Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 5: Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Giá điện được điều chỉnh 3 tháng một lần, ếp lương công chức thi hành án dân sự.... là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.

Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5 (thay thế Quyết định 24/2017).

Quyết định này cho phép rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng; song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. 

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Kỹ thuật viên điện lực kiểm tra hệ thống. (Ảnh: VnExpress)

Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn xếp lương công chức thi hành án dân sự

Thông tư 02/2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số, xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự có hiệu lực từ 18/5.

Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án; áp dụng đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004.

Ngạch Chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1 (từ 6.20 đến 8.0).

Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1; (từ 4.40 đến 6.78).

Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 (từ 2.34 đến 4.98).

Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B (từ 1.86 đến 3.66).

Năm tiêu chuẩn chung cho lãnh đạo quản lý

Tại Nghị định 29/2024 có hiệu lực từ 1/5, Chính phủ quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý. Các nhóm chức danh được áp dụng gồm công chức lãnh đạo thuộc bộ như thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, phó vụ trưởng, phó cục trưởng, trường phòng; công chức lãnh đạo thuộc tổng cục như tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng; và công chức lãnh đạo cấp sở như giám đốc, phó giám đốc, chi cục trưởng...

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam (đứng giữa) trao 4 quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ thuộc Thanh tra Chính phủ mới đây.(Ảnh: TTCP)

Năm nhóm tiêu chuẩn chung gồm: Chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác. Trong đó, công chức lãnh đạo phải có lập trường, bản lĩnh vững vàng; có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân.

Công chức lãnh đạo không được tham vọng quyền lực; có khả năng trọng dụng người tài; kiên quyết chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm; có trình độ từ đại học và ngoại ngữ phù hợp, tư duy đổi mới, năng lực tổng hợp, phân tích, dự báo; phát hiện bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp.

Để được bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo cao hơn, cán bộ cần kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí cấp dưới trực tiếp, có kết quả cụ thể. Người được bổ nhiệm từ nguồn nhân sự bên ngoài cần có kinh nghiệm, thành tích, sản phẩm. Trường hợp đặc biệt về tuổi, kinh nghiệm công tác, bổ nhiệm vượt cấp sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định.

Quy định mới về xét tặng danh hiệu nhà giáo, nghệ sĩ

Nghị định 35/2024 đưa ra một số điểm mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND) và Nhà giáo ưu tú (NGƯT), có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo đó, thầy cô ở vùng khó khăn hay giảng viên một số trường được giảm tiêu chí, các giáo viên cũng được dùng chức danh Tổng phụ trách Đội hay chủ nhiệm lớp để xét nhà giáo nhân dân, ưu tú.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thực tế ngành giáo dục không chỉ có danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Do đó, Bộ bổ sung chức danh giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội vào diện xét NGƯT, NGND. Ngoài ra, Bộ thêm một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng của nhà giáo.

Giáo viên được minh chứng về năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn hay tính lan tỏa, ảnh hưởng bằng việc biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo; chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng.

Nghị định 36/2024 quy định về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực từ 20/5. Nghị định quy định tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật. Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng Giải thưởng Nhà nước sẽ không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tác giả được xét tặng giải thưởng có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian. Tác giả phải đảm bảo các điều kiện như: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác giả là người nước ngoài phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam...

Tin nổi bật