Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những chính sách quan trọng nào có hiệu lực từ 1/2021?

(DS&PL) -

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Mua ôtô trong nước không còn được miễn 50% thuế trước bạ; Quy định mới về tuổi nghỉ hưu;...

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Mua ôtô trong nước không còn được miễn 50% thuế trước bạ; Quy định mới về tuổi nghỉ hưu;... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/2021.

Những chính sách quan trọng nào có hiệu lực từ 1/2021? - Ảnh minh họa

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021 cấm các hoạt động gồm: Kinh doanh các chất ma túy và một số loại hóa chất, khoáng vật có trong phụ lục của luật; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; kinh doanh mại dâm; mua bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể hoặc bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ.

Đặc biệt, luật này chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật Đầu tư 2020 cũng giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xuống còn 227 ngành nghề, đồng thời, bổ sung nhiều ngành, nghề được ưu đãi đầu tư cũng như thêm hình thức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Mua ôtô trong nước không còn được miễn 50% thuế trước bạ

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn. Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Một trong những quy định đáng chú ý là giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước nhằm kích thích tiêu dùng.

Quy định nêu rõ “từ 28/6 đến hết 31/12, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20 năm 2019 của Chính phủ và các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương".

Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên của năm 2021, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực. Người dân mua ôtô trong nước sẽ không được miễn 50% lệ phí trước bạ kể từ ngày 1/1.

Mức lệ phí trước bạ năm 2021 sẽ được áp dụng lại theo Nghị định số 20 của Chính phủ và các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND cấp tỉnh về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Tòa án sẽ hòa giải trước, thụ lý sau

Cũng từ 1/1, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc tổ chức hòa giải sẽ được thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Thời hạn hòa giải, đối thoại tại tòa án là 20 ngày kể từ ngày hòa giải viên được chỉ định. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên cũng có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không được quá 2 tháng.

Viện kiểm sát được quyền giám định hình sự

Từ 1/1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp chính thức có hiệu lực.

Theo luật mới, các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự gồm Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng và Phòng Giám định kỹ thuật của Viện KSND tối cao.

Trong đó, phòng giám định của viện kiểm sát thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của phòng giám định hình sự thuộc đơn vị mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đây là điểm mới so với luật giám định cũ.

Quy định mới trong tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức

Thông tư 06/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có hiệu lực thi hành từ 20/01/2021.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật