Theo giới sành chơi cây cảnh, để có được một cây cảnh đạt đến độ “chân - thiện - mỹ” có giá hàng tỉ đồng là rất khó, kỳ công và phải qua thời gian dài, thậm chí là phải nhiều đời.
Ở Việt Nam rất nhiều “siêu cây” được định giá lên tới cả chục tỷ, thậm chí là trăm tỷ. Cùng điểm qua một số cây cảnh được giới chơi cây cảnh xếp vào dạng “đại trưởng lão” “hiếm có, khó tìm” ở Việt Nam.
Dáng làng
“Dáng làng” là cây sanh có tuổi đời 200 năm, cây thuộc sở hữu của đại gia Toàn đôla. Cây sanh này được anh mua trong Huế với giá 3 tỷ đồng từ mấy năm trước. Đến nay, đã có người trả giá 22 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.
Quần long phượng vũ
Siêu cây "quần long phượng vũ". Ảnh: Dân trí |
Cây Sanh “Quần Long Phượng Vũ” của công ty xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) có tuổi thọ trên 100 năm, được cho là “độc nhất vô nhị” có giá là 1 triệu USD.
Tam đa
Cây sanh Tam đa của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là cây sanh có gốc cổ thụ được định giá hơn 20 tỷ đồng.
Dáng Thăng Long
Là cây sanh của ông Hoàng Quân (Thái Bình) đã có người ở trong Sài Gòn trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông Quân không bán.
Đại thụ vân tùng
Cây Sanh “Đại thụ vân tùng” của nghệ nhân Lê Xuân Kỳ - Ủy viên ban chấp hành CLB sinh vật cảnh Việt Nam được định giá 10 tỷ đồng.
Phu thê
Cây sanh có dáng Phu thê này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Gia Hiền (Triều Khúc, Hà Nội). Tính đến giai đoạn hiện tại, cây sanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này nhưng ông không bán.
Ngoài ra, còn rất nhiều những siêu cây khác như Lão Mai được định giá 19 tỷ đồng, cây sanh Dáng Long của hội sinh vật cảnh Hải Dương giá 7 tỷ, Tác phẩm "Long cuốn Thủy" của hội sinh vật cảnh Bắc Ninh có giá khoảng 1,4 tỷ hay cây đa búp đỏ của ông Châu ở làng Triều Khúc, Hà Nội…
Siêu cây “Ông bụt” của đại gia Toàn “đô la” ở Việt Trì
Tác phẩm “ông Bụt” được đại gia Toàn “đô la” mua lại của một tay chơi Nam Định. Ảnh: Dân trí |
Tác phẩm “ông Bụt” được đại gia Toàn “đô la” (Phan Văn Toàn) ở TP. Việt Trì, Phú Thọ mua lại của một tay chơi Nam Định. Việc mua bán siêu cây cảnh triệu đô này đến này vẫn được giới chơi sinh vật cảnh kể như một giai thoại. Theo đó, lần đầu ông Toàn đến Nam Định, chủ nhân của siêu cây này bắt ông đứng ở xa quan sát không cho lại gần. Những lần sau đó, ông Toàn phải lặn lội đặt cao hổ tận bên Lào làm quà biếu và cũng phải mất một năm trời mới có vinh hạnh được “rước ông Bụt” về tư dinh của mình.
Cây tùng có tên “ông Bụt” được giới săn cây cảnh coi là bậc “đại trưởng lão” có giá tới 1,2 triệu USD vì có 500 năm tuổi!
Siêu cây “mâm xôi con gà” được định giá 6 triệu đô
Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Siêu cây “mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 150 tuổi. Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Chủ nhân của siêu cây này là ông Nguyễn Nam Thành (Việt Trì, Phú Thọ).
Siêu cây “Mâm xôi con gà” nổi tiếng trong một triển lãm sinh vật cảnh vào năm 2010. Thời điểm đó, ông Nam Thành cho hay đã chi khoảng 600 triệu đồng để in 10 vạn ảnh về siêu cây này cho người yêu cây cảnh thưởng lãm.
Theo nhiều người chơi cây cảnh, sở dĩ cây “Mâm xôi con gà” tạo được sức hút là bởi nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”.
Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng.
