việc vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn.
Trong hai tuần qua, Israel đã phong tỏa lãnh thổ và tiến hành làn sóng tấn công trừng phạt trên không sau vụ tấn công dữ dội của các chiến binh Hamas vào các thị trấn ở miền Nam Israel vào ngày 7/10. Dù việc mở cửa khẩu Rafah là “có ý nghĩa” vì có thể giúp đến nhiều viện trợ được gửi đến Gaza hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng cần nhiều hơn thế.
Người dân dải Gaza trong khoảng thời gian đó đã phải đối mặt với tình cảnh bị cắt đứt nguồn cung năng lượng, thực phẩm, thuốc men và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Nhiều người ở Gaza, chỉ ăn một bữa mỗi ngày và không có đủ nước để uống, đang tuyệt vọng chờ đợi viện trợ.
Họ sống trong cảnh bệnh dịch lan tràn, nguồn cung đang dần cạn kiệt và nhiều người đã thiệt mạng. Các nhân viên bệnh viện cũng đang cần khẩn cấp vật tư y tế và nhiên liệu cho máy phát điện khi họ điều trị cho hàng nghìn người bị thương trong các vụ đánh bom.
Thực tế này đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại và liên tục kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài qua cửa khẩu Rafah vào Dải Gaza.
Theo các nhân viên viện trợ tại khu vực, “có khoảng 100 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày đến Gaza trước khi cuộc xung đột này bắt đầu, vì vậy 20 xe vừa qua chỉ là một giọt nước trong đại dương”.
Cindy McCain, giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới, cũng đồng quan điểm 20 xe tải viện trợ là không đủ. "Tình hình bên trong Gaza rất nghiêm trọng. Không có thức ăn, không có nước, điện hay nhiên liệu. Sự kết hợp đó không chỉ là thảm họa mà còn có thể dẫn đến nạn đói và bệnh tật nhiều hơn".
Như Quỳnh (T/h)