Tác phẩm Chiến thắng Bạch Đằng
Nhiều người nhận định, bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" có giá là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng. Ảnh: Dân trí |
Bộ tác phẩm gồm 5 chiếc thuyền với nhiều kích cỡ khác nhau làm bằng gỗ sao đen mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng. Anh Phạm Đức Thịnh – chủ nhân của tác phẩm này cho biết, anh phải mất gần chục năm để sưu tầm và thực hiện siêu phẩm này. Trong đó, nguồn gỗ lấy từ các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên.
Anh đã dùng lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, tìm được dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước để tạo tác nên bộ tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc này. Mẫu gỗ sao đen này đã được anh Thịnh gửi mẫu sang Nhật Bản và Trung tâm Phóng xạ Các bon của nước này xác nhận gỗ lũa có niên đại 1.240 năm.
Quá trình vận chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội phải sử dụng 20 chiếc xe tải cỡ lớn với giá 40 triệu đồng một xe.
Theo anh Thịnh, giá của tác phẩm này không phải là vấn đề lớn, cái nổi bật của nó nằm ở tính văn hóa lịch sử và tùy vào cách cảm nhận của từng người chơi cây cảnh. Nhiều người nhận định, bộ siêu phẩm "Chiến thắng Bạch Đằng" có giá là 3 triệu USD, tức gần 60 tỷ đồng.
Trực quân tử
Cây sanh này đã trải qua hàng trăm năm. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Trực quân tử là tên của một cây sanh đại thụ và cũng là một trong những loại cây cảnh quý ở nước ta. Cây sanh này đã trải qua hàng trăm năm. Nó thuộc sở hữu của gia đình anh Phạm Hải Anh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, được ước tính với giá 25 tỷ đồng. Theo chủ nhân của cây đại thụ, rất nhiều khách có nhã ý muốn mua cây sanh này nhưng anh chưa hề có ý định bán vì nó gắn liền với nhiều thế hệ của gia đình anh.
Siêu cây trâm vối
Nhiều người xem xong ngỏ ý muốn mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng ông chưa bán. Ảnh: Dân trí |
Mấy năm gần đây, ông Nguyễn Văn Ngọ (62 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) không còn xa lạ gì trong giới cây cảnh. Ông Ngọ được biết đến không chỉ bởi kinh nghiệm chơi cây, săn lùng được nhiều cây cảnh độc, lạ, cùng vườn cây cảnh quý lên đến gần nghìn cây khác nhau mà còn bởi, ông đang sở hữu siêu cây trâm vối độc nhất Việt Nam.
Nói về tuổi thọ của cây, ông Ngọ thừa nhận, ông cũng không thể biết chính xác cây trâm vối bao nhiêu tuổi, chỉ đoán được rằng, để có được thế cây tự nhiên đẹp như thế này thì cây trâm cũng phải có tuổi thọ lên đến trên 500 năm chứ không ít.
Cây trâm vối cho lá quanh năm. Mùa xuân, cây nảy lộc đâm chồi, ra hoa đậu quả, đến tầm tháng 9 thì quả to bằng đầu ngón tay út và chín. Khi chín, quả có màu tím cực đẹp, ai thích có thể hái ăn, vị ngọt hơi chát rất ngon.
Nhiều người xem xong ngỏ ý muốn mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng ông chưa bán.
4 cây tùng giá 12 tỷ
Nổi tiếng trong giới cây cảnh Sài Gòn bởi độ “chịu chơi”, đầu năm 2013 ông Phàn Xuân Thông, chủ vườn mai Minh Thùy, Q.Thủ Đức tiếp tục “rước” về thêm 4 cây tùng từ Nhật Bản. Tính cả chi phí vận chuyển, 4 cây Tùng Vạn Niên (còn gọi là Tùng La Hán) của ông có giá lên đến 12 tỷ đồng.
Trong một chuyến sang Nhật tham quan, giao lưu với những nghệ nhân bonsai, ông Thông có duyên được gặp trưởng hiệp hội bonsai thành phố Osaka. Nhờ vậy, ông có dịp chiêm ngưỡng những cây tùng hàng trăm tuổi, quý hiếm. Sau 4 lần sang Nhật hỏi mua, quý trọng sở thích chơi cây kiểng của vị khách đến từ Việt Nam, chủ nhân mới đồng ý bán 4 cây cho ông Thông.
Để có thể mang cây từ Nhật về, ngoài sự kiên trì, lòng "si" cây kiểng, ông Thông còn phải chắc chắn giữ nguyên hiện trạng cây theo đúng phong cách nghệ thuật chơi cây kiểng của Nhật.
Vũ Đậu (T/h)